Mỹ rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan - Cơ hội hay thách thức với Nga?

Thứ tư, 02/11/2011 15:52

Một thập kỷ qua, Nga đã theo dõi từng bước đi của Mỹ trong cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan. Nga lo ngại sự có mặt của Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan sẽ tạo thế đứng vững chắc cho Mỹ tại đây cũng như việc thâm nhập vào Trung Á trở nên dễ dàng hơn. Quan hệ Nga - Mỹ cũng nhiều phen căng thẳng khi Oa-sinh-tơn tìm mọi cách thiết lập các căn cứ quân sự và xây dựng quan hệ với các nước trong phạm vi ảnh hưởng của Nga. Tuy nhiên, khi Mỹ và NATO có kế hoạch rời khỏi Áp-ga-ni-xtan, Nga lại có nguy cơ phải đối mặt với những thách thức an ninh mới.

Tổng thống Áp-ga-ni-xtan, Tổng thống Tuốc-mê-ni-xtan, Tổng thống Pa-ki-xtan và Bộ trưởng Dầu khí Ấn Độ chứng kiến lễ ký thỏa thuận khung về dự án TAPI năm 2010.  (Ảnh: Tân Hoa xã)


Theo kế hoạch, Mỹ sẽ hoàn tất quá trình rút quân tại Áp-ga-ni-xtan vào năm 2014. Việc Mỹ rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan cũng có nghĩa là “chất keo” kết dính quan hệ Nga - Mỹ tại đây cũng sẽ mất đi. Bởi những năm gần đây, vấn đề Áp-ga-ni-xtan đã là lý do quan trọng khiến quan hệ Nga - Mỹ xích lại gần nhau hơn, tiến trình “cài đặt lại” quan hệ Nga - Mỹ vì thế đã thu được những thành quả đáng khích lệ. Nga đã cho phép Mỹ vận chuyển quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ của mình đến Áp-ga-ni-xtan. Nga cũng sẵn sàng giúp Mỹ trong cuộc chiến chống lại khủng bố. Ngược lại, nhờ sự hiện diện quân đội Mỹ và NATO tại Áp-ga-ni-xtan, các phong trào Hồi giáo cực đoan ở biên giới phía Nam của Nga cũng có nguy cơ giảm bớt.

Vì vậy, khi Mỹ và NATO rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan, Nga sẽ phải đối mặt với mối lo ngại về khủng bố, phong trào Hồi giáo cực đoan và đặc biệt là hiểm họa ma túy từ Áp-ga-ni-xtan. Biên giới phía Nam nước Nga có nguy cơ trở nên bất ổn hơn, thậm chí những phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan sẽ thâm nhập vào Nga thông qua việc xuất khẩu lao động từ Trung Á sang Nga.

Tuy sẽ rút quân hoàn toàn khỏi Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014 nhưng chắc chắn Mỹ sẽ tìm mọi cách để duy trì ảnh hưởng tại khu vực mà đối với Nga có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng này. Các “vành đai an ninh” xung quanh Áp-ga-ni-xtan cũng đã và đang được hình thành. Gần đây, giới phân tích cũng đã chú ý đến dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt TAPI được thỏa thuận giữa Tuốc-mê-ni-xtan, Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan và Ấn Độ. Dù không trực tiếp hưởng lợi từ nguồn khí đốt đến từ đường ống TAPI, nhưng Mỹ lại tỏ ra là người rất quan tâm, hỗ trợ cho sự ra đời của dự án này. Đường ống này được coi là một phần của “con đường tơ lụa” hiện đại, đặc biệt là trong bối cảnh khu vực xuất hiện một số trung tâm quyền lực mới, chẳng hạn như sự hồi sinh của nước Nga, sự lớn mạnh như vũ bão của Trung Quốc, sự chuyển mình mạnh mẽ của Ấn Độ.

TAPI không chỉ là một đường ống dẫn khí tiềm năng mà còn là một công cụ dự trữ chiến lược quan trọng để Mỹ đối phó với các bên liên quan tại Áp-ga-ni-xtan. Đối với Mỹ, Áp-ga-ni-xtan có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về mặt địa chiến lược. Nếu dự án TAPI thành công, nó sẽ kết nối các nguồn tài nguyên tại Trung Á với các thị trường ở phía Nam (bao gồm cả dự án đường ống dẫn khí đốt Nabucco) để đưa khí đốt của khu vực Ca-xpi, Trung Đông… tới châu Âu. Mặc dù theo dự kiến, Ấn Độ là điểm cuối của đường ống TAPI, nhưng đường ống này có thể sẽ kéo dài đến cảng Goa-da và sau đó sẽ vươn sang châu Âu.

Mỹ hỗ trợ TAPI cũng là một cách để phá vỡ sự độc quyền của Nga trong việc xuất khẩu năng lượng từ khu vực lòng chảo Ca-xpi ra thế giới. TAPI thành công cũng sẽ là một tuyến đường vận chuyển thay thế cho khí đốt Trung Á, nằm ngoài mạng lưới đường ống dẫn khí đốt của Nga. Có những phân tích khẳng định rằng, TAPI chính là sản phẩm của cuộc chiến Mỹ - Áp-ga-ni-xtan. Dự án này cũng góp phần củng cố sự có mặt về chính trị và quân sự của NATO tại khu vực cao nguyên chiến lược, giám sát cả Nga, I-ran, Ấn Độ, Pa-ki-xtan thậm chí là cả Trung Quốc. TAPI cũng là lý do hoàn hảo để Mỹ và NATO có cớ hợp lý để tiếp tục sự hiện diện về mặt quân sự tại đây.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát lại cho rằng, những nguy cơ đối với Nga sau khi Mỹ rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan đang bị thổi phồng quá mức. Vấn đề là người Nga sẽ làm gì để buộc các bên có liên quan phải chấp nhận các biện pháp an ninh tất yếu của Nga tại Trung Á. Mối đe dọa Hồi giáo cực đoan ở Trung Á có thể là một lý do hợp lý để Nga áp đặt các biện pháp an ninh tại đây. Nga cũng có thể tăng cường hoạt động quân sự tại biên giới khu vực Trung Á sau khi Mỹ rút hết quân khỏi I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, tránh các mối đe dọa leo thang đến biên giới phía Nam của Nga.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực