(ĐCSVN) – Cho dù các vòng đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã chính thức được khởi động từ năm 1991, tuy nhiên, cho đến tận năm 2012, cơ hội thông qua một thỏa thuận hòa bình giữa hai bên vẫn còn rất mờ nhạt và vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy, các vòng đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine sẽ sớm được nối lại trong một tương lai gần.
|
Dải Gaza vừa trải qua những ngày chìm trong khói lửa và đổ nát (Ảnh: Reuters) |
Có thể nói, chính quyền Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều duy trì một lập trường thông suốt trong năm 2012. Lập trường này vốn đã được cả ông Netanyahu và ông Abbas đưa ra kể từ tháng 9/2012 - thời điểm Israel nối lại công tác xây dựng các khu tái định cư cho người Do Thái ở Bờ Tây sau 10 tháng tạm thời ngưng trệ.
Ông Abbas tuyên bố, chính quyền Palestine sẽ chỉ quay trở lại các vòng đàm phán với điều kiện Israel ra quyết định "đóng băng" hoạt động xây dựng các khu tái định cư ở Bờ Tây. Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu lại thẳng thừng bác bỏ điều kiện tiên quyết của ông Abbas với lập luận rằng, “việc Israel tạm ngừng kế hoạch xây dựng các khu tái định cư tại Bờ Tây chỉ là chuyện quá khứ và được thực hiện dựa trên yêu cầu của Mỹ như là một biện pháp giúp xây dựng lòng tin”. Bên cạnh đó, ông Netanyahu còn yêu cầu chính quyền Tổng thống Abbas thừa nhận Israel với vị trí là một mảnh đất quê hương của người Do thái trong quá trình đàm phán. Đây cũng là một yêu cầu mà ông Abbas sẽ không bao giờ chấp thuận.
Trong bối cảnh tiến trình hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine vẫn tiếp tục bị ngưng trệ và vẫn chưa tìm ra lối thoát thì vào tháng 11/2012, ông Abbas đã đề nghị Đại Hội đồng Liên hợp quốc nâng cấp quy chế của Palestine lên nhà nước quan sát viên phi thành viên. Đề xuất này của ông Abbas đã nhanh chóng được thông qua và được dư luận ví là một thắng lợi ngoại giao quan trọng đối với Tổng thống Mahmoud Abbas.
Tuy nhiên, trái với sự đón nhận hân hoan của người dân Palestine trước thắng lợi lịch sử này, Mỹ và Israel đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ đề xuất của ông Abbas với lập luận rằng “các bên chỉ có thể chấp nhận một thỏa thuận hòa bình cuối cùng thông qua tiến trình đàm phán”.
Cũng vào tháng 11/2012, mối quan hệ giữa Israel và Palestine một lần nữa bị kéo căng sau khi chính quyền Tel Aviv phát động chiến dịch “Trụ cột quốc phòng” nhằm vào lực lượng Hamas tại dải Gaza với lý do nhằm “chặn đứng việc các nhóm vũ trang của Palestine thường xuyên thực hiện các vụ bắn rocket sang lãnh thổ Israel trong suốt 4 năm qua”.
Trong suốt 8 ngày triển khai kế hoạch “Trụ cột quốc phòng tại dải Gaza”, Israel đã thực hiện vô số cuộc không kích nhằm vào phía Palestine. Trong khi đó, lực lượng Hamas và Jihad cũng nã rocket đáp trả các cuộc tấn công của Israel. Các cuộc phản công này không chỉ dừng lại ở khu vực miền Nam Israel mà lần đầu tiên, rocket của Hamas đã nhằm trúng các mục tiêu tại Jerusalem và Tel Aviv. Theo số liệu thống kê, chiến dịch “Trụ cột quốc phòng” do Israel phát động tại dải Gaza từ ngày 14/11 đã khiến ít nhất hơn 160 người Palestine thiệt mạng và hơn 1.200 người khác bị thương. Trong khi đó, các cuộc tấn công đáp trả của Palestine nhằm vào nhiều thành phố của Israel cho tới nay cũng đã khiến ít nhất 5 người Israel thiệt mạng.
Theo nhận định của Tiến sỹ Shmuel Bar thuộc Trung tâm Học thuật ở thành phố Herzliya thuộc miền Bắc Israel, cuộc xung đột tại dải Gaza trong tháng 11/2012 cho thấy, không như những lần giao tranh trước đó, lực lượng Hamas giờ đã “không thể tiếp tục kiềm chế” và sẵn sàng đứng lên để chống lại các cuộc tấn công của Israel.
Trong khi đó, Giáo sư Eli Podeh thuộc trường đại học Hebrew ở Jerusalem lại đưa ra một dự báo không mấy sáng sủa về tương lai cải thiện quan hệ giữa Israel và Palestine khi cho rằng, “hiện vẫn chưa thể dự báo điều gì sẽ diễn ra tiếp theo sau cuộc bầu cử tại Israel diễn ra vào ngày 22/1/2013”. “Nếu như Thủ tướng Benjamin Netanyahu tái đắc cử hay thậm chí là một chính phủ mới lên nắm quyền tại Israel thì bản thân tôi cũng chưa thấy bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy Israel sẽ đưa ra những thay đổi lớn về chính sách đối ngoại của Tel Aviv”, ông Podeh nói.
Bên cạnh những ý kiến bi quan của một số nhà phân tích Israel, cựu Ngoại trưởng Israel – kiêm lãnh đạo đảng Kadima, bà Tzipi Livni cho biết, bà sẽ quay trở lại chính trường Israel và tham gia tranh cử chức Thủ tướng Israel trong cuộc bầu cử diễn ra vào cuối tháng 1/2013. Bà Livni cho biết, một trong những mục tiêu chính của bà trong nỗ lực quay trở lại chính trường Israel lần này là nhằm một lần nữa, đưa vấn đề Palestine vào chương trình nghị sự của Israel. Bên cạnh đó, bà Livni cũng lên án chính quyền Netanyahu vì đã đưa ra tuyên bố về kế hoạch xây dựng mới 3.000 ngôi nhà tái định cư tại khu bờ Tây và phía Đông Jerusalem nhằm phản đối một bản nghị quyết của Liên hợp quốc. Theo quan điểm của bà Livni thì hành động này của Israel không chỉ làm “tổn thương các cơ hội đàm phán với Palestine mà còn gây sứt mẻ mối quan hệ giữa Israel và các nước đồng minh”.
Bà Livni hiện được đánh giá là một nhà chính trị gia kỳ cựu theo đường lối trung tả của Israel. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu bà có thể vượt qua những lực cản về chính trị, cá nhân để có thể đoàn kết với những lực lượng khác thuộc phe trung hữu tại Israel và nổi lên như là một gương mặt sáng giá thay thế ông Netanyahu hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Những diễn biến căng thẳng leo thang trong mối quan hệ giữa Israel và Palestine trong năm 2012 cho thấy, “một giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại song song” cho cuộc xung đột này sẽ khó có thể trở thành hiện thực nếu như không muốn nói là “không còn nữa”. Thậm chí một chút hy vọng nhằm kéo dài hơn tiến trình hòa bình giữa người Israel và Palestine cũng đã bị phá vỡ và khó có thể nhen nhóm lại. Những diễn biến này đòi hỏi một nỗ lực mạnh mẽ hơn từ phía Mỹ - một nước đồng minh nắm quyền chi phối với Israel và trong khu vực. Tuy nhiên, vấn đề là liệu chính quyền Tổng thống Barack Obama có chọn cách dồn hết nguồn tâm sức chính trị quý giá cho mục đích này hay không. Câu hỏi này chỉ có ông Obama mới có thể trả lời. Tuy nhiên, thái độ ủng hộ mạnh mẽ của ông Obama đối với vai trò của Israel trong chiến dịch “Trụ cột quốc phòng” nhằm vào dải Gaza hồi tháng 11/2012 đã thực sự khiến cho khả năng ông Obama đưa ra một sự lựa chọn phù hợp, có thể giải quyết một cách hòa bình mối quan hệ mâu thuẫn kéo dài giữa người Israel và người Palestine trở nên thực sự xa vời.
Một tương lai hòa hợp mà ở đó, nhà nước Palestine và Israel cùng chung sống trong hòa bình, một triển vọng hợp tác cho những quan hệ đối đầu ở Trung Đông – điểm nóng của thế giới đang ngày càng trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết./.