Mỹ: Lặng lẽ một kế hoạch Syria hậu Bashar al-Assad

Thứ hai, 26/09/2011 22:38

Với dự báo Tổng thống Syria Bashar al-Assad sớm muộn cũng sẽ phải từ bỏ quyền lực, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama trên thực tế đã bắt đầu lặng lẽ triển khai các kế hoạch cho Nhà Trắng đối với Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung sau khi ông Bashar al-Assad rời ghế tổng thống.
 
Tờ New York Times đưa tin, cùng với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đã và đang nghiên cứu, đánh giá khả năng tại Syria với khoảng 23 triệu dân thời hậu Bashar sẽ xảy ra cuộc nội chiến giữa bốn giáo phái kình địch nhau gồm giáo phái Alawite sống tập trung ở khu vực đồng bằng miền trung, được coi là phái Hồi giáo dòng Shiít, giáo phái Druse, Thiên chúa giáo và phái Hồi giáo dòng Sunni. Cuộc nội chiến này, nếu xảy ra, có nguy cơ làm bùng phát tình trạng căng thẳng hơn trong toàn bộ khu vực vốn thường bất ổn này.
 
Các quan chức Nhà Trắng cho biết Syria là một chủ đề quan trọng được thảo luận khi Tổng thống Obama gặp Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề khóa họp lần thứ 66 Đại hội đồng Liên hợp quốc
 
Theo đánh giá của một quan chức cấp cao Nhà Trắng, với việc lần lượt bị Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Xêút và các nước Liên minh Châu Âu (EU) bỏ rơi, Tổng thống Bashar giờ đây ngày càng bị cô lập, nhất là trong hoàn cảnh lực lượng quân đội của ông ta gần như đã bị vắt kiệt sức bởi các cuộc đàn áp kéo dài.
 
Một quan chức khác của Nhà Trắng cho hay, với 90% nguồn xuất khẩu dầu lửa của Syria là vào thị trường Châu Âu, mà giờ đây đã đóng cửa, kinh tế Syria có khả năng sẽ bị khánh kiệt và nó sẽ gia tăng áp lực đối với ông Bashar.
 
Ông Ray Takeyh,chuyên gia về Trung Đông thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại, cho biết ngoài Iran, Syria hiện chỉ còn vài ba đồng minh. Cũng như trong vấn đề Libi, Trung Quốc rồi cũng phải đi theo một thực tế là sự phát triển kinh tế của họ phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ với Mỹ và Châu Âu hơn là sự tồn tại của ông Bashar Assad ở Syria.
 
Trọng tâm thảo luận trong nội bộ chính quyền Obama giờ đây đã chuyển hẳn từ việc có nên kêu gọi ông từ chức sang việc làm thế nào để góp phần lật đổ ông ta và Mỹ phải làm gì sau khi ông ta bị lật đổ. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng ông Bashar càng cố bám giữ quyền lực lâu thì bạo lực sẽ gia tăng và bạo lực sẽ không thể giúp gì được ông ta cả./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực