(ĐCSVN) - Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 4/7 cho rằng, chính phủ Nam Sudan phải đối mặt với khủng hoảng trên nhiều lĩnh vực như an ninh, kinh tế và nhân đạo trước dịp kỉ niệm một năm nước này giành độc lập.
Nam Sudan tách khỏi Sudan và tuyên bố độc lập vào tháng 7/2011. Trong tuyên bố đưa ra ngày 4/7, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho rằng: “Khủng hoảng kinh tế dần hiện ra sau khi hoạt động sản xuất dầu ngưng trệ và làm thiệt hại đến 98% thu nhập của nước này; vấn đề an ninh và những bất đồng trong tranh chấp biên giới với Sudan, căng thẳng trong quan hệ hai nước và hoạt động của các lực lượng nổi dậy; cũng như cuộc khủng hoảng an ninh lương thực và các cuộc khủng hoảng sắp xảy ra liên quan đến việc đóng cửa biên giới với Sudan, sự trở về của người dân Nam Sudan từ Sudan... Những điều này sẽ tiếp tục cản trở đến tiến trình xây dựng một chính phủ ổn định của Nam Sudan trong những tháng tới”.
|
Với số lượng người tị nạn không ngừng tăng, Nam Sudan rất có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo trên diện rộng (Ảnh:AP) |
Đa số những thách thức mà Nam Sudan đang gặp phải dù ít dù nhiều đều có liên quan đến Sudan. Bởi vậy, “việc thiết lập một mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với Khartoum sẽ giúp Nam Sudan dễ dàng vượt qua những thách thức” – ông Ban Ki-moon nói.
Kể từ khi giành độc lập đến nay, quan hệ giữa Nam Sudan và Sudan liên tục gặp sóng gió do chưa giải quyết được việc phân định ranh giới và nguồn tài nguyên dầu mỏ. Mặc dù hai nước đã quay trở lại bàn đàm phán vào cuối tháng 5 vừa qua nhưng sau cả tháng trời, hai bên vẫn chưa giải quyết được các vấn đề. Trong đó có việc hai bên không nhất trí được bản đồ phi quân sự - khu vực an toàn tại dọc biên giới chung.
Thêm vào đó, trong bối cảnh nhiều bất đồng trong việc phân chia biên giới với Sudan chưa được giải quyết thì xung đột sắc tộc lại bùng nổ ở Nam Sudan. Điều này đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại.
Báo cáo đưa ra ngày 25/6 của Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) cho biết, trước tình bạo lực leo thang tại Jonglei, Nam Sudancần giải quyết các xung đột sắc tộc giữa người người Lou Nuer và người Murle, đảm bảo an ninh tại quốc gia này.
Người phát ngôn Liên hợp quốc Martin Nesirky đã kêu gọi Chính phủ Nam Sudan cần có kế hoạch toàn diện để kiềm chế bạo lực tại Jonglei và tạo lập môi trường an toàn cho người dân địa phương.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, tính từ ngày 23/12/2011 đến ngày 4/2/2012, có 276 người đã thiệt mạng do các vụ tấn công bạo lực sắc tộc ở Jonglei. Thêm vào đó, nhiều phụ nữ, trẻ em bị bắt cóc, hàng chục nghìn người đã phải tị nạn, nhiều nhà cửa bị phá hủy. Trước đó, số liệu trong cả năm 2011 cho thấy, các vụ bạo động, cướp bóc gia súc và tấn công trả đũa giữa hai nhóm người này đã khiến hơn 1.000 người chết và 63.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Mặc dù chính quyền đã có nhiều nỗ lực giải trừ quân bị tại Jonglei, song vũ khí và súng ống vẫn rất phổ biến tại bang kém phát triển này.
Trong khi đó, làn sóng người tị nạn ngày càng tăng cộng với sức khoẻ suy kiệt đang khiến Nam Sudan có thể phải đối mặt với “thảm hoạ nhân đạo trên diện rộng”. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR) cho biết, một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ngày càng tồi tệ tại các trại tị nạn ở Nam Sudan và Ethiopia. Trung bình mỗi ngày có thêm 1.000 người tìm cách xin tị nạn vào Nam Sudan và Ethiopia. Ước tính, dòng người tị nạn Sudan tiến vào Nam Sudan và Ethiopia tiếp tục tăng, với khoảng 202.000 người từ Blue Nile và Nam Kordofan hiện đang sinh sống tại các khu lều trại ở Nam Sudan và Ethiopia.
Số lượng người tị nạn Nam Sudan trở về từ Sudan cũng không ngừng tăng. Điều này gây nên tình trạng quá tải cho các cơ quan điều phối nhân đạo ở Nam Sudan.
Như vậy có thể thấy, Nam Sudan sau một năm giành độc lập phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thử thách. Bởi vậy, theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, với một quốc gia mới giành được độc lập như Nam Sudan, không có cách nào tốt hơn là cần duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người láng giềng phương bắc./.