(ĐCSVN) - Cuộc chiến của Mỹ và NATO ở Libya đã kéo dài hơn 4 tháng (dài hơn dự định). Đằng sau bức rèm nhung của vở diễn "Trách nhiệm bảo vệ" là những khổ đau, mất mát của người dân Libya. Những toan tính chiến lược nhằm tranh giành ảnh hưởng của các bên liên quan chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến thảm cảnh ở quốc gia Bắc Phi này
|
Chiến sự vẫn diễn biến ác liệt tại nhiều thành phố của Libya (Ảnh: Reuters) |
Việc Mỹ, nước đầu tàu trong NATO tuyên bố chuyển giao quyền chỉ huy chiến dịch tại Libya cho NATO đã khiến các cuộc không kích giảm dần và đang có nguy cơ đuối sức. Trên chiến trường, lực lượng của Tổng thống Muammar Gaddafi đã giành lại quyền kiểm soát một số thành phố lớn từ tay lực lượng nổi dậy. Nguyên nhân không phải do 27 nước thành viên NATO còn lại thiếu máy bay chiến đấu, bom đạn hay phi công mà do sự thiếu thống nhất từ các nước thành viên còn lại. Ngoại trừ Anh và Pháp là 2 nước chính và tham gia tích cực, các nước NATO khác chỉ giới hạn phạm vi tham gia trong các hoạt động bảo đảm và không tham gia không kích.
Qua đây, Mỹ muốn chứng minh rằng một khi không có Mỹ, NATO sẽ không thể làm được gì. NATO chỉ có thể là công cụ để Mỹ thực thi các chính sách của mình. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, Libya không de dọa trực tiếp đến an ninh nước Mỹ và do đó nước này không chi trả chi phí cho các cuộc không kích tại Libya và NATO phải làm việc này. Khoảng cách về chi phí quốc phòng giữa Mỹ và các nước thành viên NATO là rất lớn. Hiện nay, chi phí quân sự của Mỹ trong NATO chiếm đến 75% và tiếp tục tăng thậm chí cả khi nước này giảm chi tiêu quốc phòng.
Chính quyền Obama tuyên bố việc can thiệp không nhằm mục đích thay đổi chế độ ở Libya, trong khi đó Thủ tướng Anh Cameron và Tổng thống Pháp Sarkozy cùng cho rằng “việc để đại tá Gaddafi tiếp tục nắm quyền sẽ là một hành động vô lương tâm đối với người dân Libya”. Thực tế hiện nay tình hình đã có nhiều thay đổi do bối cảnh Libya khác với một số nước trước đó là Ai Cập, Yemen, Bahrain hay Tunisia. Lực lượng nổi dậy tại Libya là đội quân có “vũ trang” đã xuất phát từ khu vực phía đông, nơi chứa phần lớn trữ lượng dầu mỏ của Libya. Vì thế, mục tiêu chính của Mỹ và NATO tại đây là:
Thứ nhất, đẩy lùi và tiến tới oại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc ra khỏi khu vực Địa Trung Hải. Vì Trung Quốc (TQ) đã đầu tư lớn vào các dự án năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng ở Libya. Đã có khoảng 50 dự án đầu tư vào khu vực phía Đông của Libya. Hiện nay, lực lượng nổi dậy tiến hành chống chính phủ ở khu vực này, nơi tập trung chủ yếu trữ lượng dầu mỏ của Libya và đây cũng là hành động trực tiếp nhằm vào lợi ích của Trung Quốc.
Thứ hai, Mỹ muốn Tổng thống Gaddafi phải ra đi vì chính quyền Libya của ông này đã "dám" từ chối tham gia vào việc triển khai căn cứ cho Bộ Tư lệnh châu Phi-Africom.
Thứ ba, Libya kiểm soát một phần Địa Trung Hải và mà ở đó không có Mỹ. Nghị quyết của HĐBA là thiết lập vùng cấm bay, đã tạo cho các lực lượng của Mỹ và châu Âu có thể dễ dàng đạt được sự kiểm soát, song mục tiêu sẽ không dừng lại ở đó.
Theo các chuyên gia phân tích quân sự thì NATO hiện đang là tấm lá chắn cho các nước phương Tây trước “cộng đồng quốc tế”. Do đó nếu thành công trong lật đổ chế độ Gaddafi, mục tiêu lựa chọn tiếp theo sẽ là Syria, vì Nga đang có một cơ sở hải quân lớn đặt tại đây, cũng đồng nghĩa với việc Nga đang hiện diện quân sự tại Địa Trung Hải. Điều này trái với lợi ích của NATO và Mỹ. Syria, Iran, Bắc Triều Tiên vẫn bị Mỹ liệt vào “Trục ma quỷ”.Do vậy mục tiêu của Mỹ và NATO sau Libya sẽ là Syria và Iran. Hiện nay, cả Mỹ và NATO đang cáo buộc Iran can dự vào tình hình Syria và Libya. Theo dự báo quân sự thì Iran sẽ là mục tiêu tiếp theo mà Mỹ và phương Tây hướng tới.
Vì thế Mỹ tuyên bố đóng băng một phần tài sản của Gaddafi và một số nước khác cũng có hành động tương tự. Lực lượng nổi dậy cũng đã thành lập một ngân hàng trung ương, hạn chế sản xuất dầu mỏ và bắt đầu quá trình thương lượng với các công ty dầu khí của Mỹ và phương Tây, điều trước đây chưa từng xảy ra trong các cuộc cách mạng tại Trung Đông. Những hành động trên càng khẳng định rằng Mỹ và phương Tây đang muốn đẩy Trung Quốc ra khỏi các dự án đầu tư dầu lửa tại Lybia. Thực tế đang diễn ra ở Libya có thể được so sánh như những gì mà Mỹ và Anh đã từng làm với Nhật Bản trong những năm 1930 khi cắt các nguồn cung về dầu mỏ, cao su, khoáng chất cho nước này khởi nguồn cho Chiến tranh Thế giới Thứ 2 tại Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, có một số khác biệt, Trung Quốc là nước sở hữu vũ khí hạt nhân và có nền kinh tế mạnh. Do đó, Mỹ đang có những rủi ro nhất định không chỉ đối với bản thân mà còn đối với phần còn lại của thế giới. Nếu không lật đổ được chế độ của Gaddafi bằng các cuộc không kích, Chính quyền Mỹ liệu có thể vượt ra ngoài giới hạn Nghị quyết của HĐBA để triển khai quân trên bộ?
Dư luận đang có hai luồng nhận định, có vẻ trái ngược nhau. Một bộ phận cho rằng đã xuất hiện những dấu hiệu về sự rạn nứt trong quan hệ giữa các nước NATO với Anh và Pháp xung quanh việc hai nước này muốn tăng cường các hoạt động không kích. Một số khác lại cho rằng, đó chỉ là vỏ bọc che đậy các ý đồ sâu xa và là một phần của hoạt động tuyên truyền của phương Tây.
NATO tuyên bố các chiến dịch quân sự sẽ tiếp diễn cho đến khi Gaddafi phải ra đi. Nhưng thực chất lý do chính lại nằm ở chỗ chính Gaddafi là người làm ngưng trệ kế hoạch triển khai Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ; tiếp đến Libya là nước kiểm soát một phần Địa Trung Hải và cuối cùng là việc Tổng thống Gaddafi đã để Trung Quốc tìm kiếm nguồn năng lượng của tương lai tại đây. Washington đang cố gắng để kìm hãm đối thủ chính là Trung Quốc thông qua việc cắt giảm nguồn cung cấp năng lượng. Đó chính là phản ứng thực sự của Mỹ đối với sự thâm nhập của Trung Quốc vào châu Phi.
Hiện tại, có nhiều thông tin cho thấy có sự hiện diện của CIA tại Libya và đang có mối liên hệ với lực lượng nổi dậy tại đây. Châu Âu sẵn sàng gửi quân đội đến Libya để đảm bảo cho việc phân phát hàng cứu trợ nhân đạo. Hiện nay các nước châu Âu đã gửi 30 cố vấn sang Libya để giúp lực lượng nổi dậy về công tác tổ chức lực lượng. Tổng chỉ huy quân đội của lực lượng nổi dậy hiện nay là Khalifa Hifter, nguyên Đại tá trong Quân đội Libya, gần 20 năm công tác tại Vienna và Virginia nơi cách không xa Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Mỹ đã chuẩn bị lực lượng hậu thuẫn từ rất lâu nhằm can thiệp vào Libya.
Nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài, sức mạnh của Gaddafi sẽ suy giảm do thiếu vũ khí và nguồn tài chính. Đây có thể là chiến lược của các nước phương Tây nhằm làm cho chính quyền của Gaddfi tự sụp đổ. Trong khi đó, theo thời gian lực lượng nổi dậy ngày càng được tổ chức tốt hơn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, để chuyển đổi lực lượng nổi dậy thành quân đội chiến đấu ít nhất phải mất 6 tháng hoặc dài hơn. Mỹ và các nước NATO cũng đang bỏ ngỏ khả năng trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy như là một giải pháp thay thế cho việc triển khai lực lượng quân đội trên bộ. Qatar và UAE đang cung cấp tiền, vũ khí, đạn dược cho lực lượng nổi dậy qua đó góp phần làm giảm gánh nặng cho các nước phương Tây.
Hiện nay, lực lượng nổi dậy cũng đang tiến hành các bước để có thể thành lập một Nhà nước Libya ở phía Đông. Lực lượng này đang cho soạn thảo Hiến pháp với chủ trương bình đẳng giới, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo và dân chủ. Trong thời gian gần đây, lực lượng nổi dậy tại Libya cũng đã đón nhiều đặc phái viên nước ngoài và cũng thăm các nước như một quốc gia độc lập, thành lập các cơ quan quan trọng cũng như bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo của các cơ quan như Ngân hàng trung ương và Công ty Dầu khí Quốc gia, cơ quan thuế.
Tình hình hiện nay tại Libya có xu hướng đẩy nước này đến chỗ chia cắt thành 2 miền như bán đảo Triều Tiên. Kể cả khi lực lượng nổi dậy thành lập Chính phủ ở phía Đông thì đó cũng chỉ là chính phủ “bù nhìn” của phương Tây do phụ thuộc hoàn toàn về chính trị và quân sự
Như vậy, Mỹ và các nước phương Tây đang có những toan tính chiến lược nhằm loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga ra khỏi khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Ít có khả năng NATO sẽ triển khai lực lượng trên bộ tại Libya. Chủ trương chính là làm “tiêu hao dần” lực lượng của Gaddafi để dẫn đến tự sụp đổ. Đây là kinh nghiệm mà phương Tây đút rút được từ cuộc chiến tại Irắc và Afganixtan./.