Mỹ sẽ buộc phải rời khỏi tổ chức này do luật pháp của Mỹ quy định không đóng góp kinh phí cho các tổ chức của LHQ nếu có Palestine là thành viên
Trong khi đơn của Palestine đề nghị Liên Hợp Quốc (LHQ) công nhận là Nhà nước độc lập đang bị đình trệ do Mỹ khẳng định sẽ dùng quyền phủ quyết, các cuộc đàm phán về tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn chưa được khởi động lại… Palestine hiện đang tìm một con đường khác nhằm nâng cấp vị thế quốc tế của mình tại các tổ chức quốc tế. Việc làm này của Palestine một lần nữa tiếp tục gây ra mối lo ngại cho các quan chức chính quyền Mỹ.
|
Tổng thống Palestine với lá đơn đề nghị LHQ công nhân Palestine là Nhà nước độc lập (Ảnh: Reuters) |
Ngoài việc đe dọa dùng quyền phủ quyết nếu vấn đề Nhà nước Palestine độc lập với đường biên giới trước năm 1967 được đưa ra bỏ phiếu, Mỹ cũng phản đối việc Palestine nộp đơn xin trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức UNESCO. Tuy nhiên, trong một diễn biến mới đây, Ban Giám đốc điều hành của UNESCO đã chấp nhận đơn của Palestine xin làm thành viên và đồng ý đưa vấn đề đó ra bỏ phiếu tại Đại hội đồng vào cuối tháng 10 này.
Nếu Palestine được chấp nhận là thành viên của UNESCO, Mỹ sẽ gặp phải nhiều rắc rối bởi luật pháp của Mỹ quy định, Mỹ sẽ ngừng đóng góp kinh phí cho bất kỳ một cơ quan của LHQ nào nếu cơ quan đó chấp nhận Palestine là thành viên đầy đủ. Do vậy, Mỹ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ngừng đóng góp kinh phí cả bắt buộc lẫn tự nguyện cho UNESCO, điều đó cũng đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ mất tư cách thành viên trong tổ chức này.
Ông Peter Yeo, Giám đốc Quỹ Chiến dịch vì một thế giới tốt đẹp hơn nhận định: “Nếu Mỹ không đóng góp kinh phí cho các cơ quan của LHQ, trong đó có UNESCO dẫn đến việc Mỹ sẽ mất tư cách thành viên trong tổ chức này và sẽ mất luôn quyền bỏ phiếu tại UNESCO. Trừ khi, Mỹ tìm được giải pháp ngoại giao cho vấn đề đó, hoặc phải có sự linh hoạt trong luật pháp của Mỹ. Nếu không, Mỹ sẽ rơi vào tình trạng buộc phải ra khỏi các tổ chức quan trọng của LHQ mà các tổ chức đó phục vụ nhiều cho lợi của Mỹ.
Trường hợp Palestine được công nhận là thành viên đầy đủ của UNESCO cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ mặc nhiên được công nhận là thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới. Palestine cũng có thể nộp đơn xin là thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và các tổ chức quốc tế khác của LHQ.
Ông Mansour Riad, đặc phái viên của Palestine tại LHQ cho rằng: Vấn đề Nhà nước Palestine phải được giải quyết trong hệ thống LHQ, UNESCO là một nơi mà Palestine có thể có được một vị trí trong cộng đồng các quốc gia với tư cách là thành viên đầy đủ.
Trong khi đó, ông Maen Areikat, Chủ tịch Hội Giải phóng Palestine tại Washington kêu gọi phía Mỹ hãy tập trung hơn vào chính sách ngoại giao của mình, thay vì chỉ kêu gọi Israel ngừng xây dựng các Khu định cư của người Do Thái tại bờ Tây và dải Gaza - dự án mà theo Palestine chính là vật cản đường đối với tiến trình hòa bình Trung Đông và cũng là lý do chính lý giải vì sao Palestine chưa quay trở lại bàn đàm phán với Israel.
“Trong khi cộng đồng quốc tế đang bị tê liệt và chứng kiến Isarel lấn chiếm đất của chúng tôi, người Palestine sẽ phải làm gì? Trên thực tế tồn tại một số cơ sở mang tính chính trị, hòa bình và hợp pháp có thể áp dụng được để bảo vệ quyền lợi của người dân Palestine”, ông Maen Areikat giải thích lý do Palestine xin gia nhập các tổ chức quốc tế.
Tuy vậy, việc Palestine trở thành thành viên của UNESCO cũng không phải dễ dàng gì khi Tổ chức này phải chịu nhiều sức ép, chẳng hạn như việc Mỹ sẽ ngừng đóng góp tài chính cho tổ chức này. Liệu UNESCO có thực sự mong muốn Palestine trở thành thành viên hay họ vẫn phải quan tâm đến vấn đề kinh phí khi Mỹ là nước đóng góp tới 20% cho ngân sách của UNESCO?
Một ví dụ điển hình khác là Pháp - nước ủng hộ Palestine nâng cấp vị thế của nước này tại Đại hội đồng LHQ hồi tháng 9 vừa qua, nay cũng can ngăn Palestine nộp đơn xin quy chế thành viên của UNESCO.
Giới quan sát chính trị cho rằng, việc Palestine đệ đơn xin làm thành viên của UNESCO khiến các quan chức Mỹ phải lo ngại vì vị thế của Mỹ trong tổ chức này. Tuy nhiên để trở thành thành viên đầy đủ tại các tổ chức quốc tế thuộc LHQ, con đường phía trước của Palestine vẫn còn rất nhiều chông gai./.