(ĐCSVN) - Mới đây, Viện nghiên cứu chiến lược phát triển quốc gia Thái Lan đã cảnh báo một số nguy cơ mà Chính phủ Thái Lan sẽ phải đối mặt trong năm 2011 trên ba lĩnh vực kinh tế, chính trị và quốc phòng - an ninh.
Về kinh tế: Trong hơn 2 năm cầm quyền của Thủ tướng A-bị-xịt, mặc dù Chính phủ cho rằng “kinh tế Thái Lan đã dần phục hồi” và tăng trưởng từ đầu năm 2009, nhưng đây là một nền “kinh tế bong bóng” vì: Khủng hoảng chính trị vẫn tác động mạnh mẽ và làm trì trệ nền kinh tế; Chính phủ thực hiện chính sách đối phó với các đối thủ nhiều hơn cứu vãn nền kinh tế đã làm cho hy vọng phục hồi kinh tế đất nước càng trở nên khó khăn nên không dễ có bước đột biến; Mặt khác, “Kế hoạch nước Thái vững mạnh” với hơn 20.000 dự án khác nhau đã buộc Chính phủ phải vay số tiền rất lớn từ nước ngoài (hơn 800 tỷ Bạt, tương đương 25 tỷ USD). Vì, Chính phủ do chưa nắm chắc và tính toán kỹ đến quy luật tài chính - tiền tệ. Thực chất, đây là chính sách kiểu vay để phân phối, cấp phát giải quyền cho qua sự việc mà không tính đến tác động tiêu cực của nó. Do đó, kể từ năm 2011, Chính phủ sẽ phải chi trả khoản lãi suất khổng lồ từ số tiền này - đây là việc chưa có tiền lệ.
Ảnh hưởng của cơ chế quyền lực can dự đến những quyết định của Toà án tối cao đã làm nhiều dự án lớn không thể giải ngân kể từ năm 2009 đến nay vẫn tồn đọng, hậu quả của nó sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hết năm 2011 và có thể còn kéo dài đối với nền kinh tế Thái Lan.
Khủng hoảng chính trị, kinh tế thế giới luôn có những bất ngờ, lan rộng, kéo dài ra toàn bộ thế giới Ả - rập khiến Thái Lan phải tiếp nhận lại toàn bộ số lao động trở về nước. Khủng hoảng chính trị ở Bắc Phi, Trung Đông đã ảnh hưởng mạnh đến vấn đề an ninh năng lượng toàn cầu vì loại nguyên liệu xương sống này vẫn do thế giới tư bản dầu mỏ Ả-rập độc quyến chi phối... là những yếu tố tác động không nhỏ đến kinh tế Thái Lan năm 2011 và những năm tới.
Về chính trị nội bộ: Sau một loạt cuộc biểu tình của nhiều mặt trận, dư luận về một âm mưu đảo chính tái diễn, mâu thuẫn chính trị giữa các đảng phái và các thế lực ngầm rất khó dự đoán sẽ tiếp tục khiến bầu chính trị nội bộ Thái Lan bất ổn kéo dài.
Về quốc phòng – an ninh: Quan hệ Thái Lan - Cam-pu-chia với những mâu thuẫn đã tồn đọng từ năm 2007, từ vụ tranh chấp nhỏ lẻ về biên giới trên bộ đến mâu thuẫn chủ quyền khu vực đền Prếch Vi-hia và khu vực biển chồng lấn luôn là vấn đề gây ra các cuộc khẩu chiến và trả đũa ngoại giao. Những mâu thuẫn này sẽ còn kéo dài do một số chính sách đối ngoại “khó hiểu” dẫn đến đỉnh điểm xung đối vũ trang luôn là nguy cơ tiềm ẩn bất ngờ, rất khó giải quyết dứt điểm. Năm 2011, quan hệ Thái Lan – Cam-pu-chia sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp nếu chính sách đối ngoại của Thái Lan đối với Campuchia không thay đổi.
Những diễn biến căng thẳng ở miền Nam Thái Lan gần đây cho thấy, Chính phủ Thái Lan không kiểm soát được tình hình ở khu vực này, có xu hướng lan rộng, trở thành tâm điểm quan tâm của quốc tế và sẽ tiếp tục tác động mạnh đến Thái Lan trong năm 2011, có thể kéo dài sang những năm tiếp theo nếu Chính phủ chưa có giải pháp dứt điểm, cụ thể và hiệu quả đối với vấn đề trên.