(ĐCSVN) - Liên hợp quốc ước tính, có hơn 11 triệu người ở Đông Phi đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán, trong đó có 3,7 triệu người tại Xô-ma-li bị tác động nặng nề nhất do ảnh hưởng của cuộc nội chiến vẫn đang tiếp diễn. Các chuyên gia nhận định, chiến tranh và đất nông nghiệp rơi vào tay các thương gia nước ngoài được cho là nguyên nhân đẩy các quốc gia vùng Đông Phi vào nạn đói khủng khiếp nhất trong vòng 60 năm nay.
Tại Hội nghị quốc tế khẩn cấp ở Rôm/I-ta-li-a hôm 25.7.2011 nhằm ngăn chặn “nạn đói thế kỷ” đang cướp dần mạng sống của hơn 11 triệu người tại vùng Sừng châu Phi, Ngoại trưởng Xô-ma-li Mô-ha-mét I-bra-him cho biết, hàng triệu người dân nước này đang có nguy cơ bị chết đói. Bà Sê-ran, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cũng khẳng định, trẻ em Xô-ma-li chỉ có chưa đầy 40% cơ hội sống sót do hầu hết “đều rất yếu và phần nhiều trong số đó ở tình trạng suy dinh dưỡng cấp độ 4”. Trong khi đó, Văn phòng Điều phối hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc tại Xô-ma-li nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không hành động ngay, nạn đói sẽ lan rộng đến tất cả 8 khu vực ở miền Nam Xô-ma-li trong vòng 2 tháng tới”.
Nhiều nhà quan sát đã nghiên cứu và đưa ra những nguyên nhân gây mất an ninh lương thực hiện nay tại Xô-ma-li.
Thứ nhất, việc Chính phủ Mỹ lo ngại nguồn tiền viện trợ sẽ rơi vào tay An Sa-bát - nhóm chiến binh Hồi giáo có liên hệ với An Kê-đa, đã khiến Oa-sinh-tơn lần lữa trong cung cấp nguồn lực hỗ trợ nhân đạo cho Xô-ma-li.
Thứ hai, cách phản ứng của Liên hợp quốc trước cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua tại nước này, ông Giôn Ô-sê-a, Giám đốc Tổ chức từ thiện Goal đã thẳng thừng chỉ trích: “Sẽ không có 4 triệu người Xô-ma-li chết đói nếu họ gửi lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc tới đây”. Trên thực tế, chỉ có 9.200 binh lính gìn giữ hoà bình của Liên hiệp châu Phi đang có mặt tại Xô-ma-li thay vì 20.000 quân được cam kết trước đó.
Thứ ba, Chính phủ Liên bang chuyển tiếp Xô-ma-li (TFG) tuy được phương Tây hậu thuẫn nhưng còn non yếu không có đủ năng lực và nguồn lực vật chất để hạn chế tác động của hạn hán.
Thứ tư, việc tổ chức An Sa-bát cấm các cơ quan cứu trợ quốc tế không được ra vào các vùng lãnh thổ rộng lớn tại miền Nam và Trung Xô-ma-li do nhóm này kiểm soát từ năm 2009 đã ngăn chặn nguồn giúp đỡ từ bên ngoài cho người dân khu vực này. .
Thứ năm, sự vô trách nhiệm của truyền thông quốc tế trong suốt 2 thập kỷ qua khi nạn đói bắt đầu manh nha hình thành tại Xô-ma-li. Theo BBC, thay vì phản ánh cuộc sống thực tế đầy khó khăn của người dân nơi đây các phương tiện truyền thông lại quá mải mê với những tin tức giật gân để đạt được lợi nhuận.
Thứ sáu biến đổi khí hậu khiến hạn hán tại Đông Phi trở nên nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm qua, làm mùa màng thất bát, dịch bệnh tràn lan.
Thứ bảy, dân số tăng trưởng nhanh khiến khu vực Sừng châu Phi phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo thống kê, dân số tại khu vực phía bắc Kê-ny-a đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, gây áp lực lên nguồn cung lương thực, nguồn nước vốn đã khan hiếm tại đây.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Viện Theo dõi Trái Đất (WWI), việc các nước giàu đến châu Phi mua hoặc thuê đất sản xuất nông nghiệp đã làm nghiêm trọng thêm nạn đói ở Lục địa Đen, do nông dân bị đẩy vào tình cảnh không còn đất đai và không có việc làm. Nghiên cứu của WWI cảnh báo xu hướng này đang được đẩy nhanh khi ngày càng nhiều nước giàu hơn ở Trung Đông và châu Á đổ tiền ồ ạt vào châu Phi tìm kiếm các vùng đất rộng lớn cho sản xuất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu lương thực ở trong nước. Từ năm 2006-2009, có 15-20 triệu héc-ta đất nông nghiệp ở các nước thuộc vùng Tiểu sa mạc Xa-ha-ra châu Phi đã được bán và nay thuộc quyền sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, hàng loạt nghiên cứu vừa được công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD)... đã báo động về hiện trạng này và bác bỏ lập luận của các nước chiếm hữu đất của châu Phi cho rằng họ mua đất để giúp đỡ những người nghèo ở các nước nghèo đói tại châu Phi. Liên hợp quốc khẳng định, điều quan trọng hơn bất cứ quy chế quốc tế nào là các chính phủ châu Phi cần tăng cường vai trò và trách nhiệm trong các giao dịch bán đất nông nghiệp cho nước ngoài để đảm bảo rằng, nhiều vùng đất màu mỡ không bị bán đứng và phá hoại hệ thống sản xuất nông nghiệp của đất nước./.