Lý do Pháp bán thành công máy bay cho Ấn Độ

Thứ năm, 02/02/2012 14:02

Báo chí Pháp những ngày qua đồng loạt đưa tin tập đoàn Dassault đã thành công trong việc xuất khẩu trực tiếp 126 máy bay tiêm kích nhãn hiệu Rafale (Cuồng phong), với tổng giá trị khoảng 12 tỷ USD.
 

 
Một máy bay Rafale của Pháp. (Nguồn: defencetalk.com)

Hiện tại, hai bên vẫn đang thương lượng các điều khoản cụ thể nhưng Chính phủ Pháp không giấu được hy vọng hợp đồng này sẽ mở ra những viễn cảnh mới cho lĩnh vực xuất khẩu vũ khí của nước này.

Báo l’Expression đã có lý giải cho việc làm thế nào Dassault thành công trong việc bán vũ khí cho Ấn Độ.

Suốt 20 năm nay, máy bay chiến đầu Rafale, một trong những "đặc sản" của công nghiệp quốc phòng Pháp, chưa gặt hái được bất cứ thành công đáng kể nào trong xuất khẩu, đến nỗi Pháp đã không còn bận tâm đến chuyện xuất khẩu sản phẩm này nữa.

Tuy nhiên, việc Ấn Độ chấp nhận mua một lúc 126 chiếc Rafale đã làm thay đổi mọi ý nghĩ bi quan về thương phẩm Rafale 100% "made in France."

Tuy hợp đồng chưa chính thức ký kết, nhưng Chính phủ Pháp đã không giữ được sự phấn khích. Tổng thống Sarkozy là người đầu tiên chúc mừng quyết định mua máy bay của Chính phủ Ấn Độ, trong khi Thủ tướng Fillon cho đây là "một tin rất tốt lành đối với nước Pháp."

Cho đến trước thời điểm hiện nay, phải nói rằng cơ hội xuất khẩu cho Rafale là rất yếu. Do phát giá quá cao, thương phẩm này vừa chịu một cú nốc ao trước đối thủ Gripen của Thụy Điển trong việc xâm nhập thị trường Thụy Sĩ cuối năm 2011, và giới quan sát lưu ý rằng để vào được bầu trời Ấn Độ, Dassault phải hạ giá sản phẩm xuống mức thấp nhất so với các máy bay cùng chủng loại.

Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, rút kinh nghiệm từ thất bại liên tiếp, lần này Dassault phát giá mỗi chiếc Rafale khoảng 4-5 triệu USD, thấp hơn so với đối thủ Eurofighter của châu Âu.

Một lý do nữa giải thích cho thành công ngoài mong đợi của Pháp, đó là việc máy bay tiêm kích Rafale đã "phát huy hiệu quả đặc biệt" tại Libya năm vừa qua. Tại chiến trường này, các máy bay Pháp đã tiến hành tổng cộng 2.000 lượt xuất kích, với 7 giờ bay liên tiếp mỗi chiếc và được tiếp tế trên không thuận lợi để oanh tạc chính xác các mục tiêu trên mặt đất. Quả thật không gì hơn bằng chứng thực tế để xuất khẩu một thương phẩm nhạy cảm.

Vậy viễn cảnh nào sẽ mở ra với Dassault sau khi tập đoàn này bổ sung 126 chiếc Rafale vào sổ đặt hàng của nước ngoài? Trước hết, Dassault sẽ không cần thêm sự trợ giúp của Nhà nước để vận hành các công xưởng sản xuất và không còn bị tiếng là "sống bám vào tiền thuế của người dân".

Ngoài ra, hợp đồng khổng lồ ký với Ấn Độ còn mở ra những triển vọng xuất khẩu mới cho nước Pháp. Tâm lý khách hàng ở đây có một ý nghĩa rất quan trọng. Khi Rafale không bán được, sẽ không có bất cứ nước nào mạo hiểm ký hợp đồng nhập khẩu.

Nguy cơ là ở chỗ cho đến nay, Pháp gần như là nơi duy nhất sử dụng sản phẩm của mình, có nghĩa là các nước khác sẽ quan niệm nếu mua máy bay Rafale sẽ gặp những rủi ro lớn. Vấn đề phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Chính phủ Pháp để loại máy bay tiêm kích này được đảm bảo chắc chắn các chương trình hiện đại hóa và thuyết phục được các khách hàng tiềm năng. Sau hợp đồng với Ấn Độ, cơ hội xuất khẩu của Rafale sẽ chắc chắn sẽ tăng.

Theo các nguồn tin ở Pháp, Dassault đang chờ đợi Các tiểu vương quốc Arập thống nhất và Brazil đưa ra quyết định liên quan đến Rafale. Trong khi đó, Qatar và Kuwait được cho là "đang ở giai đoạn quan sát."

Tại thị trường chứng khoán Paris, tin về việc Ấn Độ đồng ý mua hàng loạt máy bay Rafale đã được các nhà đầu tư hưởng ứng, và cố phiểu của tập đoàn Dassault Aviations đã tăng hơn 18%./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực