(ĐCSVN) - Ngày 5/10/2011, Hãng ITAR- TASS của Nga đưa tin, các nước đang phát triển là những nước mua nhiều vũ khí nhất với 30,7 tỷ USD trong năm 2010, chiếm hơn 75% tổng số vũ khí mua của thế giới (năm 2009 là 49,8 tỷ USD). Ấn Độ là nước mua nhiều vũ khí nhất với 5,8 tỷ USD. Tư lệnh Không quân ấn Độ, Nguyên soái A-nin Ku-ma cho biết, thời gian tới, Không quân nước này sẽ tiếp nhận không dưới 214 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
Theo Hãng này, trong năm 2010, doanh thu của thị trường vũ khí trên thế giới đạt 40,4 tỷ USD, giảm 38% so với mức 65,2 tỷ USD năm 2009.
Một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng này là cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu: Doanh thu bán vũ khí của Mỹ năm 2010 đạt 21,3 tỷ USD so với mức 22,6 tỷ USD của năm 2009; con số tương tự của Nga lần lượt là 7,8 tỷ USD và 12,8 tỷ USD. Trong khi đó, tổng doanh thu tương tự của bốn nước Tây Âu gồm Pháp, Anh, Đức và I-ta-li-a cũng lần lượt là 11,4 tỷ USD và 26,2 tỷ USD.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng dự định chi 1,3 tỷ Yên khoảng 168 triệu USD) trong ngân sách bổ sung của tài khóa 2011 để mua máy bay không người lái và rô-bốt nhằm tăng cường khả năng đối phó với thiên tai và các tình huống khẩn cấp về an ninh của Lực lượng Phòng vệ (SDF).
Trong diễn biến có liên quan, Đô đốc Xu-ra-sắc Run-rô-eng-rôm, tân Tư lệnh Hải quân Thái Lan nói, ông sẽ tiếp tục sứ mệnh cửa Tư lệnh nhiệm kỳ trước, tìm cách thành lập hạm đội tàu ngầm. Ông cho biết, việc thành lập hạm đội tàu ngầm để bảo vệ lãnh hải cũng như duy trì cân bằng chiến lược trong khu vực là lý tưởng đối với Hải quân Thái Lan. Băng-cốc đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Đức gia hạn việc mua 6 tàu ngầm U206A của Đức để tiện cho Chính phủ Thái Lan xem xét, vì trước đây Nhà Vua Thái Lan từng khuyên Quân đội nước này không cần trang bị tàu ngầm.
Ngày 3/10/2011 vừa qua, Chính phủ Niu Di-lân công bố Kế hoạch hiện đại hóa quốc phòng, tập trung vào tăng cường trang bị và huấn luyện cho Quân đội nước này trong thập kỷ tới. Bộ trưởng Quốc phòng Uây-nê Máp cho biết, kế hoạch xây dựng năng lực quốc phòng bao gồm nâng cấp hoặc thay thế các máy bay lên thẳng Seasprite, xây dựng cơ sở huấn luyện chiến đấu cho lực lượng đặc nhiệm, nâng cao năng lực vận tải trên bộ. Kế hoạch này sẽ là kim chỉ nam cho các quyết định về cơ cấu tổ chức các đơn vị ở tiền tiêu, cũng như trang bị và khả năng của các đơn vị này. Việc xây dựng kế hoạch đã tính đến điều kiện kinh tế, các nguồn lực và các phương hướng ưu tiên quốc phòng.
Kế hoạch trên cũng bao gồm một dự án quan trọng là nâng cao năng lực huấn luyện phi công, trong đó có mua sắm máy bay huấn luyện tiên tiến để thay thế các máy bay King Air B200 của Không quân Niu Di-lân. Ngoài ra, Niu Di-lân cũng thiết lập các hệ thống mạng máy tính để phối hợp giữa các quân binh chủng, cũng như tham gia các chiến dịch đa quốc gia.