Một chuyến thăm nhiều mục đích của ông Barack Obama

Thứ ba, 09/11/2010 22:50

(ĐCSVN)Ngày 7/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi Ấn Độ tích cực theo đuổi các nỗ lực nhằm hàn gắn mối quan hệ vốn đã bị sứt mẻ với Pakistan sau khi xảy ra các vụ tấn công kinh hoàng tại Mumbai hồi năm 2008. Theo nhận định của các chuyên gia thì việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa Ấn Độ và Pakistan chính là một phần trong các nỗ lực của ông Obama nhằm giành chiến thắng trong cuộc chiến tại Afghanistan.

Tổng thống Mỹ B.Obama và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh
tại sân bay New Delhi ngày 7/11
(Ảnh: Tân Hoa Xã)


Trong ngày công du thứ 2 tại Ấn Độ, ông Obama đã phải đối mặt với một bài toán ngoại giao khá hóc búa khi một mặt, ông vừa theo đuổi các nỗ lực nhằm tăng cường các mối quan hệ với một nước đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế là Ấn Độ, mặt khác, ông Obama lại cam kết đổ hàng tỷ USD hàng viện trợ cho Pakistan cũng như thúc đẩy tiến trình hoà bình tại Afghanistan.

Theo nhận định của nhiều nhà phân tích thì cùng với việc chọn Ấn Độ là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du kéo dài 10 ngày đến châu Á, ông Obama đã thể hiện thiện chí cũng như quyết tâm của Mỹ trong việc đưa mối quan hệ Mỹ-Ấn Độ xích lại gần nhau hơn trong bối cảnh Washington đang theo đuổi những nỗ lực nhằm phục hồi nền kinh tế trong nước, tập hợp sự ủng hộ từ các đối tác trước chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, chương trình nghị sự ngày 7/11 của ông Obama lại chủ yếu tập trung vào những nút thắt xung quanh mối quan hệ Ấn Độ-Pakistan.

Theo nhận định của giới quan sát thì tình hình khu vực châu Á và trên thế giới sẽ trở nên nguy hiểm nếu xảy ra xung đột quân sự giữa hai nước láng giềng cùng sở hữu vũ khí hạt nhân là Ấn Độ và Pakistan. Hơn nữa, các diễn biến này sẽ ảnh hưởng tới chiến lược chống khủng bố quốc tế của Mỹ trong nhiệm kỳ 4 năm của ông Obama. Mỹ hiện đang dồn sức cho cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan nhằm hướng tới mục tiêu bắt đầu thực hiện kế hoạch rút quân khỏi chiến trường này vào năm 2011. Trong khi đó, Pakistan hiện đang phải ra tay hành động tại khu vực các bộ lạc sát biên giới Afghanistan, được coi là nơi ẩn náu của lực lượng Al Qaida và Taliban. Nếu phải đối phó với nguy cơ Ấn Độ tấn công, Pakistan sẽ phải rút giảm, điều động binh sĩ ở đó lên vùng biên giới phía Đông. Chính bởi vậy, Mỹ luôn mong muốn một mối quan hệ "cơm lành canh ngọt" giữa Ấn Độ và Pakistan để đồng minh chống khủng bố chủ chốt của mình có thể tập trung vào cuộc chiến chống lại các phần tử cực đoan ở vùng biên giới phía Tây thay vì lo lắng, bận tâm về khu vực phía Đông (Ấn Độ). Bên cạnh đó, những nỗ lực của ông Obama nhằm cải thiện mối quan hệ với Ấn Độ, tìm giải pháp tháo gỡ cho những nút thắt trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan nhằm hướng tới thắng lợi cho cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan còn được xem là một nỗ lực mới nhất của Tổng thống Mỹ nhằm cải thiện hình ảnh của mình trong bối cảnh ông đã vấp phải thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ.

Khi trả lời câu hỏi của các sinh viên tại một trung tâm tài chính của Ấn Độ, ông Obama đã nêu bật quan điểm về mục tiêu mà ông cho rằng cả Ấn Độ và Pakistan cần theo đuổi, đó là góp phần ổn định tình hình tại Afghanistan, nơi tham chiến của hàng nghìn binh lính Mỹ.

Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ hy vọng rằng, Ấn Độ và Pakistan sẽ ngày càng tin tưởng lẫn nhau, khởi động các vòng đối thoại với chủ đề bắt đầu từ những vấn đề ít gây tranh cãi nhằm hướng tới tương lai thảo luận về những vấn đề nóng bỏng hơn.

Trên thực tế, kể từ khi phân tách thành các quốc gia độc lập vào tháng 8/1947, giữa Ấn Độ và Pakistan từng xảy ra 3 cuộc chiến tranh biên giới liên quan tới tranh chấp lãnh thổ và xung đột sắc tộc. Ấn Độ luôn phản đối Pakistan tìm cách thôn tính tiểu vương quốc Jammu và Kashmir, nơi có 70% dân số theo đạo Hồi sinh sống. Các cuộc chiến tranh này chỉ thực sự được chấm dứt vào năm 2003. Tuy nhiên, các cuộc tấn công tại Mumbai hồi năm 2008 khiến 166 người thiệt mạng đã đổ thêm lửa vào mối quan hệ vốn đã có phần “sôi sục” giữa Ấn Độ và Pakistan. Ngay sau các vụ tấn công trên, Ấn Độ tuyên bố chấm dứt các cuộc hoà đàm với Pakistan.

Trong bài phát biểu của mình, ông Obama cũng đánh giá cao những  khoản đầu tư mà Ấn Độ dành cho Afghanistan. Tổng thống Mỹ cũng không quên khẳng định vai trò đối tác của Pakistan trong nỗ lực này bởi theo quan điểm của ông thì “tất cả mọi quốc gia trong khu vực đều cần đóng vai trò là đối tác nhằm mang lại hoà bình cho Afghanistan…Mỹ hoan nghênh điều này bởi chúng tôi cho rằng, không một nỗ lực riêng rẽ nào có thể thực hiện được mục tiêu này” - ông Obama khẳng định thêm./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực