Liên minh châu Âu (EU) tăng cường quan hệ thương mại với ASEAN

Thứ tư, 18/05/2011 17:28

 

Trưởng các đoàn dự Hội nghị cấp cao ASEAN-18
Ảnh : Vietnam+

(ĐCSVN) - Hội nghị Cấp cao các nước Đông Nam Á lần thứ 18 (ASEAN-18) vừa được tổ chức tại Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a) hồi đầu tháng 5 vừa qua đã thu hút khoảng 500 nhân vật trong giới hoạch định chính sách và doanh nghiệp đến từ Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN. Sự kiện này được các nhà quan sát cho là dịp để EU thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với các nước ASEAN.

Mục tiêu mà EU hướng tới là nhằm tranh thủ được một thị trường lớn gần 600 triệu người ở các nước đang tăng trưởng mạnh mẽ từ 5-10% trong năm nay. Điều đó cũng phù hợp với mong đợi của ASEAN, đặc biệt là các nước lớn trong khu vực đang mong muốn châu Âu chú ý nhiều hơn đến Đông Nam Á. Tổng thống In-đô-nê-xi-a, ông Xu-xi-lô Bam-bang, là Chủ tịch luân phiên ASEAN 2011, đã nêu bật nguyện vọng này khi xác định trước các đại diện châu Âu rằng: "Động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu không chỉ là Trung Quốc và Ấn Độ mà còn là Đông Nam Á". Ông Bam-bang kêu gọi EU nỗ lực vươn lên thành một đối tác lớn của ASEAN, một khu vực đang dựa trên mô hình của EU để đẩy mạnh tiến trình hội nhập khu vực của mình. Hiện nay, EU là nhà đầu tư ngoại lớn nhất ở Đông Nam Á, nhưng chỉ là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN sau Trung Quốc. Bên cạnh đó, khối ASEAN chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 7 của châu Âu. Vì vậy, các doanh nghiệp châu Âu cần phát huy được thị phần của mình trong khu vực nhiều tiềm năng này. Ông Giêm Rô-đét, một doanh nhân Pháp khẳng định "Sau Trung Quốc, Đông Nam Á là thị trường hứa hẹn nhất của châu Âu tại châu Á".

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp châu Âu là họ đang bị "chậm chân" so với các đối thủ cạnh tranh ở ngay tại châu Á, từ Trung Quốc, Ấn Độ cho đến Hàn Quốc hay Nhật Bản. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân của mình, EU trong thời gian qua quyết định đàm phán các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với các nước trong khu vực. Ban đầu, châu Âu đã tính đến khả năng thiết lập một Khu vực mậu dịch tự do giữa hai khối. Thế nhưng, chủ trương này đã mau chóng bị gạt qua một bên, nhường chỗ cho các cuộc đàm phán với từng nước riêng lẻ. Sở dĩ một FTA giữa ASEAN và EU khó có thể hình thành bởi trình độ phát triển giữa các nước trong nội bộ  ASEAN còn quá chênh lệch nhau.

Mặc dù vậy, việc đàm phán về một FTA giữa EU với với Xin-ga-po có thể được hoàn tất ngay trong năm 2011. Sau Xin-ga-po, châu Âu cũng đã bắt dầu đàm phán về FTA với Ma-lai-xi-a, đồng thời bắt đầu khởi động đàm phán về FTA với phía Việt Nam. Đến nay, các bên liên quan đều đã đồng ý về nguyên tắc triển khai các vòng đàm phán. Nhân chuyến công du Gia-các-ta để dự Hội nghị cấp cao ASEAN-18, ông Karel de Gucht - Uỷ viên Thương mại châu Âu cũng đã tìm cách thuyết phục In-đô-nê-xi-a, Thái Lan và Phi-líp-pin đàm phán FTA với EU. Trong đó, EU coi thiết lập FTA với ln-đô-nê-xi-a là ưu tiên số một. Thái Lan thì tán đồng ý tưởng này, nhưng chưa thể quyết định gì do tình hình chính trị nội bộ còn bất ổn. Còn In-đô-nê-xi-a thì lại không mặn mà lắm với một FTA song phương với EU, vì nước này đang theo đuổi chủ trương về một FTA đa phương chung của toàn khối ASEAN với EU./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực