(ĐCSVN) - Tại Diễn đàn Phát triển Năng lượng “5 năm lần thứ 12” và Chiến lược Năng lượng được tổ chức ngày 19.6.2010, Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc cho biết, thiết kế quy hoạch và chiến lược năng lượng quốc gia của Trung Quốc được chia làm 3 phần: (l) Chiến lược năng lượng; (2) Quy hoạch phát triển trung - dài hạn; (3) Quy hoạch 5 năm lần thứ 12.
Chiến lược năng lượng trình bày những nét cơ bản về kết cấu và xu hướng tổng thể trong quy trình phát triển lĩnh vực năng lượng của Trung Quốc đến năm 2050, trong đó đề cập đến những nội dung cơ bản và trọng điểm của chiến lược năng lượng. Cương lĩnh quy hoạch phát triển trung - dài hạn đề cập đến những giải pháp và sự bố trí trọng điểm phát triển năng lượng đến năm 2030 với đặc điểm mang tính chuyển tiếp, hệ thống một cách toàn diện. Quy hoạch năng lượng 5 năm lần thứ 12 trình bày quá trình phát triển trong thời gian 5 năm tới với những giải pháp tương đối cụ thể, thực chất, sát với tình hình an ninh năng lượng hiện nay của Trung Quốc cũng như thế giới.
Cũng tại Diễn đàn này, Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc cho biết sẽ có 6 chuyển biến lớn về quan niệm trong chiến lược năng lượng quốc gia của Trung Quốc để theo kịp tình hình hiện tại cũng như đáp ứng yêu cầu về an ninh năng lượng cho Trung Quốc, bao gồm:
Thứ nhất, chú trọng đảm bảo chế độ cung cấp, dịch chuyển theo hướng khoa học để điều tiết tổng lượng tiêu thụ và sản xuất năng lượng; lấy điều tiết tiêu dùng năng lượng là một trong những biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thứ hai, phát triển năng lượng sạch, nhiên liệu khô và đa dạng hoá nguồn năng lượng thay vì quá lệ thuộc và nguồn than đá.
Thứ ba, dịch chuyển từ việc quá lệ thuộc vào sự cung cấp nguồn năng lượng trong nước sang đảm bảo chắc chắn nguồn cung từ trong nước và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng.
Thứ tư, chuyển từ việc chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái mà xem nhẹ phát triển năng lượng sang phát triển nguồn năng lượng đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái.
Thứ năm, chuyển từ mô hình phát triển dựa vào nguồn năng lượng sang mô hình khoa học - kỹ thuật sáng tạo mới.
Thứ sáu, chuyển từ phát triển đơn độc các loại sản phẩm năng lượng sang phát triển hài hoà trong hệ thống và hỗ trợ lẫn nhau giữa các chủng loại năng lượng.
Theo các chuyên gia, song song với những chuyển đổi nêu trên, Trung Quốc vẫn kiên trì 4 phương hướng trọng điểm trong hệ thống năng lượng, đó là: tiết kiệm; không ngừng chủ động trong nghiên cứu, cải tiến và có những sáng tạo trong khoa học - kỹ thuật năng lượng; thúc đẩy sản xuất than đá sạch; phát triển điện lực.
Xét về tổng thể, quy hoạch phát triển năng lượng “5 năm lần thứ 12” là thời kỳ quá độ giai đoạn hiện đại hoá năng lượng hiện nay của Trung Quốc để tiếp tục phát triển. Trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc vẫn cần phải đẩy mạnh trong lĩnh vực than đá, không ngừng phát triển khí tự nhiên, phát triển thuỷ điện, xây dựng điện hạt nhân, phát triển năng lượng tái sinh, làm cơ sở thực hiện mục tiêu đến năm 2020 điều chỉnh kết cấu năng lượng và giảm bớt tình trạng hiệu ứng nhà kính.