(ĐCSVN) - Bầu cử ở Mỹ luôn là vấn đề thu hút sự chú ý của giới phân tích chính trị, bởi chính trường Mỹ luôn tác động ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của hầu hết các nước trên thế giới. Việc đưa ra những nhận định lúc này có lẽ còn quá sớm, nhưng qua nghiên cứu mang tính tham khảo thì yếu tố bên ngoài tạo nhiều lợi thế cho ông Ô-ba-ma.
Việc lật đổ các Chính phủ Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi được dư luận Mỹ cho là thắng lợi của Tổng thống Ô-ba-ma. Một chiến lược can dự tích cực, hỗ trợ lực lượng đối lập lật đổ Chính phủ hợp pháp, tổ chức bầu cử tự do là mô hình hiệu quả Tại Li-bi, Mỹ đã để Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lãnh đạo chiến dịch không kích, chia sẻ trách nhiệm ở mức cao nhất dù Mỹ vẫn đóng vai chính. Không tốn kém như các chiến dịch tại Áp-ga-ni-xtan và I-rắc, nhưng vẫn đạt được mục đích lật đổ các Chính phủ không thân thiện với Mỹ và tổ chức bầu cử tự do. Việc tiêu diệt Bin La-đen cũng làm tăng uy tín của cá nhân ông Ô-ba-ma. Mỹ thành công trong vận động quốc tế cấm vận, cô lập I-ran và các đồng minh của I-ran như Xy-ri. Việc loại bỏ dần các Chính phủ thân I-ran là mục tiêu trước mắt của Mỹ và lâu dài là nhằm loại bỏ bớt lợi ích của Trung Quốc, Nga tại Bắc Phi - Trung Đông
Tại châu Á, Chính phủ Ô-ba-ma coi châu Á - Thái Bình Dương là ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại, là trọng tâm chiến lược toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới. Mỹ đã có bước đột phá trong quan hệ với các nước Ấn Độ, Cam-pu-chia, thậm chí cả với Mi-an-ma. Tổng thống Ô-ba-ma đã có những cách đi riêng trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc, nhất là chủ trương thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ, chủ động tăng cường hợp tác quân sự với Ấn Độ, sẵn sàng bán vũ khí hiện đại, tập trận chung, đề cao vai trò của Ấn Độ tại Ấn Độ Dương và khuyến khích tăng cường vai trò tại Thái Bình Dương. Mặc dù chưa thật hiệu quả nhưng Ấn Độ và Mỹ đã hiểu rõ lập trường của nhau. Mỹ cũng khuyến khích các đồng minh như Nhật Bản, Anh và ô-xtrây-li-a thắt chặt quan hệ với Ấn Độ. Nỗ lực của Chính phủ Ô-ba-ma tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ lợi ích của Mỹ được dư luận, chính giới Mỹ đánh giá cao. Những động thái mới đây của Tổng thống Ô-ba-ma và Ngoại trưởng Hi-la-ry Clin-tơn tại khu vực Đông Nam Á thể hiện rõ quan điểm của Mỹ với khu vực, ghi điểm trong nhóm cử tri Mỹ vốn luôn cảm thấy vị thế bất an bởi sự đe doạ của Trung Quốc. Các nhà phân tích cũng cho rằng, Chính quyền Mỹ hy vọng sự xích lại với Mi-an-ma, khuyến khích cải cách chính trị, kinh tế, mở rộng dân chủ tại quốc gia này sẽ kéo Mi-an-ma ra xa tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Thành tựu lớn của Chính phủ Ô-ba-ma là cải thiện được uy tín của Mỹ tại khu vực Mỹ La-tinh, Ô-ba-ma thăm Bra-xin, En Xan-va-đo và Chi-lê. Đây không phải là khu vực ưu tiên trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, nhưng sự điều chỉnh chính sách đối ngoại đã mang lại kết quả rõ rệt. Riêng chính phủ thiên tả En Xan-va-đo còn tạo quan hệ với Mỹ ở tầm cao mới, chặt chẽ hơn Chính phủ thân Mỹ trước đây. Mỹ cũng cải thiện quan hệ với Bra-xin, thu hẹp được bất đồng về giá trị dân chủ và thương mại... Khác với thời của ông Bu-sơ, ông Ô-ba-ma tỏ thiện chí hợp tác với Chính phủ Bra-xin cho dù cánh tả hay cánh hữu nắm quyền, thừa nhận vai trò của Bra-xin tại khu vực. Chính trục quan hệ Mỹ - Bra-xin đã tác động tới chính sách đối ngoại của đa số các nước khu vực Mỹ La-tinh. Ngoài ra, Mỹ cũng đã ký kết Hiệp định Tự do Thương mại với Cô-lôm-bi-a.
Khó có thể so sánh với chính sách đối ngoại thời cựu Tổng thống Bu-sơ, nhưng Chính phủ Mỹ đã lắng nghe và tôn trọng các nhu cầu của Liên minh châu Âu (EU), thống nhất được lập trường NATO là công cụ duy nhất trong hợp tác chống khủng bố quốc tế. Mỹ cũng hỗ trợ EU, nhất là Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khắc phục khủng hoảng kinh tế; khẳng định quan hệ đồng minh với EU không bị ảnh hưởng bởi sự ưu tiên chích sách đối ngoại sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Lá chắn tên lửa triển khai tại châu Âu đã có bước tiến mới khi Tây Ban Nha cho phép Mỹ triển khai một phần của hệ thống này. Kiến tạo sự căng thẳng với Nga cũng là con bài trong chiến lược tranh cử của ông Ô-ba-ma tránh để phe đối lập chỉ trích là không rõ ràng chiến lược với Nga và đánh động các nước EU không quá thân thiện với Nga.
Chính sách đối ngoại đang mang lại nhiều lợi thế cho Tổng thống Ô-ba-ma, nhưng chính sách đối nội lại có nhiều hưởng gây cản trở đối với ông Ô-ba- ma. Nếu kinh tế Mỹ không có sự khởi sắc trong thời gian tới sẽ tác động nhiều tới quyết định của cử tri. Tỷ lệ nhất nghiệp cao, nợ công liên tục vượt trần sẽ là những thách thức đối với Tổng thống Ô-ba-ma.
Đảng Cộng hoà chưa có ứng cử viên chính thức, nhưng việc cản trở các đạo luật, các chính sách liên quan tới giáo dục, y tế cũng làm một bộ phận dân Mỹ thất vọng. Họ cho rằng, đảng Cộng hoà không hợp tác với Chính phủ, ngăn cản những đạo luật của Chính phủ. Thời điểm hiện nay, ông Ô-ba-ma đang chiếm đáng kể ưu thế so với ác ứng cử viên đảng Cộng hoà. Tuy nhiên, khi đảng Cộng hoà giới thiệu ứng cử viên chính thức, sẽ là lúc cử tri Mỹ thể hiện lập trường rõ ràng hơn./.