(ĐCSVN) - “Mùa xuân Ả-rập” theo cách gọi của Mỹ và phương Tây về một làn sóng dân chủ mà họ đã cổ súy diễn ra từ tháng hai năm 2011 đến nay, lại rất ảm đạm, nặng mùi khói súng, bom, đạn, điêu tàn, đau thương và chết chóc.
Cái gọi là “mùa xuân Ả-rập” được lực lượng đối lập của một số nước vùng Ả-rập và Bắc Phi, có sự thao túng, hà hơi tiếp sức của lực lượng bên ngoài được tiến hành từ tháng 2 năm 2011 đến nay. Khởi đầu là một cuộc biểu tình lớn của hàng chục nghìn người diễn ra tại thủ đô Ai Cập. Liên tiếp sau đó là các cuộc biểu tình đòi lật đổ chính phủ đương thời ở các quốc gia: Syria, Yemen, Tuynidi, Libya... Cuộc nổi dậy của lực lượng đối lập ở Libya, một đất nước chỉ có hơn sáu triệu dân, nhưng tài nguyên dầu mỏ lại đứng vào hàng thứ 2 ở Châu Phi và xếp thứ 12 trên thế giới là dấu ấn đáng buồn của "mùa xuân Ả -rập".
|
Trẻ em và bóng ma chiến tranh tại Libya (Ảnh: AFP) |
Trước những diễn biến hết sức phức tạp và bất ổn ở các quốc gia vùng Ả-rập và Bắc Phi, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã có một số cuộc họp thảo luận và đặc biệt tháng 3/2011, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 1973 thiết lập vùng cấm bay ở Libya. Ngay sau khi nghị quyết này được thông qua, dư luận quốc tế đã cảnh báo việc lợi dụng Nghị quyết của Liên hợp quốc để thực hiện ý đồ riêng của một số nước. Thực tế diễn biến hơn bảy tháng qua phản ánh đúng những lo ngại này. Gắn mác “bảo vệ dân thường”, “lập vùng cấm bay”, NATO và Mỹ đã oanh tạc không giới hạn những mục tiêu quân sự và dân sự. Giới quan sát cho rằng: “Không thể coi các hành động trên là sứ mệnh nhân đạo” khi mà các loại máy bay, tên lửa, tàu chiến vào loại hiện đại nhất của Mỹ và NATO đã bắn phá bừa bãi xuống các làng mạc, đường phố của Libya làm hàng nghìn người bị thiệt mạng; hàng chục nghìn người bị thương; hàng trăm nghìn người mất nhà cửa phải đi tha phương cầu thực.
“Mùa xuân Ả-rập” diễn ra được gần mười tháng và đến nay, cuộc chiến ở Libya đã bước vào giai đoạn kết thúc. Ông Gaddafi bị giết chết và thể chế của ông cũng bị sụp đổ. Lực lượng đối lập ở nước này đã tuyên bố Libya được “giải phóng”. Tuy nhiên, tại một số quốc gia khác ở vùng Ả-rập và Bắc Phi, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội vẫn đang trong tình trạng hết sức bất ổn.
Những gì diễn ra của “mùa xuân Ả-rập” từ tháng 2 đến nay và sự kiện lần thứ 20 liên tiếp, Đại hội đồng LHQ với 186 phiếu thuận, hai phiếu chống và ba phiếu trắng chỉ trích Mỹ cấm vận Cu-ba; đồng thời, một lần nữa yêu cầu Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận áp đặt nửa thế kỷ qua với nước này cho thấy, loài người phải tỉnh táo, không thể mơ hồ trước sự giả nhân, giả nghĩa của những thế lực hiếu chiến!
Cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, loài người chứng kiến một xu thế hợp tác trong các mối quan hệ và bang giao quốc tế. Đó là điều không thể phủ nhận, là dấu hiệu thật đáng khích lệ. Nhưng thật bất ngờ, từ các cuộc xung đột sắc tộc tôn giáo rồi các cuộc chiếm đoạt tài nguyên vẫn diễn ra ở nơi này, nơi khác trên trái đất mà không khí hòa bình chưa xua tan nổi khói lửa của cuộc chiến tranh vừa nóng, vừa lạnh. Cuộc “không chiến” của Mỹ và 28 nước trong khối Bắc Đại Tây Dương sử dụng một lực lượng vượt trội về binh khí, kỹ thuật vào loại hiện đại nhất để tấn công vào một quốc gia có chủ quyền, xét về mọi mặt đều không thể chấp nhận được, nhất là khi hành động can thiệp này núp bóng Nghị quyết của LHQ.
“Mùa xuân Ả-rập” và mấy cuộc chiến tranh diễn ra trước đó như: Vùng vịnh 1991, Nam Tư, I-rắc, Áp-ga-nix-tan... làm cho những người có lương tri, có tư tưởng tiến bộ phải suy nghĩ. Những gì đang diễn ra trong “mùa xuân Ả-rập” và thực tiễn của những cuộc chiến tranh trước đó nhắc nhở chúng ta không thể mất cảnh giác. Mỗi chúng ta đều ý thức được rằng, con đường đi đến hòa bình đích thực và cuộc sống phồn vinh của toàn nhân loại sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn đấu tranh của lịch sử, bài học cảnh giác và khả năng sáng tạo của con người sẽ đưa nhân loại tiến về phía trước mà không một thế lực nào có thể ngăn trở được./.