(ĐCSVN) - Lybia - một Iraq thứ 2 - đang oằn mình hứng chịu những cuộc tấn công ào ạt, không cân sức do liên quân tiến hành trong khi tình hình nội bộ vẫn còn hết sức phức tạp. Một cuộc chiến khởi đầu lúng túng và được bao biện bởi những lý do hết sức tầm thường đang được chính báo chí phương Tây bóc trần.
|
Nạn nhân vô tội của bạo lực tại Lybia (Ảnh tư liệu) |
Dưới đầu đề "Lybia: tại sao không phải là Yemen,Tunizia, Ai cập, Ba-ranh, Gioocdani, Syria, Arab Saudi?", tờ báo mạng ngex.com đã đăng bài viết của tác giả Paul Adujie lý giải nguyên nhân phương Tây tấn công bằng "đòn hội đồng" đối với Lybia.
Các quốc gia phương Tây, đứng đầu là Pháp, lý luận rằng Tổng thống Muammar Gaddafi đã hoặc đang ở ranh giới bờ vực của sự tàn sát "chính nhân dân của mình" khi đẩy lùi và dùng mọi biện pháp đàn áp các cuộc nổi dậy hợp pháp chống lại chế độ độc tài 40 năm qua.
Sự thật là, thế giới đang chứng kiến sự khởi đầu của cuộc xâm lược, chiếm đóng mỏ dầu thô ở vị trí chiến lược của Libya. Libya trở thành Iraq thứ hai. Tại chiến trường mới này, vũ khí hủy diệt hàng loạt hay WMD được sử dụng song được ngụy trang khéo léo trước những con mắt cả tin. Cuộc xâm lược và chiếm đóng Iraq cũng như vậy.
Libya đang bị tấn công. Libya sẽ bị xâm lược và chiếm đóng bởi một chế độ mới dưới chiêu bài bảo vệ người dân Libya. Đó là một sự lừa dối. Một tiền lệ nguy hiểm và khủng khiếp đang được thiết lập, mọi thứ sẽ lao xuống dốc.
Libya đang trải qua đỉnh điểm của tiến trình đòi thay đổi chế độ, theo bài toán mà phương Tây dựng lên với những lý do hết sức tầm thường. Các quốc gia phương Tây ghét và mãi mãi ghét Muammar Gaddafi - một kẻ thù thật và ảo. Lý do thứ nhất, thuyết giáo và lập trường của Muammar Gaddafi luôn là chống thực dân, đế quốc phương Tây và chống phân biệt chủng tộc. Thứ hai, phương Tây muốn duy trì những thành quả của quân nổi dậy tại Tunisia - một quốc gia láng giềng với Libya, Arab và các quốc gia Trung Đông khác.
Trên lục địa Bắc Phi, cuộc nổi loạn và sự trả thù các phiến quân nổi loạn ở Somalia là một ví dụ tồi tệ nhất. Nước này không có chính phủ ổn định kể từ năm 1991. Các quốc gia phương Tây không can thiệp cứu lấy cuộc sống của thường dân vì Somalia không có dầu thô. Phương Tây chỉ chú ý và can thiệp vào quốc gia này khi hải tặc Somalia hoành hành trên biển Ấn Độ Dương, cản trở thông thương trên biển của Châu Âu.
Năm 1994, cuộc thảm sát ở Rwanda khiến gần 1 triệu người thiệt mạng. Lòng căm thù và sự xung đột sắc tộc giữa người Hutu và người Tutsi gây ra tội ác diệt chủng kinh hoàng. Các quốc gia phương Tây khoanh tay đứng nhìn bất chấp sự hiện diện của quân Liên hợp quốc!
Cũng từ đó, nạn diệt chủng kinh hoàng tại Darfur của Sudan làm hàng triệu người chết hoặc phải đi lánh nạn. Chính phủ của Tổng thống Bashir ở Khartoum bị chỉ trích nhưng không hề có sự can thiệp nào khác.
Báo cáo thường xuyên từ Congo cho thấy rằng thường dân nào không tham gia chiến đấu đều bị tàn sát, hãm hiếp và lạm dụng. Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) phải chi hàng tỉ USD vào việc giữ gìn hòa bình và ổn định cho Liberia và Sierra Leone. Nhưng không hề có lời chỉ trích hay gợi ý can thiệp quân sự nào khác để bảo vệ sự an toàn và tính mạng cho thường dân vô tội ở Liberia và Sierra Leone. Có lẽ bởi Liberia và Sierra Leone không giống như Libya và Iraq: Không có dầu khí hoặc các loại dầu thô?
Vậy, phương Tây chọn Libya vì những tiêu chí nào? Tại sao phương Tây không chọn Yemen, Somalia, Sudan, Bahrain, Syria hay Saudi Arabia,... thay vì Libya?
|
Phi đội máy bay F-18 cất cánh tham chiến tại Lybia từ căn cứ không quân Aviano của NATO ở miền Bắc Italia (Ảnh tư liệu) |
Còn dưới đầu đề "Tại sao Mỹ tấn công Lybia", nhà báo Andrew North, đang làm việc cho BBC, đặt vấn đề: "Các vụ đàn áp tại Yemen và Bahrain cho đến nay chỉ bị phản đối bằng lời nói chứ không phải bằng hành động. Sự khác nhau giữa Libya, Yemen và Bahrain là gì?"
Câu trả lời thật dễ nhận biết. Bahrain và Yemen là đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Bahrain - nơi Mỹ có căn cứ hải quân lớn. Libya thì không.
Phản ứng của Mỹ đối với Bahrain càng trở nên phức tạp hơn bởi (sự can thiệp của) nước láng giềng Saudi Arabia - đồng minh Arab số một của Washington. Saudi Arabia trước đó đã không hài lòng khi chứng kiến cảnh Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak phải ra đi.
Việc nước láng giềng bị mất chế độ quân chủ Sunni là một báo động đỏ đối với Saudi Arabia. Đó là lý do tại sao Saudi Arabia đã thực hiện một hành động chưa từng có, là gửi 1.000 binh lính qua biên giới vào Bahrain, để rồi sau đó các cuộc đàn áp bắt đầu diễn ra.
Nhưng điều gì đã xảy ra với các “giá trị toàn cầu” mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trích dẫn khi ông rốt cuộc đã ủng hộ những người biểu tình ở Ai Cập? Quyết định của ông Obama trong việc phải từ bỏ một đồng minh cũ của Mỹ ở Ai Cập - ông Mubarak - khiến người ta có cảm giác rằng ông đang sẵn lòng áp dụng những “giá trị toàn cầu” và phá vỡ chính sách trước đây của Mỹ trong việc nuông chiều các chế độ khác ở Trung Đông. Các nhà phê bình nói đây là một cảm giác nguy hiểm, khiến người biểu tình kỳ vọng nhiều hơn đồng thời các vương triều ở vùng Vịnh bị áp lực nhiều hơn.
“Mỹ luôn luôn thuyết giảng những giá trị mà chính họ không thể sống theo” - bà Marina Ottaway - Giám đốc chương trình Trung Đông của Tổ chức Carnegie - cống hiến cho hoà bình, trụ sở ở Washington - nói. “Cuối cùng thì quyền lợi của Mỹ luôn là trên hết”.
Khi cuộc nổi dậy đã lan ra khỏi Bắc Phi tới Bahrain và Saudi Arabia, Washington đã tỏ ra thận trọng với cách tiếp cận riêng biệt đối với mỗi nước. Với Mỹ, sự ổn định tại các quốc gia giàu dầu mỏ hiện nay xoá bỏ hy vọng của các phong trào phản kháng ở những đất nước này. Mỹ lo ngại Iran sẽ khai thác quan điểm đó. Chính quyền ở cả Bahrain và Saudi Arabia đều cáo buộc Tehran là dàn xếp những vụ bất ổn vừa qua. Một vài quan chức Mỹ lo ngại việc lật đổ đế chế quân chủ Sunni sẽ là chiến thắng cho Iran.
Yemen có ý nghĩa rất quan trọng đối với Washington trong cuộc chiến chống Al-Qaeda. Điều này khiến chính quyền Obama phải hết sức thận trọng trong việc gây áp lực tới đâu đối với Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh. “Mỹ rất sợ rằng nếu ông Saleh ra đi, Yemen sẽ sụp đổ” - bà Ottaway nói. Ông Obama đã lên án vụ bạo lực mới nhất tại Yemen, khiến cho ít nhất 30 người biểu tình thiệt mạng. Nhưng ông chỉ kêu gọi “những người có liên quan... sẽ bị quy trách nhiệm”, mà không trực tiếp chỉ trích ông Saleh.
Washington đã phản ứng không đáng kể về tình trạng bạo lực mà các lực lượng an ninh Iraq đã sử dụng để chống lại người biểu tình ở nước này.
Ngay cả với Libya, sự thận trọng mới cũng đang được thể hiện. Chính quyền đã ngần ngại một thời gian trong việc ủng hộ quyết định áp dụng vùng cấm bay, bởi lo ngại rằng điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thứ ba của Mỹ tại một quốc gia Hồi giáo, sau Afghanistan và Iraq.
Mỹ chỉ quyết định việc này sau khi nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia Arab và các đồng minh Châu Âu.
Và hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ đóng góp quân sự tới mức nào đối với khu vực cấm bay được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, cũng như chuyện gì sẽ xảy ra nếu đại tá Gaddafi thành công trong việc níu giữ quyền lực.
Những gì diễn ra gần đây và làn sóng biểu tình vẫn đang tràn khắp khu vực, thận trọng được cho là một chính sách hợp lý, nếu nhìn từ quan điểm của Mỹ. Nhưng điều này cũng tạo ra nguy cơ là tạo cho các nhà lãnh đạo bảo thủ Arab cơ hội cần thiết để ngăn chặn làn sóng đòi cải cách và để tiếp tục đeo bám quyền lực. Chứng kiến những gì đã xảy ra tại Tunisia và Ai Cập, các nhà lãnh đạo Arab khác đang đi theo hướng của Libya và theo đuổi cách dùng vũ lực thay vì đối thoại. Chưa rõ ông Obama có thể làm được gì./.