(ĐCSVN) - Sau hai ngày đàm phán về vấn đề ngân sách chi tiêu của khối giai đoạn 2014-2020, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu không chính thức đã khép lại mà không đem lại kết quả nào ngoài việc khẳng định tái nhóm họp vào thời gian gần nhất. Tại đây, dấu hiệu của một cuộc chia lìa - được dự báo sẽ xảy ra trong nay mai - đã hé lộ.
Thỏa thuận về ngân sách dài hạn của Liên minh châu Âu tiến dần tới ngõ cụt
Tối 22/11, sau khi phải tạm hoãn do tranh cãi gay gắt giữa các nước thành viên về kế hoạch cắt giảm ngân sách chi tiêu, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu không chính thức đã khai mạc và kết thúc rạng sáng 23/11 mà vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Những bất đồng sâu sắc giữa các nước thành viên đã bộc lộ.
|
Thủ tướng Đức và Thủ tướng Anh thể hiện tình thân (Ảnh AFP/Getty Images) |
Thủ tướng Đức Angela Merkel hiện ủng hộ việc cắt giảm ngân sách Liên minh châu Âu theo từng giai đoạn, trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định,ngân sách Liên minh châu Âu vẫn phải dành ưu tiên cho tăng trưởng và duy trì chính sách nông nghiệp chung. Việc duy trì hoặc tăng Khuôn khổ tài chính cho giai đoạn 2014-2020 chỉ được Hy Lạp, Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu quan tâm.
Một số nước khác do Anh đứng đầu, tuyên bố sẽ dùng quyền phủ quyết nếu hội nghị không đáp ứng yêu cầu cắt giảm mạnh mẽ ngân sách 7 năm tới và đặt ra chương trình "thắt lưng buộc bụng" của cả Liên minh trong thời điểm cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ lan rộng. Pháp, Tây Ban Nha phản đối việc cắt giảm chi tiêu trong khu vực nông nghiệp. Còn một số nước nghèo hơn ở Trung và Đông Âu phản đối việc cắt giảm chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng. Đi xa hơn, Italia cho rằng họ là một trong nước có mức đóng góp lớn cho ngân sách Liên minh nhưng lại nhận được rất ít từ kho tài chính chung này, trong khi Tây Ban Nha lại nhận được trợ giúp nhiều hơn những gì họ đóng góp.
Thực trạng bàn cãi về ngân sách của Liên minh châu Âu đã đẩy Thủ tướng Anh vào vị trí đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan lâu nay của Anh. Đó là trả lời và giải quyết câu hỏi (phần nào đó là đòi hỏi của cử tri Anh) – rút lui hay ở lại Liên minh châu Âu? Vấn đề nan giải này, trước đây đã từng thử thách vị trí của người tiền nhiệm thuộc đảng bảo thủ. Mâu thuẫn giữa các nước thành viên và các thể chế của Liên minh châu Âu về dự thảo ngân sách chung nổ ra giữa một bên là những ý tưởng “không thực tế của giới thượng lưu châu Âu lục địa” với một bên “cấp tiến có nhận thức về sự cần thiết phải hợp tác” với tất cả các bên liên quan.
Gốc rễ lịch sử
Tinh thế tiến thoái lưỡng nan của Anh liên quan chặt chẽ đến “vấn đề nước Đức” trong lịch sử. Một thời gian dài sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, tưởng như vấn đề này đã tìm được lời giải có tính lâu dài khi nước Đức bị chia cắt và bị ràng buộc trong các liên minh quân sự đối kháng. Với sự kết thúc của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở châu Âu, sự sụp đổ của Bức tường Berlin và việc tái thống nhất đất nước, hiện trạng này biến mất. Đối với nhiều quốc gia châu Âu, nước Đức thống nhất lại hàm chứa nhiều rủi ro hơn là may mắn. Anh là một trong những quốc gia như vậy bởi quốc đảo này rất ái ngại sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc cực đoan Đức
Trong liên minh tiền tệ và dự án nhất thể hóa châu Âu, người Anh đã sớm nhận ra “tiểu xảo của Đức” (từ dùng của ông Nikolas Reedley – bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Margaret Thatcher) . Ông này đã nói: “Đức sẽ dùng sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế của mình để đạt được điều mà Hittler không đạt được bằng chiến tranh”. Bằng cách này, chính khách người Anh muốn lưu ý rằng, vẫn còn đó một nước Đức với tham vọng cầm cân nảy mực ở châu Âu. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, nỗi sợ hãi về một nước Đức “siêu cường, siêu mạnh” tạm thời lắng xuống khi Berlin bắt đầu phải đối mặt với những vấn đề kinh tế sau khi tái thống nhất.
Sự lưỡng lự của London
Bây giờ, nước Đức lại trở lên hùng mạnh và cùng với khủng hoảng, nỗi lo về “vấn đề nước Đức” lại trở về trong tiềm thức châu Âu. Những quốc gia châu Âu, trước hết là Anh, cẩn trọng quan sát mọi động thái của nhân vật trung tâm – nước Đức. Họ vẫn chưa quên cách xử sự của Đức - mà họ cho là “đáng xấu hổ” – trong cuộc khủng hoảng Libya khi Đức đứng ngoài “sứ mệnh can thiệp” vào Libya. Những quốc gia này cũng không ngần ngại chỉ trích “chủ nghĩa bá quyền ở châu Âu” – ám chỉ tham vọng “dẫn dắt” châu Âu của Đức. Người Anh cũng nhìn nhận với sự không tin tưởng về cái gọi là “phương thức đặc biệt” xung quanh vấn đề năng lượng hạt nhân. Mặt khác, Anh cũng còn chờ đợi Berlin ra tay cứu trợ những quốc gia ven Địa Trung Hải thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ và giữ những nước này ở lại Khu vực Eurozone như thế nào.
Hiện nay, trong khi vở bi kịch “Anh và châu Âu” bước sang hồi tiếp theo và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc thì Thủ tướng Anh David Cameroon vẫn chưa thay đổi cách nhìn về mối quan hệ giữa Anh với Liên minh câu Âu. Ông Cameroon đã từng chứng kiến thất bại của vị Thủ tướng gần đây nhất thuộc đảng Bảo thủ John Meyjer trong cuộc tranh luận với những đối thủ theo đường lối cứng rắn ở châu Âu và cố gắng ngăn chặn nỗ lực nhằm cô lập Anh quốc. Trong trường hợp này , câu chuyện “thất bại của người này là bài học kinh nghiệm của người khác” rẩt bổ ích cho Thủ tướng Anh đương nhiệm. Đồng thời, ông Cameroon đang cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ trong đàm phán về vấn đề ngân sách dài hạn của Liên minh châu Âu mà ông mong muốn phải được cắt giảm. Thủ tướng Anh đang chịu sức ép ghê gớm từ chính những người ủng hộ đòi hỏi ông phải tác động tích cực để ngân sách dài hạn này cắt giảm đến mức kỳ vọng. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, Anh sẽ “dùng quyền phủ quyết ngân sách dài hạn của Liên minh châu Âu” như đã từng làm hồi năm ngoái.
Cuộc ly hôn khó tránh
Tại Brucsel, trong thời điểm cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ lan rộng, Thủ tướng Anh tìm mọi nỗ lực nhằm đạt mục tiêu cắt giảm mạnh mẽ ngân sách dài hạn của Liên minh và yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên phải thực hiện nghiêm túc chính sách "thắt lưng buộc bụng". Trong con mắt của một số quốc gia không ủng hộ đề xuất của Anh thì một khi London sử dụng quyền phủ quyết tức là đã ký vào lá đơn rút khỏi Liên minh.
|
Thủ tướng Anh David Cameroon tranh thủ mọi nỗ lực để cát giảm ngân sách dài hạn của EU (Ảnh Reuters) |
Những thành viên trung thành của đảng Bảo thủ sẽ không phản đối khi Anh rút khỏi liên minh vì như thế - theo cách họ nói – “thoát khỏi sự ràng buộc vào châu Âu”. Trong một cuộc thăm dò dư luận mới đây, khi được hỏi, hơn 60% cử tri theo đường lối của đảng Bảo thủ ủng hộ phương án rút khỏi Liên minh châu Âu của chính phủ Anh. Tương tự, các cử tri Công đảng ủng hộ phương án rút khỏi “câu lạc bộ châu Âu”. Khoảng 56% những người được hỏi, cho rằng, London nên chấm dứt cuộc “kết hôn gượng ép” với châu Âu. Chính vì điều này, Thủ tướng Cameroon đã cố gắng tránh một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề “ra đi hay ở lại với Liên minh châu Âu” bởi tự thân, London không có lợi ích gì từ vấn đề này. Điều này được cả lãnh đạo Công đảng đối lập Ed Miliband, chia sẻ.
Tuy nhiên, nhiều tín hiệu cho thấy, cuộc “ly hôn” lịch sử là khó tránh khỏi. Những nỗ lực đàm phán của ông Cameroon về tư cách thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu chỉ là liệu pháp làm chậm quá trình này mà thôi. Bởi vì, chẳng có lý do gì để Brucsel thỏa hiệp với một đặc quyền có thể gây phương hại về lâu, về dài cho cả khối. Nhiều nhà phân tích chính trị ở châu Âu nhận định rằng, việc rời khỏi liên minh châu Âu của London chỉ còn là vấn đề thời gian và người ta đã nghĩ đến kịch bản này một cách nghiêm túc nhất. Cần phải có “phép màu” chính trị nào đó mới đủ sức ngăn chặn cơ chế “chính trị - tâm lý” phức tạp dẫn đến sự rút lui của Anh khỏi Liên minh châu Âu. Chừng nào phép màu đó chưa xuất hiện thì khoảng cách giữa London và Liên minh châu Âu càng nới rộng.
Và như vậy, vẫn còn đó “vấn đề nước Đức”, bất chấp việc Anh có ở lại hay rời bỏ Liên minh châu Âu./.