Năm 2010: châu Á khẳng định vị thế quan trọng của mình đối với thế giới

Thứ bảy, 01/01/2011 11:02

(ĐCSVN)- Là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính toàn cầu song châu Á vẫn khẳng định vị thế quan trọng của mình trong nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế, chính trị thế giới. Với sự nổi lên của ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ... châu Á  đã trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất và đã lưu lại dấu ấn đậm nét trong năm 2010.

 
Vượt qua khủng hoảng kinh tế, năm 2010 châu Á đã lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)


Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các nền kinh tế thế giới. Đến nay, hậu quả của nó vẫn chưa thể khắc phục một sớm một chiều tại nhiều quốc gia  và khu vực.

Năm 2010 đã khép lại, trong khi một số nền kinh tế Âu- Mỹ còn đối mặt với những khó khăn như tình trạng thất nghiệp cao, tăng trưởng thấp và khủng hoảng nợ công tràn lan…Bất chấp những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài và lan rộng, châu Á trở thành khu vực có tốc độ hồi phục và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất với tổng sản phẩm quốc nội của cả khu vực năm 2010 tăng trưởng 8,6%. Con số này là minh chứng rõ rệt cho sự phát triển của châu lục năng động nhất hành tinh này.

Trong năm qua, trung tâm hoạt động kinh tế của thế giới chuyển dần sang châu Á khi dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ồ ạt đổ vào khu vực này. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng FDI toàn cầu trong năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng 17% và khu vực hấp dẫn FDI nhất chính là châu Á.

Sức bật ấn tượng của châu Á có nhiều lý do. Trước hết nền sản xuất công nghiệp giữ vai trò lớn trong kinh tế địa phương; các ngành công nghiệp điện tử mang tính chu kỳ rất cao. Trong khi giải pháp quan trọng nhất đã được phát động đó là tiêu dùng nội địa đã bật dạy nhờ những gói kích cầu ở châu Á lớn và nhanh hơn ở phương Tây. Trung Quốc với kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, rồi đến chính phủ các nước Hàn Quốc, Singapore, Malaixia, Thái Lan đều đã đưa ra những gói kích cầu có giá trị không dưới 4% GDP. Kích cầu mạnh như vậy song theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Mỹ, nợ công của châu Á chỉ vào khoảng 45% GDP, chưa bằng một nửa của các nước phát triển. Nơi khu vực tư nhân ở mức thấp cũng đã giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ dàng chi tiêu, các ngân hàng châu Á cũng có cơ cấu tốt hơn các đồng sự ở phương Tây nên có khả năng cho vay nhiều hơn.

 
 Tổng thống Mỹ Obama thăm Ấn Độ
(Ảnh: Nguồn Internet)

Chỉ riêng đối với ngành công nghiệp xe hơi, năm nay, hai “con chim đầu đàn” của Âu Mỹ là Volvo và Ford đều đã mở rộng cửa đón các nhà đầu tư Trung Quốc. Trung Quốc  đã mua 15 tỷ euro công trái của Nhật và trở thành một trong những "cổ đông"  quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự thận trọng và kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 cũng là một bài học kinh nghiệm quý báu giúp châu Á thoát khỏi khủng hoảng và lấy lại đà tăng trưởng trở lại nhanh đến vậy. Trong bối cảnh thị trường tiêu dùng cá nhân tại Mỹ chưa mấy khởi sắc, châu Âu thì ngập trong nợ nần, một số nền kinh tế châu Á đã đóng vai trò đầu tàu trong quá trình phục hồi kinh tế, và sẵn sàng chìa tay hỗ trợ châu Âu vượt qua cơn bão tài chính. Theo như lời Thống đốc Ngân hàng Trung ương Xri-Lanca Nivát Cabran thì “không có châu Á, khủng hoảng kinh tế toàn cầu khó có hồi kết”.

Trước những thành quả mà châu Á đã đạt được trong năm 2010, cựu thủ tướng Nhật Bản Taro Axô cho rằng “ Ánh sáng đang phát đi từ châu Á” để khẳng định vị thế quan trọng của châu Á đối với thế giới hiện nay. Và châu Á hoàn toàn xứng đáng với sự vinh danh đó khi nhìn lại những thành quả về kinh tế, chính trị, xã hội mà châu lục này đạt được trong năm 2010.

Chính cú bật ngoạn mục về kinh tế này đã kéo theo vị thế chính trị của châu lục. Chưa khi nào “mọi con mắt lại đổ dồn về châu Á” như thời điểm này. Không phải ngẫu nhiên mà Nga, Mỹ hay phương Tây lại bất ngờ dành nhiều ưu ái như thế cho châu lục này nếu như không phải là sự “để mắt” đến những con số tăng trưởng kinh tế ấn tượng như Trung Quốc tăng trưởng 10% , Ấn Độ tăng trưởng 8,6%, các nước ASEAN tăng trưởng 6%... Ấn Độ, Trung Quốc hay ASEAN liên tiếp là điểm đến của nguyên thủ các cường quốc trên thế giới, điển hình là Mỹ. Những liên minh an ninh Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn, Mỹ - Australia là một bước phát triển mới giữa Mỹ và các nước trong khu vực. Mối quan hệ này bao gồm những cuộc tập trận chung, huấn luyện, chia sẻ thông tin tình báo, bán vũ khí, trao đổi các phái đoàn quân sự... Trong năm 2010, chuyển động đến châu Á - Thái Bình Dương là một phần trong kế hoạch tái bố trí lại lực lượng Mỹ từ châu Âu sang châu Á. Sự trở lại của Mỹ tại châu Á còn được thể hiện ở sự quan tâm của chính quyền Obama tới cả những cấu trúc khu vực đa tầng và cộng đồng an ninh châu Á mới nổi như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ASEAN +3, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và nhiều những cơ chế đối thoại khác.

 Kiểm soát lạm phát trở thành mối quan tâm hàng đầu ở châu Á
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Bên cạnh những con số ấn tượng, Châu Á đang phải đối mặt với áp lực lạm phát (trừ Nhật Bản). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Trung Quốc, quán quân về tăng trưởng của châu Á, đã leo lên mức 5,1% trong tháng 11, mức cao nhất trong vòng 28 tháng qua. Ở Ấn Độ lạm phát giá lương thực trở lại mức hai con số là 12-13%. Chỉ số lạm phát tổng thể của quốc gia Nam Á này hiện ở mức 7,48%. Trong khi đó,CPI của Hàn Quốc trong tháng 10 tăng 4,1% - mức cao nhất trong vòng 20 tháng qua. Các chuyên gia kinh tế cho rằng có nhiều nhân tố cả chủ quan lẫn khách quan gây nên tình trạng lạm phát hiện nay, trong đó có cả các gói kích cầu đã góp phần làm lệch cán cân hối đoái khiến gia cả leo cao kỷ lục. Ngoài ra ảnh hưởng của thiên tai như hạn hán ở Ấn Độ và Trung Quốc, mưa bão, lũ lụt ở Pakixtan, Việt Nam, Thái Lan….

Trước tình trạng trên,  kiểm soát lạm phát trở thành mối quan tâm hàng đầu ở châu Á trong năm 2011 sau khi các chính phủ rút dần gói kích thích kinh tế khỏi dự chi ngân sách. Thách thức này có thể sẽ sớm được giải quyết ổn thỏa nếu các nền kinh tế châu Á triển khai những chính sách hợp lý. Có như vậy châu Á mới giữ vững phong độ để kéo thế giới ra khỏi suy thoái hoàn toàn. Bản báo cáo đặc biệt do Ngân hàng Standard Chartered cho hay: châu Á sẽ dẫn đầu sự phát triển của kinh tế toàn cầu trong 20 năm tới. Kinh tế những thập niên tới sẽ đánh dấu bước phát triển của châu Á. Ngoài ra, Ngân hàng Standard Chartered, còn nhận định thời kỳ siêu tăng trưởng bắt đầu từ năm 2000 và sẽ kéo dài ít nhất trong một vài thập kỷ nữa. Các nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong khi các nền kinh tế mới nổi sẽ có những bước phát triển vượt bậc. Theo đó, cán cân quyền lực kinh tế thế giới sẽ dịch chuyển từ Tây sang Đông.

Thế giới khép lại năm 2010 với nhiều biến động về kinh tế và chính trị song bằng sự nỗ lực của mình, châu Á đã vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu, lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ, đã khẳng định được vị thế quan trọng của mình đối với thế giới hiện nay như nhận định “Ánh sáng đang phát đi từ châu Á” của cựu Thủ tướng Nhật Bản Taro Axô./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực