Năm 2012 ghi nhận những nỗ lực hội nhập mạnh mẽ của CHDCND Lào

Thứ năm, 03/01/2013 09:42

(ĐCSVN) –  Năm 2012 vừa qua được đánh dấu bằng nhiều hoạt động đối ngoại sôi động của CHDCND Lào ở phạm vi trong và ngoài khu vực, bao quát trên tất cả các lĩnh vực từ: Chính trị, kinh tế đến thể thao, văn hóa… Tất cả đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao vị thế của Lào và dần giúp đất nước Triệu Voi này thoát khỏi danh sách các nước kém phát triển nhất trong khu vực Đông Nam Á.

 

 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith (phải) tiếp đón
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại thủ đô Viêng Chăn ngày 11/7/2012 (Ảnh: AP)

Ngày 11/7/2012, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có chặng dừng chân ở Lào nhân chuyến thăm một số nước châu Á. Tuy chỉ lưu lại trong vài giờ ngắn ngủi song chuyến thăm Lào lần này của bà Clinton được coi là sự kiện lịch sử vì từ năm 1955 đến nay, đây là lần đầu tiên một vị Ngoại trưởng Mỹ tới thăm CHDCND Lào.

Trong khuôn khổ chặng dừng chân tại Lào hồi tháng 7/2012, bà Clinton đã có các cuộc đối thoại với người đồng cấp Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng nước chủ nhà Thongsing Thammavong. Hai bên đối thoại đã nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường các mối quan hệ song phương trong thời gian tới.

Trong các cuộc thảo luận trên, vấn đề mà hai bên tập trung thảo luận là tạo ra các cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp hai nước; tập trung nỗ lực để tìm kiếm thi hài của những binh lính Mỹ bị mất tích trong thời kỳ xảy ra chiến tranh; rà phá hàng chục triệu vật nổ, bom mìn chưa nổ (UXO) sót lại sau chiến tranh. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, trong suốt 4 thập kỷ qua, hàng triệu quả bom chưa phát nổ vẫn còn nằm im trong lòng đất và là mối đe dọa thường trực đối với đời sống của nhân dân Lào. Được biết, trong năm 2012, Mỹ đã chi 9 triệu USD để giúp Lào rà phá bom mìn và cam kết sẽ tăng chi cho các giai đoạn tiếp theo.

Một vấn đề quan trọng khác trong buổi thảo luận giữa bà Clinton và các nhà lãnh đạo Lào là vai trò của quốc gia Đông Nam Á này trong các quan hệ hợp tác ở phạm vi khu vực do ASEAN làm đầu tàu; những tiến bộ mà Lào đã đạt được trong các nỗ lực nhằm hoàn thành các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) cùng một loạt các mục tiêu phát triển khác mà chính phủ Lào đang nỗ lực hoàn tất trong năm 2015 nhằm đưa đất nước này thoát khỏi danh sách các nước kém phát triển nhất (LDC) vào năm 2020.

Hiện Lào đang theo đuổi 8 mục tiêu MDGs bao quát tất cả các lĩnh vực phát triển quan trọng của đất nước, bao gồm việc cải thiện sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh; giảm tỷ lệ tử vong và suy dinh dưỡng; phổ cập giáo dục tiểu học; bình đẳng giới; chống các bệnh dịch truyền nhiễm và duy trì tính bền vững môi trường... Bên cạnh đó, Lào cũng đề ra mục tiêu MDGs thứ 9, đó là giảm thiểu tác động của UXO – một vấn đề vốn được xem là tạo nên những lực cản lớn đối với tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của Lào.

Một trong những sự kiện đối ngoại quan trọng khác của Lào trong năm 2012 là Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) lần thứ 9. Sự kiện diễn ra trong hai ngày 5-6/11/2012 tại thủ đô Viêng Chăn đã quy tụ sự tham gia của đông đảo các nhà lãnh đạo hàng đầu từ 51 nước đối tác ASEM. Hội nghị ASEM 9 được xem là một sự kiện quốc tế với quy mô rộng nhất diễn ra tại Lào từ trước tới nay. Sự kiện này đã mở ra cơ hội để các nước đối tác ASEM cùng chia sẻ những quan điểm, suy nghĩ và tìm ra cách thức nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa hai lục địa Á-Âu, cũng như giải quyết một loạt các vấn đề “nổi cộm” trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là về kinh tế.

Hội nghị ASEM lần thứ 9 đã kết thúc cùng với việc thông qua Tuyên bố Viêng Chăn về tăng cường quan hệ đối tác vì Hòa bình và Phát triển; đồng thời thông qua Tuyên bố chủ tịch về Hội nghị thượng đỉnh ASEM lần thứ 9. Sự thành công của Hội nghị đã góp phần tích cực trong việc nâng cao tiếng nói và vị thế của Lào trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Các mối quan hệ giữa Lào cùng các nước trong và ngoài khu vực trong năm 2012 không chỉ được cải thiện bằng các sự kiện mang tầm vóc chính trị mà cả các hoạt động về thể thao – văn hóa. Từ ngày 12 đến 20/12/2012, Đại hội Thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 16 (AUG 16) đã diễn ra tại sân vận động Quốc gia Lào, quy tụ các vận động viên và huấn luyện viên đến từ 11 nước trong khu vực là: Indonesia, Philippines, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Singapore, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Lào, Timor Leste. Cùng khẩu hiệu “Chúng ta là gia đình ASEAN”, AUG 16 không chỉ góp phần giới thiệu nền văn hóa đậm bản sắc văn hóa dân tộc Lào tới các nước trong khu vực mà còn khẳng định sự hòa nhập, đoàn kết mạnh mẽ giữa các nước ASEAN, trong đó Lào giữ vai trò là chiếc cầu nối gắn kết.

Ngoài việc mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới, quan hệ giữa Lào và Việt Nam trong năm 2012 cũng ghi nhận những dấu mốc phát triển bền vững tích cực. Trong năm 2012, Lào và Việt Nam đã tổ chức thành công “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào“, với Hội nghị “Quan hệ hợp tác Quốc hội Việt Nam – Lào, Đoàn kết – Hữu nghị” làm điểm nhấn. Hội nghị diễn ra từ ngày 22-26/4/2012 tại Sơn La, tỉnh có biên giới với Lào, nơi có nhiều di tích lịch sử cách mạng giữa hai nước và là nơi cố Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản và nhiều nhà lãnh đạo của Cách mạng Lào đã từng hoạt động. Hội nghị nhằm mục đích góp phần tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng hợp tác giữa hai nước, hai Quốc hội; tăng cường giao lưu giữa các địa phương có chung đường biên giới, là cơ hội để các đại biểu Quốc hội, đại diện các Bộ, ngành và địa phương hai nước gặp gỡ, trao đổi thông tin, thảo luận về việc thực hiện các hiệp định giữa hai nước, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt –Lào.

Bên cạnh những nỗ lực nhằm đẩy mạnh công tác đối ngoại, năm 2012 cũng đánh dấu một sự kiện mang tầm quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế Lào khi ngày 26/10/2012, quốc gia Đông Nam Á này đã chính thức trở thành thành viên thứ 158 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau 15 năm tham gia đàm phán. Sự kiện này không chỉ đánh dấu việc một nước cuối cùng trong tổng số 10 thành viên ASEAN gia nhập WTO mà còn là một sự ghi nhận của cộng đồng thế giới trước những nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế luôn ở mức ổn định (hơn 7%) của Lào trong suốt 10 năm qua.

Để đáp ứng được những yêu cầu khi gia nhập WTO, Lào đã ban hành hơn 90 luật và quy định, liên quan tới lĩnh vực kinh doanh, cấp phép nhập khẩu, định giá hải quan, đầu tư, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại và các quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, Lào cũng giảm thuế nhập khẩu xuống mức bình quân dưới 18,8%; giới hạn các hoạt động trợ cấp trong lĩnh vực nông nghiệp và thực hiện mở cửa để hơn 10 ngành công nghiệp của nước này được cọ xát với môi trường cạnh tranh khốc liệt bên ngoài.

Được biết, cho tới nay, Lào đang triển khai các cam kết được thông qua sau các vòng đàm phán song phương với một loạt các nước thành viên WTO như: Australia, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Ukraine.

Các nhà phân tích dự báo, việc gia nhập WTO sẽ mang lại cho Lào nhiều cơ hội để có thể tăng kim ngạch trao đổi thương mại với các nước cũng như mở ra nhiều triển vọng đầu tư vào thị trường này. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Lào Nam Viyaketh cho rằng, việc trở thành thành viên thứ 158 của WTO sẽ mang lại những nền tảng cơ bản để Lào có thể hiện thực hóa mục tiêu thoát khỏi danh sách LDC trong năm 2020. Bên cạnh đó, việc được trao quy chế là thành viên của WTO sẽ thúc đẩy các hoạt động phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài và cải thiện tăng trưởng kinh tế tại Lào. Một tương lai phát triển kinh tế xán lạn và một cánh cửa rộng mở với thế giới bên ngoài sẽ mang lại nhiều hứa hẹn về sự thịnh vượng, ấm no không chỉ đối với riêng nhân dân Lào mà còn đối với toàn thể khu vực và thế giới.

Năm 2012 đã trôi qua với nhiều dấu ấn trong công tác đối ngoại của Lào đối với các nước trong và ngoài khu vực. Người dân Lào ngày càng có thể tự hào và kiêu hãnh vì những thành tựu mà đất nước họ đã đạt được trong suốt quá trình mở cửa đất nước cùng với một niềm tin tưởng lớn lao rằng, những nỗ lực này sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc cải thiện đời sống của nhân dân cũng như nâng cao vị thế của Lào trong khu vực và trên trường quốc tế./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực