|
Quang cảnh bầu cử tại Bangkok. (Ảnh: Vietnam+) |
Ngày 3/7, hàng triệu cử tri trong tổng số trên 47,3 triệu người hội đủ tiêu chuẩn bắt đầu bỏ phiếu lựa chọn các đại diện của khoảng 40 chính đảng vào Hạ viện nhiệm kỳ mới gồm 500 ghế.
Cuộc bầu cử lần đầu tiên sau hai năm bạo lực này được xem là bước đi có ý nghĩa quan trọng để định hướng tương lai đất nước, với hy vọng sớm đưa Thái Lan ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 5-6 năm qua.
Phép thử đối với chính phủ hiện tại
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, từ 8 giờ sáng khoảng 94.000 khu vực bầu cử trên cả nước đã mở cửa đón cử tri bỏ phiếu cho các đảng và trực tiếp bầu chọn hạ nghị sỹ của khu vực. Trong số 500 ghế hạ nghị sỹ mới, có 375 ghế được bầu trực tiếp tại các khu vực bầu cử và số còn lại được chọn lựa theo hệ thống danh sách đảng (dựa vào tỷ lệ số phiếu mà mỗi đảng nhận được).
Nhằm tạo điều kiện cho cử tri ở Bangkok đi bỏ phiếu thuận lợi, giới chức nước này cho người dân đi tàu điện ngầm miễn phí đến 6 giờ chiều, và những nội dung hay diễn biến về cuộc bầu cử đã được các phương tiện thông tin đại chúng thông báo và tường thuật trực tiếp.
Bầu cử tại Thái Lan là bắt buộc theo điều 4 Hiến pháp năm 2007. Các cử tri có quyền đi bỏ phiếu phải là công dân trên 18 tuổi hoặc là người gốc nước ngoài nhưng đã nhập quốc tịch Thái ít nhất 5 năm, không bị cấm tham gia bầu cử vi phạm phát luật.
Lực lượng cảnh sát Thái Lan đã triển khai 160.000-180.000 nhân viên để đảm bảo an ninh tại các địa điểm bầu cử và quân đội cũng sẵn sàng đóng vai trò hỗ trợ khi cần. Để giảm thiểu những sự cố ngoài ý muốn, lệnh cấm bán và uống rượu, bia từ 6 giờ chiều 2/7 đến 12 giờ đêm 3/7 đã được ban hành, với các điểm vui chơi, giải trí phải đóng cửa sớm trong hai đêm 2-3/7.
Bên cạnh việc cam kết tổ chức một cuộc bầu cử tự do, minh bạch và công bằng theo đúng chuẩn mực quốc tế, Ủy ban bầu cử Thái Lan đã mời đại diện của Liên minh châu Âu và 10 quốc gia đến giám sát tổng tuyển cử. Một chiến dịch truy quét tội phạm cũng đã được phát động trong dịp tổ chức cuộc bầu cử trước thời hạn tại xứ “chùa Vàng".
Dư luận cho rằng sự kiện này sẽ là phép thử kiểm nghiệm khả năng liệu Thủ tướng Abhisit Vejjajjiva và đảng Dân chủ của ông có giữ vững vị trí lãnh đạo đất nước hay không. Nếu không đạt được kết quả như mong muốn thì có thể “ghế nóng” thủ tướng sẽ phải nhường cho người của đảng Vì nước Thái (Puea Thai) đối lập hoặc một chính đảng khác.
Trong thông điệp cuối cùng gần 2 ngày trước giờ bỏ phiếu, nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Abixít kêu gọi dân chúng bỏ phiếu cho đảng này thay cho việc lựa chọn các lực lượng ủng hộ bạo lực đường phố. Trong khi bà Yingluck Shinawatra, ứng cử viên hàng đầu của đảng Vì nước Thái vào ghế thủ tướng, cũng hối thúc cử tri bỏ phiếu cho Puea Thai vì tương lai của người Thái.
Trước đó ngày 26/6, khoảng 1,6 triệu cử tri đã thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong cuộc bỏ phiếu sớm. Người dân Thái Lan hơn bao giờ hết mong muốn tổng tuyển cử sẽ chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, mang lại sự ổn định, phát triển cho đất nước. Cư dân ở các khu vực bất ổn tại miền Nam Thái Lan cũng chờ đợi rất nhiều vào sự kiện này, giúp mang lại sự ổn định cho khu vực, vốn có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế.
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ không chính thức sẽ được công bố vào lúc khoảng 21-22 giờ cùng ngày. Theo luật hiện hành, Ủy ban bầu cử sẽ chính thức xác nhận kết quả bỏ phiếu trong vòng 7 ngày tiếp theo, nếu không có cáo buộc nào về việc gian lận bầu cử được đưa ra. Tuy vậy, một đảng phái nhất định vẫn có quyền phàn nàn về vấn đề bầu cử không công bằng trong vòng 30 ngày, tính từ ngày cử tri đi bỏ phiếu.
Chưa dễ tìm được lời giải cho bất ổn xã hội
Trong bối cảnh bất ổn chính trị và chia rẽ xã hội chưa có dấu hiệu sớm lắng dịu, việc thành lập chính phủ mới sau bầu cử đang là chủ đề được nhiều người quan tâm chú ý, nhất là trong vấn đề thành lập chính phủ mới và chia sẻ quyền lực.
Những cuộc điều tra trước ngày bầu cử và ngay sau thời điểm chuyển các hòm phiếu cho Ủy ban bầu cử cho thấy đảng Puea Thai của bà Yingluck đang có lợi thế trong cuộc chạy đua với đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Abhisit, người nắm quyền ở Thái Lan suốt hai năm rưỡi qua. Tuy không phải là ‘nhân bản’ hay bản sao của ông Thaksin nhưng rõ ràng bà Yingluck được thừa hưởng từ người anh sự ủng hộ của lượng cử tri đông đảo ở khu vực nông thôn.
Trong khi đó, đứng sau đảng Dân chủ vẫn chỉ là tầng lớp trung, thượng lưu có số lượng không nhiều, tập trung ở thủ đô Bangkok và một số đô thị. Với cán cân như vậy, có khả năng bà Yingluck sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên ở Thái Lan nếu thắng cử áp đảo.Cả hai đảng Dân chủ và Puea Thai đều khẳng định đảng nào giành được đa số ghế sẽ có cơ hội thành lập một chính phủ mới trước. Tuy vậy nếu đảng dẫn đầu về số ghế không thể làm được điều đó, đảng có số ghế nhiều thứ hai sẽ có quyền lập chính phủ mới.
Trong trường hợp Puea Thai giành một thắng lợi áp đảo, Thủ tướng Abhisit có thể sẽ phải thừa nhận thất bại ngay sau đó. Còn khi việc kiểm phiếu cho kết quả không chênh lệch nhiều giữa hai đảng lớn nhất của Thái lan có thể sẽ khơi mào cho một cuộc thương lượng chính trị đầy cam go.
Nếu thắng cử lớn, đảng Puea Thai của ông Thaksin và người em gái Yingluck sẽ vấp phải sự chống đối của giới thượng lưu và một bộ phận tướng lĩnh quân đội, nhất là những người từng góp tay lật đổ ông Thaksin năm 2006. Liệu quân đội và Hoàng gia có chấp nhận một chính phủ ủng hộ Thaksin và ngược lại, phe đối lập có chấp nhận việc đảng Dân chủ tiếp tục nắm quyền?
Vai trò của quân đội
Lực lượng quân đội đầy quyền lực của Thái Lan vẫn là ẩn số lớn nhất trong xã hội đang bị chia rẽ sâu sắc. Quân đội Thái Lan luôn giữ vị trí quan trọng, có ảnh hưởng khá mạnh đến đời sống chính trị của Thái Lan từ khi nước này chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến năm 1932. Từ đó tới nay, họ đã tiến hành 18 lần đảo chính và đảo chính bất thành, với cuộc chính biến gần đây nhất là việc lật đổ cựu thủ tướng Thaksin hồi tháng 9/2006. Quân đội lo ngại nếu Puea Thai giành thắng lợi, ông Thaksin sẽ quay trở lại Thái Lan và trả thù vụ đảo chính năm 2006.
Tư lệnh lục quân Thái Lan, tướng Prayut Chan-ocha, một người ủng hộ trung thành đối với chế độ quân chủ, vừa bác bỏ các lời đồn đoán rằng quân đội sẽ một lần nữa nhúng tay vào cuộc bầu cử. Tuy nhiên, ông kêu gọi các cử tri lựa chọn "người tốt" để góp phần làm giảm căng thẳng chính trị ở Thái Lan. Một số chuyên gia cho rằng quân đội sẽ không dễ dàng can thiệp nếu đảng Puea Thai giành được một thắng lợi thuyết phục.
Puea Thai vừa đề xuất một lệnh ân xá dành cho các chính trị gia bị kết án như ông Thaksin, nhưng giới quan sát nghi ngờ việc quân đội sẽ chấp nhận ông trùm truyền thông tự do trở về nước. Bởi vậy, nỗ lực đưa ông Thaksin trở lại có thể châm ngòi cho một cuộc đảo chính tại đất nước vẫn luôn bị chao đảo bởi các cuộc biểu tình bạo lực của phe "áo đỏ" cùng những người ủng hộ ông Thaksin, và phe "áo vàng" trung thành với hoàng gia mấy năm qua. Bất kể đảng nào giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, phe còn lại cũng sẽ không hài lòng và dẫn đến nguy cơ về một tình trạng bất ổn mới - việc có thể khiến quân đội lại một lần nữa phải động binh.
Cuộc bầu cử ở Thái Lan đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của dư luận trong nước mà cả các nước trong và ngoài khu vực. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon đã kêu gọi các đảng phái “kiềm chế, tránh có bất kỳ hành động nào trước, trong và sau bầu cử và tôn trọng ý nguyện của người dân thông qua lá phiếu của mình”.
Ông Ernest Bower, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho rằng đảng nào thắng không quan trọng bằng chuyện kết quả bầu cử ngày 3/7 này có được các đảng công nhận hay không.
Dù kết quả cuộc bầu cử hôm 3/7 có như thế nào, chính trường Thái Lan vẫn tiềm ẩn những diễn biến khó lường, nhiều khả năng sẽ lại rơi vào rối loạn chính trị, thậm chí là bất ổn xã hội. Con đường phía trước của xứ sở Chùa Vàng sẽ vẫn còn nhiều gian nan và dông bão./.