Lính Mỹ ra đi, thách thức ở lại

Thứ năm, 11/08/2011 10:45

Tuần qua, nhóm binh sĩ Mỹ đầu tiên đã rời Afghanistan, trong bối cảnh xung đột đang gia tăng, các nỗ lực của chính phủ Afghanistan nhằm thuyết phục phe Taliban tham gia cuộc đối thoại chính trị để mang lại hòa bình cho nước này vẫn chưa mang lại kết quả. Nhiều câu hỏi về an ninh của Afghanistan, về vai trò của phe Taliban, về chế độ chính trị tại Afghanistan và về chia sẻ quyền lực sau khi binh lính liên quân rút đi, vẫn còn để ngỏ.

Khoảng 650 binh sĩ Mỹ đóng tại tỉnh Parwan, phía Tây Bắc thủ đô Kabul đã rời tỉnh này tuần qua. Trong tháng 7 này, sẽ có thêm khoảng 800 binh sĩ Mỹ thuộc 2 đơn vị lục quân rời Afghanistan. Họ nằm trong số 10.000 lính Mỹ dần rời khỏi vùng chiến sự này trong năm nay. Sau đó, Mỹ sẽ đều đặn rút thêm binh sĩ khỏi quốc gia Tây Nam Á này và người Afghanistan sẽ tiếp quản an ninh vào năm 2014.

Cũng cuối tuần qua, lễ chuyển giao quyền kiểm soát an ninh từ lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) cho các lực lượng Afghanistan cũng đã diễn ra tại trụ sở cảnh sát tỉnh Bamian. Tỉnh này cũng là đơn vị đầu tiên trong số 7 khu vực tiếp nhận quyền đảm bảo an ninh trong tháng 7 này.

 

Binh sĩ Mỹ đang huấn luyện kỹ năng chiến đấu cho lực lượng quân đội Afghanistan 


Theo dư luận, việc rút quân theo lộ trình mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đề ra dường như chỉ nhằm đối phó với những chỉ trích trong nước trước cái giá về người và của mà Mỹ phải trả cho cuộc chiến kéo dài 10 năm qua tại Afghanistan, trong khi nước Mỹ lại đang đứng trước tình trạng nợ công lên mức kịch trần, chứ không căn cứ vào tình hình an ninh thực tế tại Afghanistan và khả năng của quân đội cũng như cảnh sát nước này.

Có thể nói, tình hình an ninh hiện nay tại Afghanistan là đáng báo động. Theo số liệu thống kê mới nhất của Liên Hợp Quốc, trong 6 tháng đầu năm nay, xung đột vũ trang gia tăng ở Afghanistan đã làm 1.462 dân thường thiệt mạng, cao hơn 15% so với cùng kỳ năm 2010. Đặc biệt, đúng vào lúc binh lính Mỹ và NATO đang trong tiến trình rút khỏi nước này, các vụ ám sát của phe Taliban nhằm vào quan chức cấp cao trong chính phủ Afghanistan đã làm rúng động dư luận.

Gần đây nhất, đêm 17/7, Jan Mohammad Khan, cố vấn cấp cao của Tổng thống Aghanistan, cựu tỉnh trưởng tỉnh Uruzgan, cùng vị khách của mình là Nghị sĩ Hashim Watanwal đã bị sát hại khi lực lượng Taliban tấn công vào nhà riêng của ông này ở thủ đô Kabul. Trước đó một tuần, em trai của Tổng thống Hamid Karzai, ông Ahmad Wali Karzai, người đứng đầu Hội đồng tỉnh Kandahar và được coi là người có thế lực nhất tại miền nam Afghanistan, cũng bị sát hại ngay tại nhà riêng. Vụ ám sát nhạy cảm diễn ra ngay tại “pháo đài” gia đình được bảo vệ cẩn thận của ông ở trung tâm Kandahar, khiến dư luận cho rằng, chẳng ai có thể an toàn ở Afghanistan hiện nay cả và nghi ngại về khả năng điều hành các vấn đề an ninh của chính quyền Afghanistan.

Một loạt câu hỏi nữa đang được đặt ra sau khi liên quân rút đi, đó là vai trò của Taliban và việc chia sẻ quyền lực giữa Kabul và các tỉnh như thế nào? Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong diễn văn tháng trước nói về việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, cũng gần như không đề cập gì những vấn đề nêu trên. Trong khi đó, quá trình tìm kiếm giải pháp chính trị thông qua đàm phán với Taliban mà chính quyền Kabul đang tiến hành với sự đồng thuận của Mỹ và phương Tây và dưới sự trợ giúp của LHQ, vẫn chưa đạt kết quả.

Trong một động thái nhằm phát đi tín hiệu mạnh mẽ rằng, HĐBA Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế ủng hộ các nỗ lực của chính phủ Afghanistan nhằm thuyết phục Taliban tham gia cuộc đối thoại chính trị để mang lại hòa bình và an ninh cho nước này. Ngày 15/7, theo đề nghị của chính quyền Afghanistan, HĐBA đã loại 14 cựu thành viên Taliban khỏi danh sách trừng phạt của tổ chức này. Thế nhưng, quan trọng là lập trường và mục đích của hai bên còn xa nhau. Những điều mà Taliban yêu cầu như là chia sẻ quyền lực chính trị ở Kabul, kiểm soát lãnh thổ, các lợi ích kinh tế và bảo đảm việc rút quân của Mỹ, quả thật không phải là điều dễ dàng chấp nhận.

Những người theo chủ nghĩa thế tục cùng nhiều nhà lãnh đạo Afghanistan không muốn Taliban trở lại chính quyền ở Kabul bởi họ không muốn Taliban áp đặt lại hình thức quản lý xã hội nghiêm khắc của đạo Hồi như Taliban đã thực hiện tới mức cực đoan. Hay như yêu cầu của Taliban là về việc lực lượng nước ngoài rút khỏi Afghanistan. Tổng thống Karzai muốn Mỹ tiếp tục duy trì một hoặc nhiều căn cứ tại Afghanistan sau năm 2014 và thực tế Kabul và Washginton bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm thảo luận về một khung chiến lược cho phép lực lượng Mỹ tiếp tục ở lại Afghanistan để giúp đỡ chính phủ nước này. Nhưng Taliban lại lo ngại, Mỹ sẽ sử dụng sự có mặt thường trực để tấn công họ cũng như hỗ trợ Chính phủ Karzai.

Có thể nói, sau khi tiêu diệt trùm khủng bố quốc tế Bin Laden, việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan dường như phục vụ lợi ích của Mỹ nhiều hơn là lợi ích của Afghanistan này, bởi những thách thức về an ninh, về năng lực ổn định đất nước của chính quyền Kabul, về vai trò của Taliban trong quá trình tìm kiếm một giải pháp chính trị, vẫn chưa có lời giải./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực