Mỹ cô lập Cuba không thành công

Thứ năm, 25/12/2014 17:56

(ĐCSVN) - Tái lập quan hệ ngoại giao với Cuba được coi là sự kiện lớn trong chính sách ngoại giao của Mỹ trong năm 2014. Tuy nhiên, nhìn từ chính sách đối nội của Mỹ hiện nay thì đây lại được coi là bước đi tạo sự khác biệt giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.

 .

 Tái lập quan hệ giữa Mỹ và Cuba là một trong những sự kiện nổi bật trong năm 2014
(Ảnh AP)


Năm 2014 sắp qua với những sự kiện “buồn lớn nhiều hơn vui nhỏ”. Từ “khủng hoảng Ukraine” qua “Nhà nước Hồi giáo” với những vụ tàn sát đẫm máu đến dịch Ebola khủng khiếp ở châu Phi, nhưng trong những ngày cuối năm lại lóe lên tia sáng bất ngờ của sự hòa dịu. Hơn nửa thế kỷ qua, mối quan hệ băng giá giữa Cuba và Mỹ, bắt đầu từ sự kiện Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1960 và cuộc bao vây cấm vận kéo dài đối với Cuba, tạo nên bước tường thù địch giữa hai quốc gia ở Tây bán cầu, giờ đây đang ấm dần. Ngày 17/12/2014 trở thành mốc lịch sử mới trong quan hệ Mỹ - Cuba. Trên truyền hình ở cả hai nước và hầu như trong cùng một thời điểm, Tổng thống Mỹ Barak Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro cùng thông báo với toàn thế giới về những bước đi, tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, trong đó, có việc mở đại sứ quán của nhau ở mỗi nước. Tổng thống Mỹ thừa nhận, “rõ ràng những thập kỷ Mỹ cô lập Cuba không thành công trong việc tạo ra những thay đổi đối với đất nước Cuba”.

Tin tức về việc tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba lập tức trở thành sự kiện hàng đầu, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Các hãng truyền thông trên thế giới nhất loạt đưa tin với hàng tít lớn về “sự kiện thế kỷ này” và đánh giá tầm quan trọng của sự kiện này, không chỉ đối với quan hệ giữa hai nước mà còn có ý nghĩa lớn đối với nền chính trị thế giới.

Tuy nhiên, sẽ là quá sớm để lạc quan về sự cải thiện nhanh chóng mối quan hệ này. Vấn đề ở chỗ là, đi liền với việc bình thường hóa quan hệ với Cuba, phía Mỹ phải dỡ bỏ lệnh cấm vận, phong tỏa Cuba, vốn đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế trong hàng thập kỷ qua, nhưng lại được các nghị sĩ của đảng Cộng hòa (phe chiếm đa số trong Quốc hội Mỹ hiện nay) ủng hộ. Chính những lực lượng này là rào cản đáng kể để chính quyền của Tổng thống B. Obama hiện thực hóa điểm đột phá này trong chính sách đối ngoại với Cuba. Mặc dù vậy, tuyên bố về “một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước đã bắt đầu” vẫn được đánh giá là dấu hiệu tích cực, phù hợp với xu thế hòa giải hiện này trên thế giới.

Chính sách bao vây cấm vận đã dần dần trở lên lỗi thời trong quan hệ quốc tế, vì ngày càng mang lại nhiều hệ lụy phản tác dụng hơn là đạt được những mục tiêu chính trị nào đó. Chính Tổng thống B. Obama đã thừa nhận rằng, việc duy trì một chính sách thù địch với Cuba suốt từ thời kỳ Chiến tranh lạnh đến nay là một điều vô lý, nhất là khi đối thủ chính của Mỹ là Liên Xô đã tan rã từ hơn hai thập kỷ nay. Trong khi đó, Mỹ đã thiết lập quan hệ đậm đà với các quốc gia hậu Xô viết, với Trung Quốc. Trong khi chủ nghĩa khủng bố và tư tưởng Hồi giáo cực đoan đang nổi lên như một kẻ thù tiềm tàng, thì việc thêm bạn bớt thù đối với Mỹ trong lúc này cần được coi trọng. Việc duy trì, cấm vận, bao vây Cuba là một sai lầm và không phải là một quyết định hợp lý trong khi toàn bộ cộng đồng quốc tế đã thiết lập, duy trì quan hệ bình thường với Hòn đảo Tự do.

Tái lập quan hệ ngoại giao với Cuba, Mỹ muốn khẳng định “sức mạnh mềm” của Washington không hề suy giảm, mà trái lại, trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi thì nỗ lực ngoại giao nhằm mở cửa thương mại toàn cầu thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thai Bình Dương (TTP), cũng như những tiến bộ (hy vọng đạt được) trong đàm phán hạt nhân của Iran càng khẳng định sức mạnh đó. Với những chính sách thương mại và ngoại giao “uyển chuyển”, Mỹ đang muốn thể hiện các ý đồ chiến lược và những ưu tiên chính trị trong thời gian tới.

Cuba từ lâu đã tái hòa nhập vào các sinh hoạt chính trị, kinh tế quốc tế, nhất là nhiều quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba. Uy tín, vị thế của Cuba tại một số diễn đàn quốc tế và khu vực được khẳng định. Các nước Mỹ Latinh đã lập ra các cơ cấu song phương với Tổ chức các quốc gia châu Mỹ mà dưới sức ép của Mỹ, Cuba đã bị khai trừ cho đến năm 2009, trước khi các nước thành viên chấp nhận quyền tái hòa nhập của Cuba. Trong những năm 1990 của thế kỷ trước, Cuba giữ vai trò tiên phong trong việc giải quyết và làm dịu các cuộc xung đột ở Trung Mỹ - hệ quả khắc nghiệt của Chiến tranh lạnh. Cùng với Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) và nhiều diễn đàn quốc tế khác, Mỹ đã công khai thừa nhận đóng góp trên của Cuba.

Dư luận Mỹ Latinh cho rằng, việc bình thường hóa quan hệ với Cuba sẽ giúp Tổng thống Mỹ B. Obama thoát khỏi sự bế tắc ngoại giao sắp tới. Vào năm 2015, Panama – đồng minh trung thành của Mỹ - sẽ đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ. Cuba, với tư cách một quốc gia châu Mỹ đã được nước chủ nhà Panama gửi lời mời chính thức. Nhờ bình thường hóa quan hệ với Cuba trước khi Hội nghị này diễn ra mà Tổng thống Mỹ không phải đối mặt với hai sự lựa chọn, hoặc là tẩy chay Hội nghị vì sự có mặt của Cuba, hoặc sẽ mạo hiểm gặp nhà lãnh đạo cao nhất của Cuba Raul Castro. Ở lựa chọn tẩy chay, Mỹ sẽ phải đối mặt với khó khăn trong quan hệ ngoại giao và “giải thích” với nước chủ nhà. Thêm vào đó, các nước tham gia Hội nghị sẽ nhìn nhận, đánh giá Mỹ như thế nào khi đứng ngoài các cuộc thảo luận về tình hình châu lục. Ở lựa chọn thứ hai – gặp gỡ Chủ tịch Raul Castro khi chưa khôi phục quan hệ ngoại giao liệu có bị coi là “hành động mạo hiểm?”. Thế nhưng, mọi sự đã trở nên đơn giản hơn nhiều sau sự kiện cùng nhau tuyên bố về việc bình thường hóa quan hệ giữa hai bên hôm 17/12. Tổng thống B. Obama sẽ đến tham dự hội nghị và sẽ có các cuộc tiếp xúc với nhà lãnh đạo Cuba, mà không phải bận tâm đến hai sự lựa chọn “khó khăn” nêu trên. Trái lại, cả hai việc này, chắc chắn sẽ được đánh giá cao.

Nhìn lại quá khứ, trước khi những tuyên bố về việc tái lập quan hệ Cuba – Mỹ, một điều dễ dàng nhận thấy là, Cuba luôn tỏ rõ sự sẵn sàng cải thiện quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, trong khi đón chào quyết định của Tổng thống B. Obama, vẫn còn đó câu hỏi: “Tại sao quyết định đó không được đưa ra sớm hơn mà lại đúng vào thời điểm này?”.

Câu hỏi này có thể trả lời bằng chính những sự kiện chính trị diễn ra ở nước Mỹ trong thời gian gần đây. Nếu xét trên góc độ này thì quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba xuất phát từ nhiều yếu tố đối nội hơn là đối ngoại. Quy mô chính sách đối nội của chính quyền Tổng thống B. Obama đã thay đổi khi mà đảng Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Thất bại này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, diễn ra trong năm 2016. Vấn đề của Tổng thống B. Obama là lấy lại hình ảnh của đảng Dân chủ trong mắt cử tri Mỹ. Người dân Mỹ có thể dễ dàng nhận thấy những nỗ lực của ông B. Obama trong việc xử lý nhiều vấn đề nhạy cảm đang nảy sinh trong lòng nước Mỹ như: Cải cách chính sách nhập cư; lên án thái độ của cảnh sát các thành phố đối với công dân gốc Phi... Những động thái đó vừa để làm dịu tình hình, nhưng cũng là những điểm nhấn để khẳng định sự khác biệt giữa cung cách điều hành đất nước của đảng Dân chủ so với đảng Cộng hòa.

Quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba là câu trả lời “cao tay” đối với đảng Cộng hòa và là một trong những bước đi đầu tiên, căn bản, tạo dấu ấn cho chiến dịch vận động bầu cử Tổng thống năm 2016 cho đảng Dân chủ của Tổng thống B. Obama./.

                                                                                                                                        Vũ Cân

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực