Một số điều chỉnh chính sách của Mỹ tại Trung Đông và Bắc Phi

Thứ sáu, 09/09/2011 23:06

(ĐCSVN) - Theo giới quan sát, tình trạng hỗn loạn phức tạp kéo dài tại Trung Đông và Bắc Phi thời gian qua không chỉ gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho các nước trong khu vực, mà còn tạo ra thách thức to lớn đối với Mỹ. Hiện một số vấn đề của khu vực đã vượt khỏi tầm kiểm soát và gây tổn hại cho các lợi ích chiến lược của Mỹ tại đó khiến Mỹ có một số điều chỉnh chính sách để giành lại thế chủ động.

Thứ nhất, tăng cường quan hệ với các đồng minh Ả-rập. Việc Mỹ thể hiện không mạnh mẽ khi đối phó với cuộc khủng hoảng ở Trung Đông - Bắc Phi khiến nhiều nước cho rằng, Mỹ đã suy yếu, khiến ảnh hưởng của Oa-sinh-tơn tại khu vực bị suy giảm. Để củng cố niềm tin với các nước Ả-rập và đồng minh, Mỹ đang tích cực thực hiện các chính sách khác nhau để tìm kiếm một sự cân bằng giữa chiến lược dài hạn nhằm mở rộng dân chủ và duy trì các đồng minh ổn định tại khu vực. Vừa qua, Mỹ đã cử một loạt quan chức cấp cao tới khu vực để tái khẳng định cam kết an ninh cho các nước như: I-xra-en, Gioóc-đa-ni và một số đối tác quan trọng khác. Ngoài ra, Mỹ còn hỗ trợ Y-ê-men và Ba-ranh thúc đẩy cải cách và quản lý kinh tế. Cách thức và phương tiện chủ yếu được Mỹ sử dụng để tăng cường ảnh hưởng tại khu vực vẫn là viện trợ kinh tế và quân sự. Năm 2011, viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ cho Trung Đông là 7 tỷ USD, trong đó chủ yếu dành cho I-xra-en, Ai Cập, Gioóc-đa-ni, Pa-le-xtin và Li-băng.

Thứ hai, tích cực hỗ trợ nền “dân chủ” Trung Đông, đặc biệt là tự do ngôn luận trên mạng, phát triển xã hội dân sự và phong trào thanh niên. Mỹ đang tập trung hỗ trợ “dân chủ” kết hợp gây áp lực đối với các đồng minh Ả-rập như Ai Cập và Ả rập Xê-út nhằm thúc đẩy “cải cách dân chủ” tại những quốc gia này. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc (LHQ) năm 2010, những người trẻ ở độ tuổi dưới 30 chiếm 60% dân số các nước Hồi giáo Trung Đông và 56% trong số họ sử dụng In-tơ-nét hàng ngày. Điều này có nghĩa, nắm vững xu hướng chính trị của những người trẻ tuổi sẽ giúp tình hình chính trị ở những nước này phát triển đúng theo hướng của Mỹ.

Thứ ba, Mỹ tìm cách “mềm hoá” các chính sách trong quan hệ với lực lượng Hồi giáo và từng bước tái cấu trúc địa chính trị trong khu vực. Chính sách kiềm chế của Mỹ đối với các lực lượng Hồi giáo vừa qua đang dần mất tác dụng khi các lực lượng Hồi giáo cực đoan và khủng bố như Phong trào Ha-mát của Pa-le-xtin, Héc-bô-la của Li-băng và Mu-lát của I-ran đều đang tăng cường ảnh hưởng. Trong những tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ cho nền dân chủ của các quốc gia Trung Đông, Mỹ tỏ ra lo ngại về sự mở rộng “nhanh chóng” và “quá mức” của lực lượng Hồi giáo cực đoan và khủng bố. Điều này buộc Mỹ phải thay đổi để phù hợp với thực tế mới ở Trung Đông theo hướng “mềm hoá” các chính sách đối với lực lượng Hồi giáo.

Thứ tư, thúc đẩy giải quyết vấn đề Li-bi nhằm định hình lại chiến lược của Mỹ ở Bắc Phi và các khu vực xung quanh. Mỹ sẽ tận dụng triệt để cơ hội thay đổi chế độ ở Li-bi nhằm biến nước này thành một trụ cột chiến lược ở châu Phi trong tương lai của Mỹ. Mỹ sẽ vận dụng chiến lược dựa vào LHQ, NATO và các cơ chế đa phương khác như: Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức khu vực quan trọng như: Liên đoàn Ả-rập, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và Liên minh châu Phi để đóng vai trò lớn hơn trong giải quyết vấn đề Li-bi hậu Ga-đa-phi.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực