Lợi thế mong manh

Thứ bảy, 06/10/2012 21:03

(ĐCSVN)Sau vòng tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên chức Tổng thống Mỹ, phần lớn dư luận Mỹ cho rằng, ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney đã có màn trình diễn khá tốt và giành ưu điểm so với đương kim Tổng thống Barak Obama. Tuy nhiên, lợi thế này cũng được cho là khá "mong manh" trước cuộc quyết đấu sắp tới.

 

 Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mitt Romney (trái) và đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama
tham gia cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên vào ngày 3/10 (Ảnh:
www.nola.com)

Kết quả thăm dò chung ngay trong đêm 3/10 của CNN/ORC, cho biết có tới 67% số cử tri trên khắp cả nước được phỏng vấn ngẫu nhiên nói rằng ông Romney là người chủ động hơn, nổi bật hơn trong cuộc tranh luận, khi vị chính khách này liên tục công kích đối thủ trong suốt 90 phút, do vậy đã dồn đẩy ông Obama vào thế bị động và phải quay sang giải trình chính sách của Nhà Trắng trong các vấn đề. Người phụ trách bộ phận trưng cầu dân ý của CNN, ông Keating Holland cũng ghi nhận thành tựu ấn tượng của ông Romney khi tuyên bố, tỷ lệ 67% người ủng hộ mà ứng cử viên này đã đạt được sau cuộc tranh luận ngày 3/10 đã vượt ngưỡng kỷ lục 60% mà hãng tin này ghi nhận được kể từ năm 1984.

CNN cho biết, có tới 32% số người được hỏi khẳng định ông Romney đã hoàn thành xuất sắc cuộc tranh luận trực tiếp ngày 3/10 hơn đương kim Tổng thống Obama. Với sự thể hiện thành công này trong cuộc tranh luận đầu tiên, ông Romney được dự báo sẽ nhận được nhiều tiền hơn trong các cuộc vận động sắp tới, thậm chí cả sự ủng hộ của không ít những cử tri cho tới nay vẫn còn chưa biết chọn ai làm người đại diện cho nước Mỹ.

Trong khi đó, mặc dù đã không bỏ lỡ một số cơ hội công kích đối thủ, nhưng do bị cho là "quá thận trọng", ông Obama dường như đã bị "mất quyền chủ động" và chỉ nhận được 25% số ý kiến ủng hộ trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên, trong khi lại có tới 61% số người được hỏi khẳng định cuộc tranh luận của ông Obama đã diễn ra “tồi tệ hơn so với mong đợi”. Bên cạnh đó, các số liệu thống kê cũng cho thấy, cơ hội tái đắc cử nhiệm kỳ hai của vị Tổng thống đương nhiệm cũng đã bị giảm từ 74% xuống 66%.

Các kết quả thăm dò khác cũng đưa ra một đánh giá chung với thắng lợi nghiêng về ông Romney, song cũng có khá nhiều người cho biết kết quả các cuộc tranh luận sẽ không tác động nhiều tới sự lựa chọn của họ. Theo thăm dò của Google, có 47,8% đánh giá tích cực sự thể hiện của ông Romney trong cuộc tranh luận so với 25,4% dành cho ông Obama và hơn 25% còn lại nói rằng hai ứng cử viên đã hòa nhau trong trận đấu khẩu đầu tiên.

Trong khi đó, kênh truyền hình cáp MSNBC của Mỹ lại đưa ra nhận định rằng, ông Obama thường xuyên có những biểu hiện tỏ ra mất tự tin và “nhìn xuống” trong suốt quá trình tranh luận. Bên cạnh đó, đương kim Tổng thống Mỹ cũng tỏ rõ khả năng “trình diễn sân khấu yếu kém” hơn đối thủ Romney.

Kênh truyền hình ABC của Mỹ tuy vẫn ghi nhận những thành tựu của ông Romney sau buổi tranh luận đầu tiên song vẫn cho rằng, ứng cử viên của đảng Cộng hòa đã thất bại trong việc “đưa ra cú đánh quyết định để đánh bật ông Obama”.

Tờ Washington Post cho rằng, ông Romney đã tỏ thái độ “áp đảo” trong suốt buổi tranh luận khi liên tục đưa ra những lập luận cho rằng các chính sách kinh tế hiện hành của ông Obama đã chèn ép “tầng lớp trung lưu” tại Mỹ. Cũng theo nhận định của tờ Washington Post thì trước thái độ có phần áp đảo của ông Romney, Tổng thống Obama không còn cách nào khác ngoài phòng thủ.

Tuy nhiên, trái với những nhận định có phần nghiêng về ông Romney, giới phân tích Mỹ lại tỏ ra khá thận trọng về khả năng ứng cử viên của đảng Cộng hòa này có thể bứt phá hẳn lên và đủ sức ngăn chặn ông Obama tái cử nhiệm kỳ hai hay không.

Một số nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi đã giành ưu thế sau cuộc tranh luận đầu tiên với Tổng thống Mỹ Obama, ông Romney cần tiếp tục mang theo năng lượng mà ông đã phát huy trong tối ngày 3/10 vào các hiệp tranh luận tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh ứng cử viên này đang theo sát ông Obama về tỷ lệ người ủng hộ.

Ông Ford O’Connell – một nhà chiến lược của đảng Cộng hòa nhận định, “năng lực trình diễn mạnh mẽ ngoài sự mong đợi của ông Romney trong buổi tranh luận ngày 3/10 đã mang lại một luồng sinh khí mới cho chiến dịch tranh cử của ứng cử viên này và những gì ông Romney cần làm là tiếp tục xây dựng thêm cho chiến thắng mà mình đã đạt được”.

“Đây là một sự khởi đầu tuyệt vời, song ông Romney vẫn còn cả một hành trình dài phía trước…Ứng cử viên này cần vững bước, tiếp tục thể hiện bản thân là một người có nguyên tắc, sẵn lòng hàn gắn những vấn đề của người Mỹ”, ông O’Connell nói.

Tuy đưa ra nhiều phản ứng khác nhau sau vòng tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa ông Obama và ông Romney, song đa phần, các nhà chuyên gia Mỹ đều thống nhất một ý kiến chung rằng, cho dù đạt được “chiến thắng ở vòng đầu”, song các vòng tranh luận tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 16 và 22/10 tới đây mới chính là cơ hội cuối cùng để ông Romney có thể đảo ngược tình thế trong bối cảnh ứng cử viên đảng Cộng hòa này đang kém ông Obama 3% điểm trên quy mô khảo sát toàn quốc.

Giáo sư khoa học chính trị Samuel Popkin đến từ Đại học California ở thành phố San Diego cho rằng, sẽ có rất ít cử tri ngả từ bên này sang bên kia chỉ do kết quả cuộc tranh luận này. Nổi lên trở thành người chiến thắng sau cuộc tranh luận trực tiếp, nhưng với 35 bang, 6% số cử tri đã bỏ phiếu sớm và trong hoàn cảnh chỉ còn xấp xỉ một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu, giới phân tích nhận định ông Romney dường như không còn đủ thời gian để tranh thủ lợi thế vừa giành được để có thể "lội ngược dòng" trong cuộc đua tranh chức ông chủ Nhà Trắng.

Ông Dan Mahaffe – một nhà phân tích thuộc Trung tâm nghiên cứu về nhiệm kỳ Tổng thống và Quốc hội Mỹ khẳng định, ông Romney cần tiếp tục tái khẳng định những luận điểm mà ông đã đề cập thành công trong buổi tranh luận ngày 3/10, đặc biệt tại các bang chủ chốt như Colorado, Ohio, Virginia và Wisconsin – những nơi mà ông Obama đang chiếm ưu thế về tỷ lệ ủng hộ.

Mặc dù ông Romney được đánh giá là chiếm ưu thế hơn trong cuộc tranh luận đầu tiên, song đây lại không phải là vòng đấu loại trực tiếp để có thể mang lại kết quả cuối cùng cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, thực tế lại cho thấy, dù các cuộc tranh luận nằm trong số những sự kiện đáng nhớ của mỗi chiến dịch tranh cử thì bản thân chúng lại có rất ít khả năng để có thể làm thay đổi kết quả bầu cử. Lịch sử đã chứng minh rằng, những vị Tổng thống đương nhiệm thường có xu hướng tái đắc cử và lịch sử nước Mỹ chỉ có 2 lần ghi nhận sự thắng thế trong các cuộc tranh luận có thể mang lại sự thay đổi toàn diện cho kết quả của một cuộc bầu cử. Trường hợp đầu tiên là cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình vào năm 1960 giữa người bấy giờ là Thượng Nghị Sỹ John F.Kennedy và phó Tổng thống Richard Nixon. Trường hợp thứ hai là cuộc tranh luận trực tiếp vào năm 2000 giữa phó Tổng thống Mỹ Al Gore và ứng cử viên của đảng Cộng hòa George W.Bush. Thực tế cho thấy, cả ông Kenndy và ông Bush lúc bấy giờ đã tận dụng được ưu thế trong các vòng tranh luận để giành chiến thắng trong hai cuộc bầu cử diễn ra vào năm 1960 và 2000.

Riêng đối với ông Obama, các nhà phân tích và các nhà phê bình uyên thâm của Mỹ cho rằng, đương kim Tổng thống Mỹ đã có màn trình diễn khá nghèo nàn. Nhà phân tích Candy Crowley của hãng tin CNN chỉ chấm cho ông Obama điểm C trong cuộc tranh luận ngày 3/10. Ngay trong ngày 3/10, hãng tin CNN cũng đã đăng tải những lời phân tích của ông Todd Graham – một chuyên gia tại trường Đại học Nam Illinois, thành phố Carbondale, thuộc tiểu bang Illinois (Mỹ), trong đó chỉ rõ những điểm yếu của ông Obama trong vòng tranh luận đầu tiên bao gồm các yếu tố như: Thái độ tham gia tranh luận thờ ơ, phương pháp tiếp cận chậm chạp và không lưu loát, đưa ra những câu trả lời dài lê thê. Trong khi đó, một số nhà phân tích khác cũng cho rằng, ông Obama tỏ rõ vẻ nôn nóng trong vòng tranh luận đầu tiên và có vẻ như Tổng thống Mỹ không muốn tham gia vào sự kiện này. Qua đó, giới phân tích Mỹ khuyến cáo ông Obama cần tránh không vấp phải các lỗi tương tự trong hai vòng tranh luận còn lại và thể hiện một khả năng “trình diễn” tốt như đối thủ Romney. Kết hợp cùng với những ưu thế dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ tại nhiều bang quan trọng mà ông Obama đang nắm giữ, việc có một thái độ “cảnh tỉnh” sau hiệp tranh luận đầu tiên để tham gia vào các vòng sau một cách thuyết phục hơn sẽ càng khiến ông Obama ghi điểm và có thể tiến những bước đi vững chắc hơn trong chặng đường quay trở lại làm ông chủ quyền lực của Nhà trắng./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực