Lối thoát ra khỏi khủng hoảng – Thúc đẩy tăng trưởng hợp lý

Thứ ba, 30/08/2011 17:10

(ĐCSVN) - Mới đây, giáo sư từng đoạt giải Nô-ben kinh tế 2001 Giô-xép Xti-glít cho rằng, lối thoát duy nhất cho kinh tế toàn cầu trong bối cảnh hiện nay là thúc đẩy tăng trưởng một cách hợp lý.

Trong khi đại bộ phận dư luận cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, tình hình kinh tế toàn cầu rất có thể sẽ xấu thêm mà không một chính phủ nào có đủ công cụ hiệu quả để xử lý. Giáo sư Giô-xép cho rằng, việc đánh giá năng lực xử lý khủng hoảng của các chính phủ như vậy là không hoàn toàn chính xác. Rõ ràng, sự thiếu vắng các công cụ chính trị cùng với chính sách tiền tệ yếu kém chưa được xem xét và đánh giá một cách thấu đáo. Thông báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về duy trì lãi suất cơ bản ở mức gần bằng 0% trong suốt hai năm qua cho thấy, sự bế tắc của chính nước Mỹ trước những khó khăn của nền kinh tế. Trong khi các doanh nghiệp lớn có khả năng tiếp cận các nguồn vốn lớn, thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường tạo thêm nhiều công ăn việc làm, lại khó có thể vay tiền từ các ngân hàng. FED và Bộ Tài chính Mỹ đã thất bại trong thúc đẩy các khoản vay này mà lẽ ra phải hiệu quả hơn trong khởi động lại tăng trưởng kinh tế.

Giáo sư Giô-xép nhận định, lối thoát cho kinh tế toàn cầu trong bối cảnh hiện nay là đầu tư cho các hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều này vừa giúp khởi động lại tăng trưởng kinh tế, vừa làm tăng nguồn thu từ thuế; đồng thời, về trung hạn có thể làm giảm gánh nặng nợ công và nâng cao khả năng thanh toán nợ. Trong bối cảnh căng thẳng về ngân sách hiện nay, các giải pháp nhằm cân đối thu - chi như: giảm các khoản khấu trừ vào lương của người lao động, tăng thuế thu đối với người giàu, giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất... sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, các nước lại chưa đề ra được các giải pháp chính sách như vậy. Chính sách tiền tệ không được vận hành đúng cách, chính sách liên quan đến ngân sách chịu nhiều rào cản đang khiến tăng trưởng chậm lại. Thêm vào đó, việc hạ thâm hụt ngân sách bằng “thắt lưng buộc bụng” sẽ phản tác dụng.

Theo Giáo sư, việc xếp hạng của của các cơ quan xếp hạng tín dụng cũng không được tin cậy. Các nhà lãnh đạo châu Âu có lý khi ngày càng ít tin tưởng vào xếp hạng của các cơ quan này. Châu Âu và Mỹ đang đương đầu với những khó khăn chính trị đặc biệt. Khó có thể nói sự tê liệt của chính nước Mỹ hay cơ cấu chính trị đang lung lay của châu Âu đã là điều tồi tệ nhất hay chưa. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã đưa ra những biện pháp quyết liệt, song tình hình đang diễn biến nhanh hơn so với những gì họ trù tính. Tại châu Âu, tỷ lệ nợ trên GDP thấp hơn so với ở Mỹ. Do đó, nếu cũng có một khung ngân sách chung tương ứng, châu Âu sẽ có vị thế tốt hơn so với Mỹ. Một vấn đề khác của châu Âu là hiện có quá nhiều người cho rằng, chính sách “thắt lưng buộc bụng” là một phương án tốt. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại rằng, ngay trước cuộc khủng hoảng, cả Tây Ban Nha và Ai-len đều đạt mức thặng dư thương mại và tỷ lệ nợ trên GDP thấp. Việc tăng cường chính sách kinh tế hà khắc chỉ có thể làm chậm lại đà tăng trưởng của châu Âu và làm tăng các vấn đề về ngân sách./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực