Một mùa Hè "giận dữ" và "nổi loạn" đang diễn ra trên khắp lục địa già, với liên tiếp những sự kiện "động trời" tại một vài nước Tây Âu, khi gánh nặng nợ công vẫn còn đè nặng lên khu vực này.
|
Cảnh sát chống xung đột Anh phong tỏa khu vực Croydon ở phía nam London ngày 9/8. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Điển hình là vụ tấn công khủng bố đẫm máu hồi tháng Bảy ở Na Uy khiến hơn 90 người thiệt mạng và vụ bạo loạn được xem là tồi tệ nhất ở nước Anh trong vài thập niên qua, cướp đi mạng sống của 5 người.
Những gì đã và đang diễn ra không khỏi khiến người ta lo ngại rằng có quá nhiều dấu hiệu "bất ổn" đang tiềm ẩn và luôn sẵn sàng "phát nổ" ở Tây Âu - nơi vẫn được xem là khu vực tương đối ổn định và kinh tế phát triển.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tác động kép từ cuộc khủng hoảng nợ công được xem là tác nhân dẫn tới bất ổn xã hội ở nhiều nước châu Âu.
Sự thất bại của chủ nghĩa tự do
Mặc dù đợt bạo động ở Anh bắt nguồn từ vụ cảnh sát bắn chết một nam thanh niên, song dư luận Anh cho rằng, cái chết của người này đơn thuần chỉ là mồi lửa thổi bùng cơn thịnh nộ vốn đang âm ỉ trong xã hội Anh, kể từ khi chính phủ thực hiện hàng loạt các biện pháp cắt giảm ngân sách.
Có thể thấy biện pháp này đang làm trầm trọng hơn vấn đề phân hóa xã hội do cắt giảm thu nhập, đặc biệt là đối với các tầng lớp dưới. Do vậy, đại đa số người Anh coi chính sách của chính phủ hiện nay là "bắt người nghèo trả giá cho sai lầm của người giàu."
Biện pháp thắt lưng buộc bụng mà nhiều nước phương Tây đang áp dụng là giọt nước "làm tràn ly bất mãn," dẫn tới các cuộc biểu tình “giận dữ” ở Hy Lạp hay những cuộc tuần hành "phẫn nộ" ở Tây Ban Nha...
Những người biểu tình đổ ra đường phố vì cho rằng hệ thống chính quyền không đáp ứng được nguyện vọng của họ mà chỉ phục vụ lợi ích của những nhóm đặc quyền đặc lợi, trong khi người dân lại phải è cổ dưới gánh nặng thắt lưng buộc bụng.
Và hàng triệu người châu Âu nhận ra một sự thật rằng thể chế chính trị-kinh tế-xã hội hiện tại không đem lại cho họ một tương lai tốt đẹp. Đặc biệt, cuộc sống khó khăn tác động mạnh tới tầng lớp thanh niên, nhiều người không có việc làm, không có tương lai. Tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ cao thường kéo theo nhiều vấn đề như tỷ lệ tội phạm gia tăng.
Bùng nổ xã hội đang lan truyền tại Anh và một số nước châu Âu cũng có thể coi là minh chứng cho sự thất bại của chủ nghĩa tự do. Nó gióng lên hồi chuông cảnh báo cho nước Anh và nhiều nước đa chủng tộc ở phương Tây rằng vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng và khoảng cách giàu-nghèo không ngừng tăng. "Xứ sở sương mù" hiện bị coi là một trong những nước bất bình đẳng nhất trong số các nước phát triển, nơi mà 10% những người giàu nhất giàu gấp 100 lần so với 10% những người nghèo nhất.
Nhưng bạo động bùng phát không chỉ đơn thuần là hậu quả của những khó khăn về kinh tế hay bất ổn xã hội. Không thể không nói tới mặt trái trong xã hội văn minh phương Tây khi mà lối sống tự do cá nhân nhiều khi dẫn tới sự vô tổ chức và con người trong xã hội công nghiệp lấy hưởng thụ vật chất làm động lực. Một bộ phận không nhỏ thanh-thiếu niên phương Tây tôn sùng lối sống thực dụng, hưởng thụ thái quá, sùng bái vật chất, cá nhân, vị kỷ, ăn chơi xa hoa, lãng phí, thích phá phách,...
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Anh David Cameron phải thừa nhận tình trạng thiếu các chuẩn mực đạo đức, thiếu hụt một nền tảng gia đình vững chắc, rạn nứt các rường cột xã hội là một trong những nguyên nhân khiến xã hội Anh rơi vào bất ổn.
Phải chăng lối sống vị kỷ, xu hướng tôn sùng vật chất mù quáng, những suy nghĩ lệch lạc, ảo tưởng, điên cuồng, tâm lý thích bạo lực đã dẫn thủ phạm vụ thảm sát ở Na Uy tới hành động giết người dã man mà y gọi là "thay đổi xã hội?"
Và của cả chủ nghĩa đa văn hóa
Bi kịch ở Na Uy và bạo động ở Anh còn làm dấy lên cuộc tranh luận lớn ở châu Âu về vấn đề nhập cư, vẫn là nỗi nhức nhối chưa thể giải tỏa ở nhiều nước phương Tây. Các nhà lãnh đạo Đức, Anh, Pháp đã phải thừa nhận rằng chủ nghĩa đa văn hóa ở phương Tây đã thất bại.
Cũng giống như tại Pháp, các vụ bạo lực tràn khắp nước Anh cho thấy sự thất vọng và phẫn nộ của cộng đồng người nhập cư cảm thấy bị gạt ra ngoài và sống bên lề xã hội.
Có thể nói bạo động ở Anh hay thảm sát ở Na Uy là hệ quả tổng hợp của nhiều vấn đề phức tạp, như tuyệt vọng về kinh tế, căng thẳng về xã hội, cuộc sống bấp bênh, nạn thất nghiệp, phân biệt chủng tộc… Trên thực tế, bạo động không bùng phát đột ngột tại Anh mà đã có những dấu hiệu "báo bão."
Việc giải quyết triệt để những vấn đề xã hội, cộng đồng và kinh tế vẫn là thách thức dài hạn đối với Chính phủ Anh nói riêng và nhiều chính phủ phương Tây nói chung, khi vừa phải đối phó với nợ công, vừa phải xoa dịu phản ứng tức giận trong dân chúng và hàn gắn rạn nứt xã hội, trong đó việc khôi phục lòng tin của công chúng đóng vai trò quan trọng. Bế tắc chính là ở chỗ nhiều chính phủ phương Tây đang khủng hoảng chính sách khi chưa tìm ra hướng giải quyết những vấn đề này.
Vụ bạo động là chuyện riêng của nước Anh, song khoảng cách giàu nghèo gia tăng lại là vấn đề chung ở khắp châu Âu. Các chương trình "thắt lưng buộc bụng" càng khiến cuộc sống của tầng lớp trung lưu và lao động gặp nhiều khó khăn. Những mâu thuẫn, bất mãn còn hiện hữu trong lòng xã hội phương Tây vẫn tích tụ và không ai dám đảm bảo rằng "quả bom hẹn giờ" này sẽ không bùng nổ khi có cơ hội. Do vậy, bạo động có thể vượt qua biên giới nước Anh lan sang các nước châu Âu khác.
Báo Tấm gương (Đức) đã cảnh báo rằng "châu Âu có thể sẽ phải đối mặt với một mùa Thu bùng nổ, một cuộc khủng hoảng của nền dân chủ châu Âu.” Sau một mùa Hè "nổi loạn" và "giận dữ," những gì đang chờ đợi châu Âu ở phía trước thật khó đoán định./.