Trong bài phát biểu cuối cùng gần đây về chính sách quốc phòng của Mỹ ở vị trí Bộ trưởng Quốc phòng tại trụ sở của NATO ở Brúc-xen, Bỉ, ông Rô-bớt Ghết (Robert Gates) lần đầu tiên đã bày tỏ công khai về một tương lai ảm đạm của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương này, khi nhắc khéo các đồng minh châu Âu về việc “đã xuất hiện các lỗ hổng lớn trong sức mạnh quân sự của NATO và việc này sẽ kéo theo các mâu thuẫn chính trị giữa các thành viên”.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R. Ghết. Ảnh: AP |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng, Mỹ đang bị vắt kiệt trong vai trò lãnh đạo NATO. “Trong khi Mỹ đang thực thi nhiệm vụ bảo đảm an ninh hoàn toàn miễn phí cho cả châu Âu thì các nhà lãnh đạo châu Âu luôn kêu ca về hiệu quả kinh tế để giảm tối đa các khoản chi tiêu quân sự ở nước ngoài như việc tham gia các chương trình không gian và xây dựng hệ thống thông tin tình báo. Họ chủ yếu dựa vào Mỹ”, ông Ghết nói. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn chỉ ra rằng các quốc gia NATO ở châu Âu có tổng cộng khoảng 2 triệu quân thường trực nhưng họ thường chỉ đóng góp tối đa 40 nghìn quân trong các chiến dịch quân sự của NATO. Theo ông Ghết, Mỹ đang lãnh đạo một liên minh với quá nhiều thành viên muốn tham gia miễn phí. Trong 28 thành viên của NATO, chỉ có 5 quốc gia có chi tiêu quốc phòng đạt mức cam kết của NATO là 2% GDP.
Hậu quả trước mắt của những mâu thuẫn này có thể buộc Mỹ phải quay trở lại Li-bi. Đô đốc Mác Xten-hốp (Mark Stanhope), chỉ huy lực lượng Hải quân của Anh, đã cảnh báo rằng, hạn chế ngân sách và quá tải trong việc xoay vòng lực lượng tác chiến sẽ buộc các thành viên NATO đang tham chiến ở Li-bi chỉ có thể lựa chọn triển khai quân hoặc ở Li-bi hoặc ở Áp-ga-ni-xtan. Nếu việc này xảy ra, việc thiếu hụt lực lượng ở một trong hai mặt trận đang nóng bỏng này sẽ buộc Mỹ phải tham chiến.
Ngoài ra, những mâu thuẫn này sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ hợp tác NATO và ảnh hưởng đến chính sách quân sự của Mỹ ở các khu vực nóng khác trên thế giới, gồm Tây Thái Bình Dương, Biển Đông và vịnh Ba Tư. Ví dụ như trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đông, Mỹ đã gửi các thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc rằng, Mỹ có những cam kết an ninh chiến lược với các đối tác trong khu vực này. Oa-sinh-tơn muốn các nước đồng minh trong NATO phải chia sẻ trách nhiệm bằng cách có hành động tương tự và như vậy sẽ tạo ra sức ép đa phương khiến Trung Quốc phải kiềm chế hơn. Tuy nhiên, trên thực tế thì các đồng minh lại im lặng và có vẻ có ít động lực trong vấn đề này.
Nếu nhìn sang khu vực Trung Đông thì tình hình sẽ phức tạp hơn nhiều. Mỹ hiện nay đang đủ khả năng bảo đảm an ninh cho các đồng minh A-rập trước mối đe dọa hạt nhân từ I-ran. Nhưng có lẽ đến một lúc nào đó, Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ sẽ có bài phát biểu kết thúc nhiệm kỳ của mình ở đây với những lời lẽ tương tự ông Ghết, rằng các nước đồng minh A-rập cần phải đóng góp nhiều hơn hoặc là phải tự bảo vệ mình. Nhưng Mỹ không có nhiều lựa chọn cho vấn đề an ninh khu vực này, vì những lợi ích to lớn ở đây khiến Mỹ không thể khoanh tay đứng nhìn một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân sẽ diễn ra giữa các nước trong khu vực, hoặc một quốc gia khác nhảy vào đảm nhiệm vai trò “nhạc trưởng” ở Trung Đông.
Ông Ghết kết thúc bài phát biểu của mình bằng việc gửi thông điệp cảnh báo tới các nhà lãnh đạo châu Âu rằng không loại trừ khả năng Mỹ có thể rút khỏi NATO. Vì thế, theo ông Ghết, các quốc gia châu Âu cần phải có sự quan tâm đầy đủ hơn việc xây dựng hệ thống phòng thủ của mình. Mặc dù hiện tại đây chưa phải là vấn đề lớn, vì chưa có mối đe dọa nào thực sự rõ ràng, nhưng các nước châu Âu cần phải ý thức hơn nữa về việc tự bảo vệ mình và cần phải đưa việc xây dựng hệ thống phòng thủ ở mức độ thích hợp vào các chương trình an ninh quốc gia. Ngoài ra, ông Ghết cũng bóng gió rằng chính sách bảo đảm an ninh của Mỹ ở châu Âu có thể phải được xem xét lại trên cơ sở đánh giá lợi ích và chi phí so với các khu vực khác.
Với bài phát biểu của ông Ghết, có thể thấy Nhà Trắng đã tỏ rõ sự thất vọng về việc hợp tác quân sự trong khuôn khổ NATO nếu Mỹ buộc phải quay trở lại chiến trường Li-bi và đang gây sức ép bằng các tuyên bố về việc có thể sẽ có những thay đổi trong chính sách bảo đảm an ninh của Mỹ ở các khu vực nước ngoài. Mỹ phải chăng đã mệt mỏi với vai trò “anh cả” ở NATO hay đây chỉ là một phương cách để thúc giục các đồng minh châu Âu đưa thêm quân và chi tiền cho chiến dịch quân sự ở Li-bi, nơi Mỹ không muốn tham gia và Áp-ga-ni-xtan, nơi Mỹ đang có kế hoạch rút quân trong mùa hè này?