Điều này đi ngược lại ý muốn của đa số thành viên OPEC là giảm sản lượng để vực giá dầu, khiến giới quan sát và dư luận đặt câu hỏi liệu có xảy ra “cuộc chiến” giá dầu siêu rẻ?
OPEC chưa thể giảm sản lượng khai thác dầu mỏ của khối. (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn)
Từ quyết định của OPEC…
Theo dự báo, năm 2016, Iran sẽ tham gia thị trường do lệnh cấm vận của phương Tây mới được gỡ bỏ, với 0,5 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, nguồn cung ngoài OPEC cũng được dự báo sẽ giảm đi khoảng 0,6 triệu thùng/ngày, với hai con số tăng và giảm gần như tương đương, nên tổng cầu vẫn không mấy thay đổi.
Điều quan trọng hơn là OPEC hiện đang hài lòng với mức sản lượng dầu hiện tại, xung quanh 40 USD/thùng với lý do phù hợp với ngân sách của năm tài khóa 2015 - 2016 mà các nước thành viên không thể cắt giảm thêm nữa. Mặt khác, giá hiện nay đang thấp ở mức vừa có thể bảo đảm tính cạnh tranh cao với dầu đá phiến từ Mỹ, vừa giữ được thị phần của Arab Saudi tại thị trường nước này.
Đồng USD hiện đang tăng giá, và còn tiếp tục tăng lên sau khi FED công bố tăng lãi suất cơ bản vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Vì thế, trên danh nghĩa giá dầu đang giảm, nhưng giá trị thực tế của dầu với tư cách “bản vị của đồng USD” lại được bù đắp, khiến các nhà đầu tư dầu mỏ vẫn có thể chấp nhận được.
Mặt khác, nhiều dự báo nhu cầu của thị trường thế giới năm 2016 vẫn cần được kiểm chứng thêm cho rõ ràng hơn, tránh tình trạng như năm 2015, IMF đã phải 4 lần hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra còn phải kể đến yếu tố địa - chính trị. Theo đó, Arab Saudi là quốc gia đầu tàu của khối lại có năng lực tài chính đủ sức theo đuổi giá thấp để giữ thị phần và đánh bại các đối thủ cạnh tranh; trong khi Iran lại sắp thoát khỏi cấm vận của phương Tây.
Tuy nhiên, việc OPEC giữ nguyên sản lượng khai thác dầu đang vấp phải mâu thuẫn nội bộ các nước thành viên với nhiều ý kiến khác nhau, nhất là sự phản đối của các nước có nền tài tài chính yếu kém hơn. Khiến cho sự lo ngại của dư luận về một “cuộc chiến” giá dầu siêu rẻ là một thực tế.
Đến sự tác động của thị trường…
Dư luận hiện đang quan tâm đến thị trường "vàng đen" sẽ chịu tác động như thế nào trong bối cảnh OPEC vừa mới có quyết định gây tranh cãi. Cũng theo giới chuyên gia thì sự tác động được thể hiện trên 4 điểm:
(1) Với nguồn cung, theo giới quan sát và dự báo sẽ không có biến động lớn ngay cả khi Iran tham gia thị trường, vì thế OPEC tuyên bố họ vẫn chấp nhận được theo mức giá hiện nay.
(2) Với nhu cầu, theo dự báo của IMF, nền kinh tế thế giới năm 2016 tuy có gam mầu sáng, nhưng vẫn trong tình trạng phục hồi chậm chạp và chứa đựng cả nguy cơ tái khủng hoảng. Chỉ có nền kinh tế Mỹ, một số nước ở Đông Nam Á và Canada là tương đối lạc quan, nhưng khả năng tăng cầu chỉ ở mức khiêm tốn nên tổng cầu vẫn không thay đổi nhiều so với năm 2015.
(3) Trong ngắn hạn, yếu tố “tâm lý thị trường” hiện đang chi phối khá mạnh, cùng với việc các nước đều đang ở giai đoạn “giao thời” giữa năm cũ và năm mới, họ đều phải xem xét, cân đối lại quy hoạch, kế hoạch phát triển nền kinh tế, nên nhiều yếu tố chưa rõ ràng như cách gọi của OPEC cũng làm cho giá dầu luôn dao động ở mức thấp.
(4) Tuy nhiên, theo giới phân tích, nếu xét về nhu cầu tiềm năng thì tổng cầu có thể tăng lên do nền kinh tế thế giới hiện ở giai đoạn cuối của sự trì trệ và đang chuyển dần sang giai đoạn “phục hồi” vững chắc, khiến nhiều nước có thể có kế hoạch nắm bắt thời cơ phát triển nên sẽ tăng lượng dự trữ dầu làm cho tổng cầu tăng lên.
Để đối phó với nguy cơ giá dầu siêu thấp có thể xẩy ra, OPEC đã kêu gọi các nước ngoài khối cùng tham gia cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia thì sự hưởng ứng của các nước là rất ít vì:
Một là, theo sự tự điều tiết của thị trường trên cơ sở cung cầu, thì các nhà đầu tư, kinh doanh dầu mỏ ở khu vực ngoài OPEC sẽ giảm khoảng 0,6 triệu thùng/ngày và trong tương lai còn có thể giảm hơn nữa, nếu giá dầu tiếp tục giảm dưới ngưỡng có thể chịu đựng.
Hai là, về khả năng can thiệp của nhà nước vào thị trường thông qua tài trợ cho các nhà đầu tư dầu mỏ trong bối cảnh hiện nay là rất thấp, vì các nước như Nga, Mexico… hiện đang gặp khó khăn về tài chính mà nguyên nhân trực tiếp lại từ giá dầu, ngoại trừ Mỹ là nước xuất khẩu dầu từ đá phiến nay họ chuyển sang khai thác dầu giá thấp để cung ứng cho thị trường nội địa.
Và “cuộc chiến” giá siêu rẻ khó xảy ra…
Vì dầu là hàng hóa đặc thù không giống như các hàng hóa khác, nên nó không thể là công cụ để cạnh tranh theo kiểu “chiến tranh" tiền tệ, thương mại, ô tô, hay thịt bò, đậu tương… như đã từng xảy ra.
Chủ thể tham gia cạnh tranh chỉ gồm OPEC, Mỹ, Nga và một số nước khác. Trong đó, Nga và OPEC nguồn thu từ dầu trong ngân sách đều chiếm tỷ trọng cao nên khó có thể hạ giá hơn nữa để giành thắng lợi trong “cuộc chiến”.
Đối tượng cạnh tranh chủ yếu là dầu đá phiến từ Mỹ thì về cơ bản đã không còn nhiều ý nghĩa, do đa số các nhà đầu tư Mỹ đã tạm dừng hoặc thoái vốn vì không chịu được mức giá sát nút 40 USD/thùng.
Mặt khác, dầu vốn được coi là “bản vị của đồng USD”, nên ngược lại nó cũng được bảo đảm bằng USD khi giá của đồng tiền này đang có xu hướng tăng lên trong năm 2016.
Vì thế, giới phân tích cho rằng, sẽ không có cuộc chiến giá dầu siêu rẻ với ý nghĩa đầy đủ như ta thường hiểu đối với các mặt hàng khác, do có nhiều yếu tố tác động thuận-nghịch đan xen, nên giá dầu trong 6 tháng tới theo dự báo vẫn chỉ dao động trong phạm vi 40 đến 50 USD/thùng, khó có thể thấp hơn nữa.
Việt Nam là quốc gia vừa xuất khẩu dầu thô lại vừa nhập khẩu dầu đã qua chế biến, nhưng do nhập siêu nên Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ giá thấp. Vì thế, đây cũng là cơ hội mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế của nước ta không thể không quan tâm./. Nguyễn Nhâm