(ĐCSVN) - Giới quan sát cho biết, phong trào các tập đoàn quốc tế tìm thuê đất nông nghiệp tại các nước đang phát triển đang “nở rộ”. Chính phủ nước sở tại thường đưa ra 4 lý do biện minh việc cho nước ngoài thuê đất nông nghiệp: (l) Đất cho thuê là những khu vực đất để hoang. (2) Cho thuê đất sẽ góp phần bình ổn an ninh lương thực. (3) Các dự án thực hiện trên khu đất cho thuê sẽ giúp tạo việc làm. (4) Giúp tăng nguồn thu từ thuế. Tuy nhiên, tờ "Người Bảo vệ (Anh), trích dẫn báo cáo của Tổ chức Oxfarm cho rằng, cả 4 lý do này đều không thuyết phục.
Thứ nhất, hầu hết trong số 100 triệu ha đất mà Chính phủ các nước châu Phi và châu Á cho các tập đoàn nông nghiệp, quỹ đầu tư và các nhà đầu cơ nước ngoài thuê lại trong mấy năm qua không phải là “đất ít sử dụng” hoặc “đầu thừa đuôi thẹo” như họ vẫn nói. Trên thực tế, các công ty “thường nhắm đến những mảnh đất màu mỡ nhất”. Báo cáo của Oxfarm viết: “Họ tìm kiếm những mảnh đất có sẵn nguồn thủy lợi, màu mỡ, có cơ sở hạ tầng và gần nơi tiêu thụ nhằm tăng lợi nhuận và hiệu quả đầu tư. Các dự án quy mô lớn thường được đặt ở những nơi đông dân nhất. Điều tra kỹ hơn cho thấy, đây cũng thường là những mảnh đất có giá thuê thấp và đã được sử dụng để trồng cây lương thực chứ không phải đất trống, để hoang, đầu thừa đuôi thẹo ở các khu dân nghèo”.
Thứ hai, các dự án cho thuê không góp phần bình ổn an ninh lương thực và năng lượng. Các nghiên cứu ở Ê-ti-ô-pi-a, Ga-na, Ma-li, Mô-dăm-bích, Xê-nê-gan và Tan-da-ni-a cho thấy, hầu hết các dự án đều là sản xuất các sản phẩm dành cho xuất khẩu như: nông phẩm để sản xuất nhiên liệu sinh học hay hoa trang trí. Tại Mô-dăm-bích, nơi có khoảng 35% hộ gia đình thường xuyên thiếu đói, chỉ có 32.000 ha trong số 433.000 ha đất nông nghiệp cho thuê trong các năm 2007-2009 là để trồng cây lương thực. Báo cáo của Oxfarm thậm chí còn cho rằng, việc không có các điều khoản hạn chế xuất khẩu và các chủ thể sản xuất lương thực quy mô nhỏ bị lấy mất đất canh tác, khiến tình hình an ninh lương thực thêm xấu đi. Hơn nữa, để thu hồi vốn nhanh, các công ty nước ngoài thường áp dụng biện pháp canh tác không bền vững, gây hại tới khả năng tái tạo dinh dưỡng của đất về lâu dài.
Theo Viện Oakland, việc thu mua đất nông nghiệp tràn lan ở châu Phi cho thấy, giới đầu tư Mỹ và châu Âu muốn tăng cường kiểm soát thị trường lương thực toàn cầu. Điều đáng nói là một phần lớn diện tích đất nông nghiệp này bị sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học. Do đó, nguồn đất nông nghiệp châu Phi bị thu hẹp lại, dẫn đến nguy cơ đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao trong những năm tới. “Hơn một tỷ người trên thế giới đang bị đói. Phần lớn người dân ở các nước nghèo vẫn phải dựa vào các trang trại nhỏ để có thức ăn. Các nhà đầu cơ đang lấy đi đất của họ và đưa ra những lời cam kết không bao giờ thành hiện thực”.
Thứ ba, các dự án này không đóng góp nhiều cho tạo công ăn việc làm với người dân nước sở tại. Nhiều kết quả điều tra cho thấy, các hợp đồng cho thuê đất thường không có điều khoản quy định công ty phải sử dụng lao động địa phương hoặc nếu có thì cũng không được thực hiện. Báo cáo của Oxfarm viết: “Việc làm được tạo ra rất ít, thường là ngắn hạn, theo mùa vụ và lương thấp. Ở các nước Tây Phi, người dân hầu như không được nhận vào làm việc tại nhà máy, đặc biệt là cuộc sống của người chăn gia súc và phụ nữ thêm cơ cực bởi các nguồn tài nguyên nuôi sống họ như: đồng cỏ, cây cối và nước bị thu hẹp”.
Báo cáo của Viện Oakland cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài thường cam kết tạo công ăn việc làm, hiện đại hóa nông nghiệp cho các nước Châu Phi nhưng không bao giờ giữ đúng lời hứa. Theo Giám đốc Oakland, "các hợp đồng mua bán đất ở Châu Phi rất thiếu minh bạch. Các nhà đầu tư quốc tế hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm đối với bất cứ ai”. Chuyên gia Ô-bang Mê-thô, thuộc Phong trào đoàn kết Ê-ti-ô-pi-a khẳng định, không có chuyện các nhà đầu tư tới cứu nông dân nghèo châu Phi, tạo công ăn việc làm.
Thứ tư, các dự án cho thuê đất nông nghiệp không giúp nhiều cho tăng nguồn thu ngân sách từ thuế. Oxfarm cho biết, các chính phủ thực sự bị thiệt khi họ đưa ra ưu đãi thuế nhằm thu hút vốn đầu tư. Ví dụ: Năm 2008, Chính phủ Pa-ki-xtan đưa ra ưu đãi miễn thuế thu nhập, miễn thuế nhập khẩu thiết bị và ưu đãi sở hữu đất 100% ở các khu vực ưu đãi đặc biệt đối với các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi và sản xuất sữa. Thuế thu nhập chỉ được áp dụng khi dự án đầu tư bắt đầu sinh lời.