Mỹ thay đổi chiến lược chống khủng bố

Thứ bảy, 07/01/2012 09:02

(ĐCSVN) - Giới chuyên gia Trung Quốc đánh giá, cái chết của trùm khủng bố Ô-xa-ma Bin-La-đen và tình hình bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi là những yếu tố xác định xu hướng của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu trong năm 2011.

Điều này cũng đòi hỏi những nỗ lực chống khủng bố mới trong kỷ nguyên hậu Bin La-đen. Trong bối cảnh đó, Mỹ được cho đã thay đổi chiến lược chống khủng bố bằng cách chuyển trọng tâm từ chống khủng bố nước ngoài sang truy tìm những nơi tiềm ẩn các mối đe dọa khủng bố.

Cái chết của Bin La-đen được cho là một cú đòn giáng mạnh vào mạng lưới An Kê-đa mặc dù tổ chức này vẫn là mối đe dọa thực sự. Tình hình hiện nay ở Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan được xem là thích hợp cho sự phục hồi của An Kê-đa khi nhóm này liên kết và các nhóm khủng bố khác để biến các khu vực bộ lạc ở hai nước trên thành “thánh địa”. Giới lãnh đạo An Kê-đa đã thích ứng chiến lược với tình hình mới nhằm chĩa vào Mỹ và phương Tây.

Một mặt, mạng lưới An Kê-đa sẽ lợi dụng tình hình bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi để tìm kiếm các nguồn tài trợ mới và phát động các cuộc tiến công nhằm vào phương Tây. Mặt khác, mạng lưới này sẽ tăng cường quan hệ với các tổ chức khủng bố khác ở Trung và Nam Á cũng như trợ giúp các nhóm chiến binh khác, trong đó có phong trào Hồi giáo của U-dơ-bê-ki-xtan nhằm khôi phục chủ nghĩa khủng bố trong khu vực.

Các quốc gia và khu vực như: Y-ê-men, Xô-ma-li và Bắc Phi vốn đang chìm trong tình trạng bất ổn và đang gặp khó khăn bởi sự trì trệ kinh tế, bất ổn xã hội và nghèo đói, là những mảnh đất màu mỡ để An Kê-đa nhân rộng các học thuyết cực đoan. Về phần mình, vốn đang đối mặt cuộc khủng hoảng nợ công và các vấn đề xã hội, các nước phương Tây để lộ chủ nghĩa cực đoan cánh hữu. Điều này đặt ra thách thức nhiều hơn đối với cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Các nỗ lực chống khủng bố toàn cầu sẽ không còn là một bận tâm hàng đầu mà trở thành một trong những vấn đề an ninh, do tình trạng suy thoái kinh tế khiến các nước không thể giành những khoản ngân sách khổng lồ cho các sáng kiến chống khủng bố.

Trong mấy năm gần đây, mặc dù các phần tử khủng bố quốc tế không thể thâm nhập biên giới của Mỹ, Oa-sinh-tơn vẫn phải đối mặt với nguy cơ từ các lực lượng cực đoan và khủng bố trong nước vốn đã thực hiện hơn 20 vụ tấn công khủng bố nhưng không thành. Mỹ nhận ra rằng, cuộc chiến chống khủng bố quốc tế tốn kém ở nước ngoài không đảm bảo được an ninh ngay chính tại nước Mỹ. Do vậy, Nhà Trắng đã thực thi nhiều biện pháp và chuyển cuộc chiến chống khủng bố từ nước ngoài về phạm vi biên giới của họ. Tháng 6/2011, Mỹ công bố Chiến lược quốc gia về chống khủng bố, theo đó, thu hẹp mặt trận chống khủng bố để tập trung nỗ lực vào tiêu diệt mạng lưới An Kê-đa và các chi nhánh. Mỹ cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hoạt động chia sẻ thông tin tình báo, sử dụng máy bay không người lái và một số phương tiện chống khủng bố không tốn kém nhưng hiệu quả khác.

Tháng 8.2011, Oa-sinh-tơn công bố một tài liệu khác mang tên trao quyền cho các đối tác địa phương để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoạn bạo lực ở Mỹ. Theo tài liệu này, Mỹ ưu tiên ngăn chặn hoạt động xâm nhập của các phần tử cực đoan và tiêu diệt các địa điểm có thể trở thành nơi trú ẩn của lực lượng khủng bố. Chính phủ Mỹ tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa chính quyền bang với các địa phương nhằm giám sát chặt chẽ In-tơ-nét và các mạng xã hội, từ đó, ngăn chặn An Kê-đa cực đoan hóa hoặc tuyển chọn lực lượng khủng bố trên lãnh thổ Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ cũng đang thay đổi chính sách chống khủng bố ở nước ngoài. Mặc dù vẫn sẽ tiếp tục tăng cường triển khai quân, nâng cao khả năng chiến đấu ở Áp-ga-ni-xtan và truy tìm các thành viên mạng lưới An Kê-đa và Ta-li-ban, Mỹ nhận ra rằng, họ cần tiến hành các cách thức ít tốn kém nhưng hiệu quả cao vốn dựa nhiều vào sự hợp tác quốc tế để chống khủng bố. Nhờ sự trợ giúp của các đồng minh và đối tác trong cuộc chiến “chống khủng bố” ở Nam Á và Trung Đông, trong đó có Pa-ki-xtan, Ả-rập Xê-út và Y-ê-men, Mỹ đã phát hiện thành công một số âm mưu khủng bố. Điều này càng làm nổi bật tầm quan trọng và sự cần thiết của tiến trình hợp tác quốc tế trong “chống khủng bố”.

Tháng 9.2011, Mỹ khởi xướng Diễn đàn “chống khủng bố” toàn cầu, một cơ chế hợp tác đa phương trong kỷ nguyên hậu Bin La-đen. Diễn đàn này nhằm khuyến khích sáng kiến của các nước thành viên và duy.trì sức mạnh của Mỹ trong thời kỳ chống khủng bố mới. Việc Mỹ rút quân khỏi I-rắc được cho là một cách thức quan trọng nhằm cắt giảm ngân sách quốc phòng và dành công sức cho các hoạt động “chống khủng bố” tại một số khu vực, trong đó có Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan cũng như nhằm củng cố những lợi ích chiến lược mà Mỹ đã dành được trong thập kỷ qua.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực