Mỹ với cuộc chiến tại Libya và những phán xét về nhân quyền

Thứ hai, 18/04/2011 22:59

(ĐCSVN)Bất chấp ngày càng có nhiều lời kêu gọi vì hòa bình, tự do, tiến bộ từ nhiều nước trên thế giới, Mỹ và các nước đồng minh phương Tây vẫn tiếp tục dấn sâu vào cuộc chiến gây nhiều tranh cãi tại Libya. Không những thế, Washington còn tự cho mình quyền phán xét về tình hình nhân quyền tại các nước khác.

 

 Trẻ em và bóng ma chiến tranh tại Libya (Ảnh: AFP)


Trong một bản tuyên bố cuối tuần trước, lãnh đạo các nước Anh, Pháp và Mỹ đã nhấn mạnh rằng, nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi “phải ra đi và ra đi mãi mãi”. Bên cạnh đó, các nước đồng minh phương Tây cũng khuyến cáo sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc không kích và đất nước Bắc Phi này sẽ tiếp tục lâm vào tình cảnh “chiến tranh” nếu như ông Gaddafi từ chối thoái vị. Rõ ràng, khi xảy ra chiến tranh hay bạo loạn thì những thường dân vô tội sẽ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Những lời lẽ kiên định trên của nhóm 3 nước Anh, Pháp, Mỹ đã làm dấy lên những mối nghi ngại mới về tính hợp pháp của sự can thiệp quân sự từ phía các nước liên minh phương Tây vào Libya. Thậm chí nhiều người còn đưa ra nhận định rằng, các cuộc không kích do liên quân nhằm vào Libya đã vượt xa giới hạn cho phép của bản nghị quyết 1973 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về áp đặt vùng cấm bay tại quốc gia Bắc Phi này với mục tiêu nhằm “bảo vệ thường dân” chứ không phải để “thay đổi một đế chế” như cách vận dụng của các nước phương Tây.

Người dân Libya đã quá mệt mỏi và phải gánh chịu nhiều tổn thất sau nhiều tuần liên quân tiến hành không kích và việc gia tăng áp lực cho các chiến dịch quân sự tại Libya sẽ chỉ làm cho người dân nơi đây lâm vào tình cảnh nỗi đau chồng chất. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế và những quốc gia yêu chuộng hòa bình trên thế giới vẫn tiếp tục lên tiếng, kêu gọi hòa bình cho quốc gia Bắc Phi này.

Ngày 12/4- một ngày sau khi lực lượng nổi dậy tại Libya từ chối đề xuất hòa giải, Liên minh châu Phi (AU) đã tiến hành đối thoại với một nỗ lực nhằm tìm ra một thỏa thuận ngừng bắn tại Libya.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo quốc tế và khu vực tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Châu Á Bác Ngao năm 2011 tại Trung Quốc (gồm Chủ tịch nước chủ nhà Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-sik, Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Zapatero và Thủ tướng Ukraine Mikola Azarovand) và Hội nghị thượng đỉnh các nước BRICS (gồm Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Brazil, Tổng thống Nga, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Tổng thống Nam Phi) cũng đều bày tỏ quan điểm ủng hộ vì một thế giới hòa bình.

Bên cạnh việc bày tỏ mối nghi ngại trước chiến dịch quân sự do NATO cầm đầu cũng như lên tiếng kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột tại Libya, bản tuyên bố chung do các nhà lãnh đạo nhóm BRICS công bố ngày 14/4 còn nêu rõ: “Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước những diễn biến bất ổn tại Trung Đông, Bắc Phi và Tây Phi cũng như mong muốn rằng, các nước trên sẽ giành được hòa bình, ổn định, thịnh vượng, phát triển; được tận hưởng những chân giá trị và vị trí của mình trên thế giới dựa trên những khát vọng dân tộc hợp pháp”.

Không chỉ tham gia tích cực vào chiến dịch quân sự tại Libya, ngày 8/4, Chính phủ Mỹ còn đưa ra một hành động gây nhiều phản ứng từ các quốc gia khác khi tiếp tục công bố bản Báo cáo Nhân quyền thường niên 2010 với nhiều lời lẽ xuyên tạc sự thật. Bản báo cáo trên đã đưa ra những lời buộc tội vô căn cứ nhằm chống lại hơn 190 quốc gia bao quát từ châu Phi, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, châu Âu, vùng cận Đông và khu vực Nam Á về các vấn đề nhân quyền.

Đáp lại hành động trên của Mỹ, Văn phòng thông tin Hội đồng nhà nước Trung Quốc đã công bố “Báo cáo về tình trạng nhân quyền của Mỹ năm 2010” và kêu gọi Mỹ cần đối mặt với những vấn đề về nhân quyền tại chính quốc gia mình.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga cũng lên tiếng bác bỏ bản Báo cáo Nhân quyền của Mỹ với lý do rằng, cũng như mọi lần trước đó, Washington đã áp dụng tiêu chuẩn kép khi cân nhắc tới vấn đề nhân quyền và đưa ra một bản báo cáo với nhiều chi tiết không đúng sự thật./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực