(ĐCSVN) – Trong suốt những năm gần đây, đặc biệt là năm 2012, hoạt động khủng bố của các nhóm nổi dậy liên kết với al-Qaeda vẫn không ngừng phát triển và mở rộng phạm vi trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia vùng Maghreb và Tây Phi.
Tình hình hiện nay ở Mali là một minh chứng nổi bật cho sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, và cho thấy mức độ khó khăn của một Chính phủ khi phải đối phó với sự mở rộng của các nhóm vũ trang cực đoan trên lãnh thổ của mình. Thêm vào đó, những ảnh hưởng cũng như việc ứng phó với cuộc khủng hoảng ở Mali trong phạm vi khu vực và quốc tế cũng cho thấy những tác động và hậu quả không nhỏ mà việc mở rộng hoạt động của các nhóm khủng bố trong một lãnh thổ nhất định gây ra đối với cộng đồng.
Nhận thức được sự nguy hiểm do chủ nghĩa khủng bố gây ra, cộng đồng quốc tế đã và đang nỗ lực hết sức có thể để hành động ứng phó và xây dựng một mặt trận chung, bất chấp những khác biệt về phương thức, để đối phó với mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan này.
|
Mối ám ảnh khủng bố vẫn chưa hề "nguôi ngoai" trong năm 2012 (Ảnh: Internet) |
Liên kết giữa al-Qaeda và AQIM
Vào thời điểm hiện tại, tổ chức khủng bố al-Qaeda da tại Bắc Phi (AQIM) có lực lượng lên tới hơn 500 quân triển khai tại Algeria và miền Bắc Mali. Việc tuyển mộ quân gia nhập vào lực lượng này rất đơn giản và thuận lợi do điều kiện sống của người dân trong khu vực này quá khó khăn.
Nhóm Salafist thuyết giáo và chiến đấu (GSPC), một tổ chức khủng bố, đã tham gia thánh chiến quốc tế và lấy tên của AQIM vào tháng 1/2007. Trong đoạn video được đăng tải trên một trang web mà các phong trào cực đoan Hồi giáo thường sử dụng, thủ lĩnh của GSPC vào thời điểm đó, Abu Musa Abdelouadoud, đã cam kết trung thành với Osama bin Laden.
Theo ông Atef Kedadra, chuyên gia của Algeria về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trong khu vực, liên kết chính giữa AQIM và al-Qaeda là tư tưởng, và không có bất kỳ một mối quan hệ cấu trúc hay tổ chức nào giữa hai tổ chức này, ít nhất là trong tình hình hiện tại. Tuy nhiên, điều này không loại trừ các mối quan hệ được thiết lập trước đó, sau khi Nhóm Salafist thuyết giáo và chiến đấu (GSPC) đã được chuyển đổi thành một chi nhánh của al-Qaeda ở khu vực Maghreb.
Hiện nay, Phong trào độc tôn và thánh chiến Tây Phi (MUJAO), xuất hiện vào tháng 12/2011, và Ansar Dine đã sáp nhập vào AQIM, với ý định đen tối. Mục tiêu chính của MUJAO Sharia là thiết lập “luật Hồi giáo” trên khắp Tây Phi với một thực tế "nghiêm ngặt" của Hồi giáo. Đó là cũng đồng thời là tham vọng của Ansar Dine ở Mali.
Sahel, cơ sở quốc tế của chủ nghĩa khủng bố
Theo nhiều nhà ngoại giao, Mali đã trở thành một “cơ sở quốc tế" của các phần tử khủng bố do những bất cập của chế độ hiện hành. "Đối với AQIM, Mali chủ yếu là nơi nuôi nhốt các con tin bị bắt cóc tại Sahel", một nhà ngoại giao yêu cầu giấu tên cho biết.
Theo ông Serge Daniel, tác giả của một cuốn sách viết về đề tài này, "bắt con tin là một miếng mồi tài chính thực sự cho Salafists. Sẽ có các món tiền chuộc: những người Tây Ban Nha trả từ 8 - 15 triệu USD để giải thoát các công dân của họ, Italia 3,5 triệu, Áo từ 1,5 - 3 triệu USD".
Theo một báo cáo của các chuyên gia Pháp, vụ bắt cóc con tin đầu tiên người nước ngoài là vụ bắt cóc 32 con tin châu Âu, trong Tassili, vào tháng 2/2003. 31 trong số họ đã được giải thoát với khoản tiền chuộc là 5 triệu USD.
Theo ông Abdelhamid Barakat, giáo sư và nhà nghiên cứu tại Đại học Ibn Toufail Kenitra tại Maroc, đó là một nguồn tài chính lớn cho những người Hồi giáo ở Sahel, và điều này đã cho phép Al Qaeda chống cự trong khu vực này. Khoản tài chính mang lại cũng được bổ sung bằng doanh thu từ buôn lậu vũ khí và vận chuyển ma túy, thông qua các tuyến đường nhập cư bất hợp pháp từ Sahel đến Bắc Phi. Cũng cần phải lưu ý rằng đây là một khu vực bị cô lập với tất cả các nước xung quanh. Vì vậy, đó là khu vực lý tưởng cho các nhóm nhỏ của al-Qaeda có thể dễ dàng xâm nhập và hoạt động.
"Việc hàng ngày của các nhóm Hồi giáo này là hoạt động trong mạng lưới tội phạm có liên quan tới bắt cóc, rửa tiền, buôn lậu thuốc lá, vũ khí, nhiên liệu, thuốc và các hình thức nhập cư bất hợp pháp", ông Senegal Babacar Ndiaye, một chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực này cho biết.
Hơn nữa, việc phổ biến vũ khí của chế độ Libya cũ cũng được dẫn dắt bởi các nhóm liên kết với al-Qaeda thông qua các nước trong khu vực, đặc biệt là ở Tây Phi.
Trú ẩn ở phía Bắc của Mali, các nhóm khủng bố xem đây là một khu vực chiến lược, cho phép chúng gây dựng nhánh và tiếp tục thực hiện các phi vụ bắt cóc con tin nhằm thu về các khoản tài chính cần thiết để tiếp tục hoạt động trên tất cả các khu vực Sahel. Như một vết dầu loang, chủ nghĩa khủng bố al-Qaeda đã và đang dần dần mở rộng: các nhóm đang hoạt động rộng khắp ở Nigeria, Sahel, vùng Sừng châu Phi, Yemen và các nước khác thuộc Trung Đông và châu Á. Nhiều dự báo cho rằng, việc mở rộng này chính là thực hiện giấc mơ của Ummah (quốc gia) Hồi giáo, mở rộng thành đường lưỡi liềm kéo dài từ Đại Tây Dương tới bờ biển phía Đông của Ấn Độ Dương.
Đối mặt với khủng bố tại Mali: Đối đầu hay đối thoại?
"Một cuộc chiến chống khủng bố được tiến hành là không chỉ bằng quyết tâm riêng lẽ của từng nước, mà còn và đặc biệt là bằng chính sách an ninh chung ở quy mô quốc tế và tiểu khu vực", ông Soumeylou Boubèye Maiga, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Mali, nhà tư vấn quốc tế về các vấn đề an ninh, đánh giá.
|
Bạo lực và xung đột do lực lượng nổi dậy tiến hành đã đẩy cuộc sống của hàng nghìn người dân miền Bắc Mali vào cảnh khốn cùng (Ảnh: AFP) |
Ngày 20/12 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết cho phép triển khai Phái bộ quốc tế hỗ trợ Mali do châu Phi dẫn đầu (MISMA). Theo đó, việc triển khai MISMA trong thời gian đầu là một năm để hỗ trợ chính quyền Mali giành lại các vùng bị chiếm đóng.
Từ nhiều tuần gần đây, bất chấp thái độ do dự của một số nước, Liên minh châu Phi và Cộng đồng các quốc gia độc lập của Tây Phi (ECOWAS) vẫn tuyên bố ủng hộ việc can thiệp của một lực lượng do châu Phi dẫn đầu tại Mali dưới sự hỗ trợ trợ của Liên hợp quốc. Thông qua phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao, các nước như Côte d'Ivoire và Maroc, gần đây, đều nhấn mạnh sự cấp thiết phải cho phép triển khai MISMA và dành sự hỗ trợ hậu cần và tài chính cho hoạt động này. Không thể phủ nhận ý kiến cho rằng, không có nơi nào trên thế giới, người ta chinh phục khủng bố và cướp bóc thông qua đối thoại.
Tuy nhiên, một số nước láng giềng Mali, đặc biệt là những nước tiếp giáp, lại ủng hộ đối thoại hơn là đối đầu. Algeria và Mauritania là những minh chứng cho việc không ủng hộ can thiệp quân sự tại Mali trước khi đối thoại thất bại. Quan điểm này, đôi khi, lại phủ bóng đen lên tiến trình hành động mà vốn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Pháp.
Theo ước tính sơ bộ của các cơ quan cứu trợ, hơn 700.000 người dân có thể bị buộc phải di cư đến Mauritania, Burkina Faso, Niger, Côte d'Ivoire, Guinea, Senegal và Algeria, trong trường hợp xảy ra can thiệp quân sự trong miền Bắc Mali vào năm tới.
Mỗi nước đều có quyền bảo vệ quan điểm và phương thức hành động của riêng mình. Đối đầu hay đối thoại, đó đã, đang và sẽ là những vấn đề gây tranh cãi giữa các quốc gia. Tuy nhiên, dù còn tồn tại nhiều bất đồng và khác biệt, hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ vẫn tìm ra được một hướng đi chung nhất, thiết lập một phương cách hành động chung hiệu quả để bảo vệ cuộc sống và sự an toàn của những người dân thường, đảm bảo an ninh, hòa bình trên mọi “ngõ ngách” của hành tinh./.