Sau hàng loạt “thất bại” về các chính sách kinh tế trong nước, Chính quyền của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma (B.Obama) đang muốn tìm hướng đi để cân bằng lại quyền lực. Giải quyết các “điểm nóng”, xây dựng chính sách đối ngoại với trọng tâm là châu Á-Thái Bình Dương được xem như “cứu cánh” cuối cùng cứu vãn uy tín của chính quyền Ô-ba-ma. Mỹ đã xây dựng lộ trình rất cụ thể cho chiến lược này: Rút quân khỏi I-rắc, bình ổn Áp-ga-ni-xtan và thực thi can dự sâu hơn vào cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
|
Ngoại trưởng Mỹ H.Clin-tơn. Ảnh: AFP |
Mở màn cho chiến lược này, ngày 21-10, Tổng thống Ô-ba-ma đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ rút toàn bộ các lực lượng của mình khỏi I-rắc vào cuối năm 2011. 39.000 lính Mỹ còn lại ở I-rắc sẽ rời khỏi quốc gia vùng Vịnh này vào cuối năm nay, từ ngày 1-1-2012, Mỹ và I-rắc sẽ có quan hệ hữu nghị bình thường giữa hai quốc gia có chủ quyền. “Như đã cam kết, những binh sĩ Mỹ còn lại ở I-rắc sẽ về nhà vào cuối năm. Cuộc chiến kéo dài gần 9 năm tại I-rắc sẽ kết thúc. Người I-rắc sẽ tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về tương lai và an ninh của họ”, Tổng thống Ô-ba-ma phát biểu tại Nhà Trắng.
Với tuyên bố trên, Tổng thống Ô-ba-ma đã thực hiện một cam kết trọng tâm trong chiến dịch tranh cử năm 2008. Đây có thể được coi là một thắng lợi của ông Ô-ba-ma. Các chuyên gia cho rằng, đây cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương mà Mỹ đang thực thi. Sau khi giải quyết dứt điểm tình hình I-rắc, Mỹ đang dồn các nỗ lực ngoại giao để giải quyết vấn đề Áp-ga-ni-xtan. Chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ H.Clin-tơn (H.Clinton) tới Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan và U-dơ-bê-ki-xtan, Tát-gi-ki-xtan trong tuần qua được đánh giá có tác dụng “kiến tạo” một hành lang an toàn cho Áp-ga-ni-xtan, trước khi Mỹ rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan. Chính Ngoại trưởng Mỹ H.Clin-tơn cũng tuyên bố, chuyến đi Nam Á và Trung Á của bà nằm trong chiến lược chung của Mỹ đối với khu vực, đồng thời thúc đẩy sự hội nhập đầy đủ của Áp-ga-ni-xtan vào khu vực này trước khi có bước phát triển hơn. Theo bà H.Clin-tơn, sự giúp đỡ của các nước Nam Á và Trung Á sẽ đẩy nhanh tiến trình tái thiết tại nước này.
Để có thể “đề kháng” trước chủ nghĩa cực đoan và khủng bố trong khu vực, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng giới lãnh đạo Áp-ga-ni-xtan cần đẩy mạnh các nỗ lực hòa giải với Ta-li-ban; tăng cường khả năng phối hợp ba bên giữa Mỹ - Pa-ki-xtan - Áp-ga-ni-xtan. Bà H.Clin-tơn nhấn mạnh rằng, thời thế đã thay đổi, nếu như trước kia, Mỹ không chấp nhận chuyện “bắt tay” với Ta-li-ban, thì nay, để có thể bình ổn được Áp-ga-ni-xtan, thì không chỉ là Ta-li-ban, mà chính phủ Áp-ga-ni-xtan có thể còn phải “bắt tay” thêm với nhiều tổ chức khác. Điều quan trọng nhất cần đạt được là hòa bình để tái thiết. Ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định, Ta-li-ban sẽ trở thành một phần trong tương lai của Áp-ga-ni-xtan. Phát biểu về sự thay đổi quan điểm này của Mỹ, tại một hội nghị bàn tròn với các nhà báo của Pa-ki-xtan mới đây, bà H.Clin-tơn thậm chí thừa nhận, Mỹ đã có cuộc gặp mang tính thăm dò cả với mạng lưới Haqqani, trước khi xảy ra hai cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào người Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan. Không khó để thấy rõ nước Mỹ đang đi những bước “nước rút” tại Áp-ga-ni-xtan, trước khi rút 33.000 binh sĩ vào cuối mùa hè năm 2012 và hoàn thành việc chuyển giao quyền kiểm soát an ninh cho quân đội Áp-ga-ni-xtan vào năm 2014.
Giải quyết xong những điểm nóng ở Tây Á, Nam Á, Trung Á, Mỹ sẽ tập trung nguồn lực cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Mỹ đã nhấn mạnh rằng tương lai chính trị của thế giới sẽ được định đoạt ở châu Á-Thái Bình Dương, vì vậy Mỹ sẽ hiện diện ở khu vực này để thực hiện việc chuyển biến cấu trúc chiến lược. Ngoại trưởng Mỹ thừa nhận, nếu như những điểm nóng như I-rắc và Áp-ga-ni-xtan khiến nước Mỹ quá mệt mỏi thì việc thực thi mạnh mẽ hơn nữa chiến lược châu Á-Thái Bình Dương là trọng tâm xuyên suốt và sẽ mang lại lợi ích chiến lược cho nước Mỹ. Phát biểu về chiến lược này, bà H.Clin-tơn cho rằng, trong 10 năm tới, nước Mỹ cần cân nhắc việc sẽ đầu tư thời gian, tiền bạc và sức lực vào những vị trí tốt nhất nhằm duy trì sự lãnh đạo, bảo đảm lợi ích và thúc đẩy các giá trị của nước Mỹ. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Mỹ trong thập kỷ tới sẽ là đầu tư vào ngoại giao, kinh tế và các lĩnh vực khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Giờ đây, Mỹ cần can dự sâu hơn vào châu Á, các nước ven Thái Bình Dương với tư cách là một quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Để có thể “hòa nhập” với châu Á, theo Ngoại trưởng H.Clin-tơn, cần phải tăng cường các liên minh an ninh song phương; làm sâu sắc quan hệ với các cường quốc đang nổi lên. Theo Ngoại trưởng Mỹ, ngoài việc làm sâu sắc hơn quan hệ với các đồng minh, đối tác truyền thống, ngoại giao Mỹ cần đi tiên phong trong việc tiếp cận và xây dựng quan hệ đối tác tốt với các nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc và khối ASEAN… gắn kết với các cơ chế đa phương ở khu vực; mở rộng thương mại và đầu tư; xây dựng một sự hiện diện quân sự rộng rãi…