Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có rời bỏ đồng minh để thân Nga?

Thứ sáu, 14/10/2016 10:15
(ĐCSVN) - Trong hai ngày 10 và 11/10, Tổng thống Nga Putin có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên nhất trí nỗ lực hơn nữa để khôi phục quan hệ song phương trong tất cả các lĩnh vực.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo chung tại Istanbul. Ảnh: Reuters

Phát biểu với người đồng cấp Nga, ông Erdogan tin tưởng tiến trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước tiếp tục diễn ra ở mức độ cao và đầy đủ. Hai Tổng thống cũng chứng kiến lễ ký thỏa thuận liên chính phủ về triển khai dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”và ghi nhận việc Ankara sẽ xem xét đề xuất của Nga về việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD). Đây là bước đi có tính đột phá trong quan hệ hai nước, khiến giới nghiên cứu và dư luận đặc biệt quan tâm.

Từ kinh tế đến quốc phòng

Phát biểu trong cuộc họp báo chung, hai nhà lãnh đạo Nga–Thổ Nhĩ Kỳ đều khẳng định sẽ tăng cường cải thiện quan hệ song phương. Ông Putin nói: “Chúng tôi đã nhất trí bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương”, còn ông Erdogan bày tỏ: “tiến trình bình thường hóa quan hệ Ankara-Moscow sẽ tiếp tục với tiến độ nhanh nhất”.

Ngày 10/10, Bộ trưởng Năng lượng hai nước đã ký thỏa thuận về dự án đường ống dẫn khí đốt dưới lòng biển có tên gọi “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, dự án này cho phép Moscow tăng cường vị thế tại thị trường châu Âu và giảm các nguồn cung năng lượng thông qua Ucraina; các thỏa thuận về thương mại và du lịch cũng được ký kết.

Ông Erdogan cho biết, các kế hoạch về nhà máy điện hạt nhân do Nga xây dựng tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được đẩy nhanh tiến độ. Được biết, năm 2013, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom đã giành được hợp đồng trị giá 20 tỷ USD xây dựng bốn lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Putin cho biết, Moscow đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu một số sản phẩm lương thực từ Thổ Nhĩ Kỳ. Giới quan sát cho rằng, sự ấm lên trong quan hệ giữa Nga-Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra nhanh chóng là cả hai nước đang phải giải quyết những khó khăn của nền kinh tế và quan hệ căng thẳng với phương Tây.

Quan điểm về an ninh khu vực, quân sự và quốc phòng hai bên cũng có những bước đi khá mạnh dạn. Theo đó, hai nước cam kết tìm kiếm quan điểm chung về cuộc chiến tại Syria và tăng cường tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương, gần một năm kể từ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga.

Về vấn đề Syria, hai nhà lãnh đạo cho biết đã nhất trí về tầm quan trọng của hoạt động phân phát hàng cứu trợ tới thành phố Aleppo. Hiện tại, khu vực phía Đông của thành phố này đang nằm trong tầm kiểm soát của phe nổi dậy.

Ông Putin nói: “Chúng tôi có chung quan điểm rằng phải làm mọi thứ để phân phát hàng viện trợ tới Aleppo. Vấn đề duy nhất là bảo đảm an toàn cho hoạt động viện trợ” và ông cũng nhất trí với ông Erdogan về việc tăng cường các cuộc tiếp xúc quân sự giữa hai nước.

Được biết, vào tháng 11/2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức hủy bỏ hồ sơ dự thầu đối với việc sản xuất các linh kiện cho hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 3,4 tỷ USD trong gói thầu phát triển dự án hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia được nước này công bố vào năm 2009, do sức ép từ phương Tây.

Tuy nhiên, sau sự kiện đảo chính bất thành Thổ Nhĩ Kỳ đã cho rằng có bàn tay của tình báo Mỹ thông qua giáo sỹ Gulen, thì việc Ankara nghiêng về hệ thống phòng không Antey 2500 của Nga là không loại trừ. Từ góc nhìn kỹ thuật thì hệ thống phòng không Nga hiện đang vượt trội so với các sản phẩm của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Ngoài ra, còn được ưu đãi về chuyển giao công nghệ.

Những mâu thuẫn nảy sinh

Tạp chí quốc phòng Anh Jane’s Defence Weekly cho biết, gói thầu “Dự án tên lửa phòng không/phòng thủ tên lửa T-Loramids” của Thổ Nhĩ Kỳ có tổng giá trị khoảng 3,5 tỷ USD, nhằm trang bị các hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa cho 4 lữ đoàn với 12 tổ hợp phóng.

Đây là một lực lượng hùng hậu đối với 1 quốc gia NATO (nếu sử dụng tên lửa Mỹ hoặc châu Âu) nhưng nó sẽ rất khó khăn nếu dự án này được trang bị hệ thống phòng không Nga. Vì hệ thống S-300VM của Nga không tương thích với các tham số kỹ thuật của hệ thống phòng không của phương Tây và nhất là không thể sử dụng chung dữ liệu của nhiều phương tiện cảnh báo sớm của Mỹ-NATO.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua S-300VM, NATO sẽ phải cung cấp các tham số bảo mật cho Nga để cho phép S-300VM tích hợp vào hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa Thổ Nhĩ Kỳ, khiến khối này không thể bảo mật các thông tin của mình, đe dọa trực tiếp đến khả năng của lá chắn tên lửa Mỹ-NATO ở châu Âu, đây là điều bất cập.

Do đó, NATO không bao giờ cho phép hệ thống phòng không Nga tích hợp vào hệ thống phòng không theo tiêu chuẩn của khối này. Một quan chức quân sự Thổ Nhĩ Kỳ trước đây đã từng cho biết, kế hoạch xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa độc lập (kể cả giám sát không gian) mà Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi là vô cùng lớn. Tham vọng của Ankara hoàn toàn có thể được Moscow đáp ứng khi quan hệ hai bên đang ở mức “không còn gì tốt đẹp hơn”.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ nhất định mua S-300VM thì chắc chắn họ sẽ phải loại bỏ các yếu tố cấu thành hệ thống của NATO, xây dựng hệ thống phòng không/phòng thủ không gian chung với Nga. Đó sẽ là sự đe dọa lớn nhất về mặt quân sự đối với Mỹ và phương Tây, khiến thương vụ mua S-300VM của Nga có thể nảy sinh nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ rời bỏ đồng minh truyền thống để thân thiện hơn với Nga.

Và sự lựa chọn khó khăn của Ankara

Kể từ khi ông Erdogan viết thư xin lỗi người đồng cấp Putin về vụ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga hồi cuối tháng 6 vừa qua, mâu thuẫn Nga-Thổ đã từng bước được hàn gắn, đặc biệt là sau vụ đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/7, quan hệ giữa hai nước đã được khôi phục toàn diện và có những bước tiến mang tính đột phá.

Sau vụ đảo chính hụt, quan hệ giữa Ankara với Washington đã xấu đi trông thấy, theo đó, quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria cũng đã có sự thay đổi theo hướng tương đồng với Nga, đồng thời chính quyền Ankara cũng có sự điều chỉnh chính sách đối ngoại hòa hoãn hơn với Syria và Iran.

Sự thay đổi quan điểm của ông Erdogan trong vấn đề Syria, đặc biệt là những xung đột giữa Ankara và Washington trong vấn đề người Kurd có thể phá vỡ những kế hoạch của Nhà Trắng, đẩy tình thế ở Syria và cục diện Trung Đông biến chuyển theo hướng có lợi cho Nga. Đây là đòn nặng giáng vào chiến lược chống phá Nga của Mỹ-NATO, khoét sâu mâu thuẫn với các đồng minh trong NATO.

Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO vào ngày 18/2/1952, chỉ sau 3 năm khi khối này được thành lập, mặc dù Ankara đóng góp không nhiều cho NATO nhưng lại là thành viên kỳ cựu, liệu NATO có dễ dàng để Ankara rời bỏ khối này để thân Nga hay không, đang là câu hỏi lớn.

Sau vụ Su-24, NATO tuyên bố sẽ không tham gia vào cuộc xung đột tiềm năng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, Ankara cho rằng mình “bị bỏ rơi”. Và hơn bao giờ hết Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận thức được rằng, Mỹ điều khiển NATO và sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ như một quân bài để chống phá Nga. NATO tuyên bố mạnh, nhưng hậu quả thì chỉ có Ankara phải gánh chịu. Khiến ông Erdogan đã quyết định tái hợp tác toàn diện với Nga.

Ngoài ra còn phải kể đến, việc Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác toàn diện với Nga trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao cũng có thể là dấu chấm hết cho con đường gia nhập EU của nước này, mặc dù họ đã nộp đơn từ năm 1987 và bắt đầu đàm phán từ năm 1999. Tuy nhiên, EU luôn cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ còn lâu mới đạt được các tiêu chí về “Tự do, Dân chủ” của châu Âu.

Trong khi đó, Hiệp định FTA giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể được ký kết vào cuối năm nay, tạo tiền đề cho sự hợp tác chặt chẽ và một thỏa thuận có tính chất tương tự giữa Ankara với các nước trong Cộng đồng kinh tế Á-Âu (EAEC) do Moscow lãnh đạo và Ankara có thể trở thành thành viên vào năm 2023, năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.

Như vậy, sau những thăng trầm của mối quan hệ Nga–Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước hiện đang nối lại các dự án lớn về kinh tế, nhất là xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, tái triển khai công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân và đặc biệt quan hệ quân sự - quốc phòng với việc xây dựng hệ thống NMD–S-300VM khiến sự gắn kết Ankara với Moscow được coi là thân thiện chưa từng có.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, trước những áp lực đa chiều nên câu trả lời liệu Thổ Nhĩ Kỳ có rời khỏi đồng minh để thân Nga hay không vẫn còn đang ở phía trước./.

Nguyễn Nhâm
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực