Vụ việc này đã đẩy quan hệ giữa hai nước lên một nấc thang căng thẳng mới và khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại.
Máy bay giám sát AN 30 của Nga (Ảnh: Tass)
Những cáo buộc của Nga nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ
Theo ông Ryzkov, chuyến bay giám sát của Nga theo kế hoạch phải được thực hiện trên các khu vực gần biên giới với Syria và các sân bay nơi tập trung lực lượng không quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, sau khi phái bộ giám sát của Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ và thông báo lộ trình bay thì các nhân viên quân sự viện dẫn chỉ thị của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ để từ chối cho phép phái bộ Nga thực hiện chuyến bay giám sát. Ông Ryzkov nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm về hoạt động quân sự không được giám sát của một trong các nước thành viên Hiệp ước Bầu trời Mở. Nga sẽ có phản ứng thích hợp đối với việc vi phạm Hiệp ước Bầu trời Mở của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Đuma quốc gia (Hạ viện) Nga Alexei Puskov ngày 3/2 cũng tuyên bố nếu NATO ủng hộ hành động của Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép Nga tiến hành các chuyến bay giám sát, Nga sẽ xem xét lại sự cần thiết thực hiện cam kết của Nga theo Hiệp ước Bầu trời Mở.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Đuma quốc gia Nga Vladimir Komoedov cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho Nga thực hiện bay giám sát cho thấy nước này có điều gì đó mờ ám cần che giấu.
Hiện NATO chưa bình luận gì về quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho Nga bay giám sát theo Hiệp ước Bầu trời Mở. Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết năm 1992 với sự tham gia của 34 nước, theo đó các chuyến bay giám sát được thực hiện trên không phận Nga, Mỹ, Canada và các nước châu Âu nhằm tăng cường tính công khai, thúc đẩy việc thực hiện các thỏa thuận trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, tăng cường khả năng ngăn chặn các cuộc khủng hoảng và giải quyết các tình huống khủng hoảng trong khuôn khổ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và các tổ chức quốc tế khác.
Những bước thăng trần trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ
Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vốn rất thân thiết trong vòng một thập kỷ qua. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều là những nước bên bờ Biển Đen và đã từng có nhiều bất đồng trong lịch sử. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hai nước gạt bỏ bất đồng, bắt đầu tích cực hợp tác. Những năm gần đây, hợp tác giữa hai nước thu được thành quả nổi bật trong các lĩnh vực năng lượng, kinh tế - thương mại, chống khủng bố, có lập trường tương đồng trong vấn đề hạt nhân của Iran, tiến trình hòa bình Trung Đông, trở thành nhân tố mấu chốt cho giữ gìn ổn định của khu vực.
Tuy nhiên, cuộc nội chiến ở Syria đã khiến quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lại bất ngờ xấu đi. Bởi lẽ, Syria là điểm tựa quan trọng cho lợi ích chiến lược của Nga tại Trung Đông, nhưng lại là “cái gai” trong tìm kiếm vị thế tại khu vực Trung Đông của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đặc biệt, vụ việc giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ ra quyết định bắn hạ một máy bay ném bom Su-24 của Nga đang tham gia chiến dịch chống khủng bố tại khu vực biên giới với Syria, hồi tháng 11/2015, đã khiến quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Vụ việc này được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Ankara cáo buộc chiếc máy bay Su-24 của Nga bị bắn hạ đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Moskva bác bỏ và khẳng định máy bay này vẫn ở trong không phận Syria. Sau vụ việc này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh áp dụng các biện pháp trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ, làm hai nền kinh tế, vốn phụ thuộc nhau, đều bị thiệt hại nặng nề.
Trong lúc vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay ném bom Su-24 của Nga còn chưa được giải quyết thì ngày 30/1, Thổ Nhĩ Kỳ đã một lần nữa cáo buộc Nga xâm phạm không phận nước mình và đã triệu đại sứ Nga tại Ankara tới để trao công hàm phản đối. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Thủ tướng Ahmet Davutoglu cũng cảnh báo rằng Moskva đang "đùa với lửa" và có thể sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là lần này máy bay chiến đấu Su-34 của Nga đã không bị bắn rơi. Mặc dù Ankara đưa ra những lời cảnh báo nghiêm khắc đối với phía Moskva, song việc Thổ Nhĩ Kỳ gửi công hàm phản đối đến đại sứ Nga cho thấy chính quyền của ông Davutoglu, mặc dù luôn thể hiện quan điểm cứng rắn, vẫn đang tiến hành những bước đi cẩn trọng để tránh tạo ra một cuộc đối đầu quân sự với phía Nga.
Về phần mình, Moskva đã bác bỏ những cáo buộc trên của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, “Các tuyên bố từ phía Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh vụ việc máy bay quân sự của Nga vi phạm không phận nước họ là những tuyên truyền sai lệch không thể chấp nhận được.”
Quan hệ giữa hai nước lại tiếp tục trở nên căng thẳng khi Ankara từ chối cho Nga thực hiện bay giám sát từ ngày 1 đến 5/2/2016 trên không phận nước này trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời Mở.
Ngày 4/2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, tướng Konashenkov lại tuyên bố, những gì đang xảy ra trên biên giới cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang ráo riết chuẩn bị xâm lược Syria. Ông nói: “Chúng tôi có những cơ sở để nghi ngờ Thổ Nhĩ Kỳ đang ráo riết chuẩn bị một cuộc xâm lược quân sự vào lãnh thổ của quốc gia có chủ quyền: Cộng hòa Arập Syria… Những dấu hiệu của việc chuẩn bị bí mật các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ cho những hành động trên lãnh thổ Syria đang được chúng tôi ghi nhận ngày một nhiều hơn”.
Theo tướng Konashenkov, Bộ Quốc phòng Nga trước đó đã công bố trước cộng đồng quốc tế những bằng chứng video không thể chối cãi, quay cảnh các tổ hợp pháo tự hành Thổ Nhĩ Kỳ đang nã đạn vào các khu dân cư Syria ở phía bắc Latakia. Ông nói: “Chúng tôi ngạc nhiên là những đại diện mạnh miệng nhiều lời của Lầu Năm Góc, NATO và rất nhiều những cái gọi là tổ chức bảo vệ nhân quyền ở Syria vẫn giữ im lặng cho đến nay, bất chấp việc chúng tôi kêu gọi có phản ứng đối với với những hành động này”.
Ông cũng nhắc nhở rằng Bộ Quốc phòng Nga đã tăng cường tất cả các loại hình tình báo ở khu vực Trung Đông và kết luận: “Vì vậy, nếu ai đó ở Ankara cho rằng việc bãi bỏ các chuyến bay quan sát của Nga sẽ cho phép che giấu được điều gì đó thì thật là không chuyên nghiệp”.
Theo nhận định của giới phân tích, những vụ việc xảy ra nối tiếp nhau cho thấy quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang bước vào thời kỳ cực kỳ “nhạy cảm”. Đặc biệt từ khi Syria bùng nổ cuộc xung đột bạo lực đến nay, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng về hai phía đối lập nhau. Nga luôn công khai bày tỏ ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Assad và nhấn mạnh cần phải giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng ở Syria. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại luôn ủng hộ lập trường của các nước phương Tây, đối lập với quan điểm của Nga.
Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng tại Syria đang là một cuộc thử nghiệm lâu dài đối với mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Và những căng thẳng mới trong lĩnh vực quân sự đang đẩy quan hệ hai bên ngày càng xa nhau hơn./.