(ĐCSVN) – Ngày 3/10, gần 135,8 triệu cử tri Brazil đã đi bỏ phiếu để bầu chọn vị Tổng thống thứ 36 của đất nước, 517 thành viên Nghị viện Liên bang, 27 Thống đốc bang trên toàn quốc. Bà Dilma Rusef, ứng cử viên của Liên minh cầm quyền có nhiều cơ hội trở thành Tổng thống thứ 36 của đất nước gần 190 triệu dân này.
|
Bà Dilma Rusef - Ứng cử viên sáng giá cho chức Tổng thống Brazil (Ảnh tư liệu)
|
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh kinh tế Brazil đã nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu và đang phục hồi, tăng trưởng khá ấn tượng, có nhiều khả năng năm 2010 mức tăng trưởng kinh tế đạt mức từ 7,5 đến 9%, trong khi chỉ số lạm phát thấp, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 6,7%, mức thấp nhất trong tám năm qua.
Trong số các ứng cử viên tham gia cuộc chạy đua tranh ghế Tổng thống lần này nổi lên ba nhân vật chính: Bà Dilma Rusef, 62 tuổi, ứng cử viên của Ðảng Lao động – Đảng lớn nhất trong Liên minh cầm quyền; ông José Serra, 68 tuổi, ứng viên của Ðảng Dân chủ xã hội Brazil (PSDB) đối lập và bà Marina Silva, ứng cử viên của Ðảng Xanh.
Bà Dilma Rusef được coi là “Bà Đầm Thép” của Brazil, đang đứng trước cơ hội lớn trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Brazil khi tỷ lệ ủng hộ của cử tri lên tới 50%, gần gấp đôi so với đối thủ mạnh nhất là José Serra , chỉ được 28%, và bỏ xa người đứng thứ 3 là Marina Silva , được 13%.
Đảng Lao động– chính đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền – và các đồng minh của đảng này đang đứng trước cơ hội lần đầu tiên giành được số ghế quá bán tại cả Thượng viện và Hạ viện cũng như giành đa số trong số 27 vị trí thống đốc. Dường như kết quả đã được báo trước khi các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy, đa số người dân Brazil muốn tiếp tục con đường mà Tổng thống Lula da Silva đã khởi xướng và lãnh đạo trong gần một thập kỷ qua.
|
Bà Dilma Rusef nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Tổng thống đương nhiệm Lula Da Silva (Ảnh tư liệu) |
Trong gần một thập kỷ qua, Chính phủ của Liên minh cầm quyền hiện tại do Tổng thống Lula da Silva lãnh đạo đã đưa Brazil vươn lên trở thành cường quốc kinh tế mới nổi trên thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xếp nền kinh tế Brazil đứng hàng thứ tám trên thế giới trong năm nay, đã và đang đảm nhiệm các vai trò quan trọng trong các tổ chức và trên diễn đàn quốc tế. Cùng với những thành tựu kinh tế, Chính phủ của Liên minh cầm quyền trong đó Ðảng Lao động chiếm đa số giải quyết khá thành công các vấn đề xã hội bức xúc, nhất là cuộc đấu tranh chống nghèo đói, san bớt hố sâu ngăn cách giàu nghèo ở quốc gia Nam Mỹ này. Đó chính là nhân tố quan trọng, thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân Brazil đối với Liên minh cầm quyền. Trong 8 năm qua, 22 triệu người Brazil đã thoát khỏi cảnh nghèo đói, 31 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu, và những chính sách trợ giúp của chính phủ trong các lĩnh vực lương thực, y tế, xây dựng, phát triển nông nghiệp hộ gia đình đã làm lợi cho hàng triệu người tại quốc gia đông dân này.
Nền kinh tế Brazil liên tục đạt mức tăng trưởng 5%/năm trong 8 năm qua (trừ năm 2009), và là một trong những nước ít bị tác động và phục hồi nhanh nhất sau những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dự kiến, mức tăng trưởng kinh tế của Brazil trong năm nay đạt 7,5%. Ngoài ra, quốc gia Nam Mỹ này còn đứng vào hàng ngũ 10 nước có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới sau những phát hiện gây chấn động của công ty Nhà nước Petrobrás tại vùng biển sâu phía Nam Đại Tây Dương. Brazil còn được nhiều nhà kinh tế mệnh danh là “nông trại của thế giới” với tổng sản lượng lương thực lên tới 150 triệu tấn, tăng 87% so với một thập kỷ trước.
Với một chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, luôn ưu tiên đối thoại và tránh đối đầu, cùng với những thành tựu kinh tế - xã hội kể trên, Brazil hiện đã trở thành “thành viên không thể thiếu” trong các cuộc đàm phán về những vấn đề toàn cầu. Trong vấn đề biến đổi khí hậu, Brazil đã tự cam kết cắt giảm 36%-39% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 so với mức của năm 1990, cao hơn mức cam kết của nhiều quốc gia khác.
Ngoài những thành tích ấn tượng trên, sức lôi cuốn của Tổng thống Lula da Silva còn nằm ở chính tấm gương của ông về sự nỗ lực vươn lên không mệt mỏi khiến nhiều người khâm phục. Là một trong 7 người con của một gia đình nông dân nghèo tại vùng Đông Bắc Brazil, ông đã phải di cư tới một khu ổ chuột tại thành phố Sao Paulo để kiếm sống, trở thành thợ mỏ và vượt qua mất mát to lớn về người thân (anh trai, vợ và con) để tham gia hoạt động công đoàn, sau đó trở thành nhà lãnh đạo uy tín nhất của lực lượng này với ý chí sắt đá và khả năng đàm phán, hòa giải.
Được so sánh và nổi tiếng như Barak Obama, Tổng thống Brazil Lula da Silva phải rời khỏi chức vụ Tổng thống theo Hiến pháp Bra-xin, ông không được quyền ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Để tiếp tục duy trì đường lối lãnh đạo đất nước của mình, ông đã tiến cử bà Dilma Rusef – một đồng minh thân cận trong Liên minh cầm quyền – ra ứng cử Tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử này.
|
"Bà Đầm Thép" của Brazil thời thơ ấu (Ảnh tư liệu)
|
Bà Dilma Rusef, 62 tuổi, nguyên Chánh Văn phòng Tổng thống, là một phụ nữ có nguồn gốc Bulgaria. Cha bà, ông Petar Rusef, di cư sang Argentina vào năm 1944 và sau đó định cư tại Brazil. Bà được đào tạo về kinh tế, từng tham gia hoạt động chính trị trong phong trào cánh tả khá sớm, từ khi còn là sinh viên để phản đối chế độ độc tài quân sự giai đoạn 1964-1985. Tổng thống Lula da Silva đánh giá cao năng lực, vai trò cộng sự đắc lực của bà, người đã tham gia hoạch định nhiều chính sách quan trọng của Chính phủ nước này. Bà đã chỉ ra 4 bí quyết trong định hướng “phát triển kinh tế kết hợp hội nhập xã hội” của Brazil hiện tại gồm: giữ vững ổn định kinh tế, đặc biệt thông qua các chính sách tiền tệ và kiểm soát lạm phát; mở rộng thị trường nội địa với các chính sách hướng tới phân chia của cải công bằng hơn giữa các tầng lớp xã hội và các vùng, miền; tăng cường hội nhập quốc tế với trọng tâm hướng vào các nước trong khu vực và các nước đang phát triển; tăng ngân sách đầu tư vào các công trình công cộng và công nghiệp trong nước.
Trong cương lĩnh tranh cử của mình, bà Dilma Rusef cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô ổn định của Tổng thống đương nhiệm Lula Da Silva, nỗ lực đấu tranh xóa đói, giảm nghèo và tiến hành các cuộc cải cách ngành thuế, giáo dục... nhằm từng bước nâng cao vị thế của Brazil trên trường quốc tế. Theo các nhà phân tích chính trị, với sự ủng hộ của Tổng thống Lula da Silva , ứng cử viên Dilma Rusef có cơ hội thuận lợi trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil. Từ khi bắt đầu tham gia vận động tranh cử, bà đã nhanh chóng giành được sự ủng hộ và cảm tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động, nhất là những người nghèo, được hưởng phúc lợi từ các chính sách xã hội do Chính phủ của Tổng thống Lula da Silva triển khai. Nhiều người bày tỏ sẵn sàng đặt niềm tin đối với người đã được Tổng thống đề cử.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, cuộc bầu cử Tổng thống Brazil có thể bước sang vòng hai nếu các ứng cử viên không giành được hơn 50% số phiếu bầu. Dự đoán về kết quả cuộc bầu cử này, ông Ricardo Emanuel - nhà phân tích chính trị của kênh Euronews - cho rằng, người chiến thắng trong cuộc đua vào Dinh Tổng thống Brazil có thể giành được số phiếu với tỷ lệ cách biệt sít sao, khoảng 2 đến 4%. Ông này nhìn nhận: “Cách đây hai tuần, khả năng dẫn đến vòng hai là rất khó, nhưng bây giờ, cục diện có thể thay đổi”.
Dù chưa biết chính xác nhân vật nào sẽ kế nhiệm Tổng thống Lula da Silva sau cuộc bầu cử tới, song có thể dự đoán con đường trong những năm tới của Brazil sẽ là tiếp tục các chính sách cơ bản hiện tại. Điều đó chứng tỏ rằng nhà lãnh đạo của chính đảng cánh tả lớn nhất Mỹ Latinh Lula da Silva đã và sẽ để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử Brazil./.