Mỹ và EU muốn hướng tới kiểm soát toàn bộ khu vực dầu mỏ ở Trung Đông – Bắc Phi theo chiến lược “Đại Trung Đông”.
Ngày 23/01, trong cuộc họp các Ngoại trưởng tại Brussels, Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch cấm vận nhằm vào Ngân hàng Trung ương Iran và ngành dầu khí nước này. Bà Catherine Ashton, trưởng đại diện ngoại giao của EU cho hay, các biện pháp nói trên nhằm vào Ngân hàng Trung ương và toàn bộ ngành dầu khí của Iran hướng vào chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Cũng trong ngày 23/1, các nghị sỹ Quốc hội Iran một lần nữa lại đưa ra lời đe dọa phong tỏa Eo biển Hormuz. Vì thế, cộng đồng quốc tế càng thêm lo ngại về nguy cơ đối đầu quân sự mới tại khu vực.
Gây căng thẳng với Iran-giảm áp lực trong nước
Cho đến nay, Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất hành tinh, chiến 30% GDP toàn cầu; đồng USD vẫn có vai trò quốc tế, nhưng vẫn trong trạng thái phục hồi chậm chạp và đang đứng bên “bờ vực” của sự suy thoái. Mỹ hiện vẫn phải đối phó với khoản nợ khổng lồ đã vượt quá 15.000 tỷ USD và còn đang tăng nhanh, cùng những mâu thuẫn chính trị - xã hội nảy sinh, phong trào “Chiếm phố Wall” vẫn đang lan rộng. Các chính sách về thuế, lao động, việc làm... của Tổng thống Barak Obama đang vấp phải sự phản đối của Đảng Cộng hòa.
|
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran (Ảnh: Internet) |
Năm 2011, Mỹ buộc phải nâng mức trần nợ công lên 2.400 tỷ USD và cắt giảm 2.100 tỷ USD chi tiêu công trong 10 năm tới. Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ tăng mạnh, thị trường nhà đất đóng băng, đời sống người dân ngày càng khốn khó... Tuy đang phục hồi nhưng kinh tế Mỹ vẫn khá “mong manh”. Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng GDP của Mỹ chỉ ở mức 1,8% năm 2012 và năm 2013 – 2014 vẫn chưa có khả năng khởi sắc.
Đối với EU, năm 2012 các chuyên gia dự báo kinh tế vẫn đang đứng trước bờ vực suy thoái, khủng hoảng nợ công đang đe dọa đẩy Eurozone rơi vào suy thoái trầm trọng hơn, mức tăng trưởng của EU chỉ đạt -0,2% năm 2012, và tiếp tục tăng trưởng “yếu ớt” trong những năm sau.
Hội nghị Thượng đỉnh EU kết thúc ngày 10/12/2011 đã đưa ra cơ chế mới với 26/27 nước thành viên tham gia, nhằm giải cứu khu vực Eurozone, nhưng vẫn cần thời gian để cơ chế này có hiệu lực pháp lý vào tháng 3/2012.
Mới đây, ngày 13/1, Công ty đánh giá mức tín nhiệm tín dụng Standard & Poor's lại công bố hạ thấp bậc tín nhiệm tín dụng với triển vọng tiêu cực của một loạt nước, trong đó có Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… càng làm cho tình hình thêm nguy cấp.
Theo nhận định của các chuyên gia, đứng trước bờ vực của sự suy thoái kép, cùng với áp lực chính trị trong nước, các nhà lãnh đạo nước Mỹ, EU đã chọn giải pháp “truyền thống” là đẩy mâu thuẫn từ bên trong ra bên ngoài nhằm cứu vãn nền kinh tế đang đứng bên bờ vực của sự suy thoái.
Cũng giống ở Iraq, mặc dù chưa đủ chứng cứ về việc Iran theo đuổi mục tiêu chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng Mỹ và EU vẫn “quyết tâm” đưa ra lệnh trừng phạt nhằm các mục tiêu: Tạo áp lực để hướng tới kiểm soát toàn bộ khu vực dầu mỏ ở Trung Đông – Bắc Phi theo chiến lược “Đại Trung Đông” đã được vạch ra từ thời các Tổng thống tiền nhiệm ở Mỹ. Bên cạnh đó là muốn xoa dịu tình hình chính trị trong nước trước phong trào biểu tình lan rộng đòi lật đổ các tập đoàn tư bản tài chính – thủ phạm gây ra cuộc khủng khoảng tài chính kinh tế ở Mỹ năm 2008 và tìm kiếm lợi thế cho Tổng thống Barak Obama và Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay.
Ngoài ra, Mỹ và EU muốn tạo ra sự kích cầu mới đối với nền kinh tế thông qua các hợp đồng của Bộ Quốc phòng với nền kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm, tăng nguồn thu từ sản xuất và xuất khẩu phương tiện chiến tranh.
Trên cơ sở đó, lấy lại vị thế mà nước Mỹ và EU đã bị suy giảm trong những thập kỷ vừa qua. Điều này cũng nằm trong khuôn khổ của Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ được công bố ngày 5/1, trong bối cảnh tình hình Iraq, Afghanistan, Libya đã tạm lắng.
Khuấy động mâu thuẫn nội bộ Iran
Đối với Iran, trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội (2/3) đang cận kề, ban lãnh đạo vẫn lo lắng khi làn sóng “Mùa Xuân Arab” bùng phát từ đầu năm 2011 vẫn chưa chấm dứt; nền kinh tế lại đang chao đảo, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đều ở mức 2 con số; sự phân hóa nội bộ và đấu tranh giữa các phe phái đang đến hồi quyết liệt.
Giới chức Iran đang tìm cách làm tăng giá dầu để cứu vãn nền kinh tế. Giờ đây, lệnh cấm vận xuất khẩu dầu của Mỹ và phương Tây đã được thực hiện sẽ tác động đến 80% thu nhập của nền kinh tế của Iran, chỉ trong một ngày, sau khi Mỹ và EU công bố lệnh trừng phạt, đồng rial đã bị mất giá hơn 12%.
Vì thế, các nhà phân tích quốc tế cho rằng, sau những động thái và tuyên bố cứng rắn của Tehran, với mục tiêu “tài chính nhiều hơn quân sự” có thể trở thành sự phản ứng tự vệ bằng biện pháp quân sự trong khi Iran thực sự chưa đủ mạnh để chống lại cuộc tấn công quân sự của Mỹ và đồng minh, trong đó có Israel.
Chính trị gia hàng đầu của Iran Ali Fallahian ngày 23/1 tuyên bố, nước này sẽ lập tức ngừng xuất khẩu dầu thô sang EU để đẩy giá dầu lên cao và khiến EU không có thời gian tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Ông nói: “Cách thức tốt nhất là ngừng mọi hoạt động xuất khẩu dầu mỏ trong vòng 6 tháng tới, trước khi EU chính thức triển khai kế hoạch ngừng mua dầu của Iran”.
Ông Fallahian cũng tái khẳng định, Iran có thể đóng cửa eo biển Hormuz để trả đũa các biện pháp trừng phạt của EU cũng như việc Mỹ, Pháp và Anh đã cử hạm đội tàu chiến, trong đó có tàu sân bay USS Abraham Lincoln, quay trở lại vùng Vịnh hôm 22/1.
Ông nói: “Nếu họ gia tăng sức ép đối với Iran, chúng tôi có thể sử dụng eo biển Hormuz làm công cụ giải tỏa áp lực. Đóng cửa eo biển chiến lược này là một trong những lựa chọn của chúng tôi”.
“Việc phong tỏa eo biển Hormuz phụ thuộc vào những tình thế đặc biệt. Đây có thể là lá bài cuối cùng mà Iran sử dụng. Tuy nhiên, quyết định phong tỏa eo biển này có thể sẽ trở thành con dao hai lưỡi, bởi nó chắc chắn sẽ làm tổn hại cả Iran, Mỹ và EU”.
Quốc tế: Kẻ ủng hộ- người phản đối
Ngày 23/1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đánh giá cao quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran của EU. Ông nói: “Tôi nghĩ đây là một bước đi đúng hướng”.
Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho biết, lệnh trừng phạt mới cũng là một cách để tránh khả năng can thiệp quân sự trong bối cảnh hiện nay. Ông nói: Tôi nghĩ đây là một quyết định đúng đắn vì nó đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: "Các lệnh trừng phạt đơn phương không giúp giải quyết vấn đề… Moscow sẽ tiếp tục bảo vệ Tehran trước các biện pháp trừng phạt liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này, và ông tin tưởng các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran sẽ được nối lại trong tương lai gần.
Các nước châu Á nhập khẩu hơn 53% dầu mỏ từ Iran cũng có những phản ứng khác nhau trước lệnh trừng phạt mới của Mỹ và EU. Trong khi Trung Quốc phản đối cả lệnh cấm vận dầu mỏ và lời đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, và hiện vẫn chưa có phản ứng nào về việc giảm nhập khẩu dầu từ Iran, bất chấp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã tới Bắc Kinh để thảo luận về vấn đề này.
Ấn Độ tuyên bố vẫn tiếp tục mối quan hệ của mình với Tehran bất chấp lệnh cấm vận của EU; Nhật Bản và Hàn Quốc lại cho biết sẽ thực hiện các biện pháp để giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ từ Iran.
Còn dư luận quốc tế thì cho rằng, lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran sẽ gây ra những tổn hại cho chính EU trong bối cảnh khối này đang phải còng lưng gánh khoản nợ công khổng lồ. Và liệu giải pháp mạnh này có châm ngòi cho một cuộc chiến mới trong khu vực? Vì vậy, nguy cơ “gậy ông đập lưng ông” là khó tránh khỏi./.