Trong bối cảnh Italy đang khủng hoảng niềm tin vì nguy cơ nợ công thì “văn hoá từ chức” được xem là “liều thuốc” cần thiết vào thời điểm này.
Tối 8/10, Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi đã phải tuyên bố “sẽ từ chức”, sau khi các biện pháp cải cách kinh tế được Quốc hội nước này thông qua vào tuần tới. Như vậy là sau Thủ tướng Hy Lạp, ông Berlusconi tiếp tục là nhà lãnh đạo thứ 2 của châu Âu phải chịu sức ép từ chức do yếu kém trong điều hành chính sách kinh tế dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
|
Ông Berlusconi liệu có phải sớm rời ghế Thủ tướng? |
Quyết định “sẽ từ chức” của Thủ tướng Italy Berlusconi được đưa ra sau khi chính phủ của ông vượt qua cuộc bỏ phiếu quyết toán về ngân sách 2010, nhưng lại mất thế đa số tại Quốc hội vì chỉ có 308 phiếu thuận trên tổng số 630 thành viên Quốc hội. Với việc mất đi sự ủng hộ đa số, kế hoạch cải cách ngân sách mới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, quyết định ra đi của ông Berlusconi còn xuất phát một phần từ sức ép của Liên minh châu Âu trong việc yêu cầu Italy nhanh chóng thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng và cải cách nền kinh tế nhằm tránh rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ nần như Hy Lạp, Ireland hay Bồ Đào Nha.
Đến thời điểm này, các thị trường tiền tệ đều tin rằng, ông Berlusconi không còn khả năng dẫn dắt Italy qua cơn khủng hoảng khi tình hình của quốc gia này đang “rất đáng lo ngại”. Đất nước hình chiếc ủng phải đối mặt với sức ép lớn chưa từng có từ các ngân hàng, thị trường tiền tệ, khi vào ngày 7/11, lãi suất vay mượn của nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục, tương đương mức mà các quốc gia đang lâm vào khủng hoảng nợ phải cầu viện gói cứu trợ trị giá hàng chục tỷ euro từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Giải pháp tức thời cho Italy là phải tiến hành biện pháp thắt lưng buộc bụng, cải cách nền kinh tế và đặt nỗ lực cải cách này dưới sự kiểm soát của EU. Tuy nhiên, khả năng kế hoạch cải cách mới được người dân và Quốc hội Italy tán thành hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu đất nước, trong khi Thủ tướng Berlusconi bị đánh giá là không thể đảm đương được.
Nếu ông Berlusconi thực hiện lời hứa ra đi, điều đó sẽ không chỉ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của một trong những chính khách gây ồn ào và tranh cãi nhất trên chính trường thế giới, mà còn là bước đi quan trọng, mở ra một tương lai mới cho Italy, với kỳ vọng một lãnh đạo mới xuất hiện cùng chính sách cải cách quyết liệt.
Ngay sau khi có thông tin Thủ tướng Berlusconi sẽ “rời ghế”, thị trường chứng khoán thế giới nhanh chóng lấy lại được niềm tin về khả năng tháo ngòi quả bom nợ công ở châu Âu. Điều này cho thấy, không chỉ châu Âu hay các quốc gia đang ngấp nghé bờ vực khủng hoảng nợ, mà cả thế giới đang lâm vào một cuộc khủng hoảng niềm tin. Trong bối cảnh chưa có giải pháp dứt điểm cho “con bệnh” mang tên nợ công thì dường như sự ra đi của một vài chính khách bị chỉ trích là yếu kém trong quản lý kinh tế được xem như “liều thuốc” cần thiết dành cho tâm lý người dân cũng như các nhà đầu tư toàn cầu.
Thông tin về khả năng ra đi của vị Thủ tướng lâu nhất ở Italy kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đã được rất nhiều tờ báo châu Âu quan tâm, đi kèm với đó là hàng loạt các kịch bản thời “hậu” Berlusconi. Kịch bản đầu tiên, là thành lập một chính phủ đa số mở rộng tại Quốc hội. Trong trường hợp này, nhà lãnh đạo 75 tuổi từ chức nhưng phái hữu vẫn tiếp tục nắm quyền. Khi đó, phái này có thể thiết lập một đa số áp đảo tại Quốc hội bằng cách liên minh với 1 đảng lớn hoặc nhiều đảng khác thuộc phe đối lập.
Một kịch bản khác là việc thành lập một chính phủ khẩn cấp. Kịch bản cuối cùng là người dân Italy phải đi bỏ phiếu sớm. Tuy nhiên một cuộc bầu cử mới sẽ phải kéo dài ít nhất 60 ngày. Điều này không chỉ đồng nghĩa với sự bất ổn ở đất nước hình chiếc ủng mà còn gây ra những hậu quả khôn lường với các thị trường tài chính quốc tế./.