(ĐCSVN) – Là quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới, Nam Sudan sau hơn hai năm độc lập vẫn tiếp tục phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng về nhiều mặt” bao gồm các vấn đề rất nghiêm trọng về chính trị, an ninh và phát triển.
Đại diện đặc biệt của Phái bộ Liên hợp quốc tại Cộng hòa Nam Sudan (UNAMISS) Toby Lanzer, ngày 22/9 cho biết, về cơ bản, Nam Sudan là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới và bối cảnh cùng cực đã dẫn đến một nhu cầu rất lớn về nhân đạo.
Hơn hai năm sau ngày độc lập, những thách thức to lớn vẫn đang hiện hữu trên con đường của Nam Sudan với mong ước về một đất nước tốt đẹp hơn. Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế vẫn đang tiếp tục những nỗ lực để hỗ trợ quốc gia này.
Cần lấp đầy khoảng trống về nguồn vốn
Ông Lanzer cho biết, kể từ đầu năm đến nay, ông đã nhận được hơn 600 triệu USD để tài trợ cho các dự án. Số tiền này chiếm 60% tổng yêu cầu về tài chính trong năm nay đối với Nam Sudan.
|
Các khoản tài trợ sẽ giúp cải thiện cuộc sống của người dân ở nhiều khu vực của Nam Sudan. (Ảnh: UN) |
Mặc dù đại diện Liên hợp quốc đánh giá cao những đóng góp nói trên, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng cần phải có nhiều nguồn vốn hơn nữa để hỗ trợ người dân Nam Sudan.
“Quy mô của nhu cầu và công việc mà chúng ta đang làm ở đây hiện đang cung cấp hỗ trợ lương thực cho khoảng 1,25 triệu người “ – ông Lanzer cho biết.
Bang Jonglei – bang lớn nhất ở miền đông Nam Sudan đã chứng kiến những vụ bạo lực giữa các cộng đồng người kể từ khi quốc gia này tuyên bố độc lập vào 11/7/2011. Các vụ đụng độ sắc tộc tại Jonglei đã gây ra nhiều thương vong và khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Tình hình an ninh có nhiều bất ổn khiến cuộc sống của người dân ở bang Jonglei gặp rất nhiều khó khăn. Nạn cướp bóc lương thực và các nhu yếu phẩm khác trở thành mối quan ngại lớn. Liên hợp quốc vẫn đang tiếp tục những nỗ lực để có thể hỗ trợ nhân đạo nhiều hơn nữa cho người dân ở khu vực này.
Vào trung tuần tháng 8 vừa qua, cơ quan này đã cung cấp 6 triệu USD cho bang Jonglei. Với khoản tiền mới này, những nỗ lực nhân đạo sẽ được thúc đẩy tại Nam Sudan. Tháng 6 vừa qua, Liên hợp quốc cũng đã hỗ trợ 5,5 triệu USD cho Nam Sudan.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính toàn cầu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 11%. Song, tỷ lệ này ở các bang Jonglei, Lakes, Unity và Warrap của Nam Sudan đã ở mức cao hơn, với các con số từ 14 đến 21%.
Theo Liên hợp quốc, khoảng hơn 4 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi vấn đề an ninh lương thực tại Nam Sudan. Hơn 70.000 đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn tại các địa phương khác kể từ đầu năm nay. Và khoảng hơn 220.000 đã phải tị nạn sang các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Sudan.
“Kế hoạch bảo vệ 3 góc”
Một trong những nỗ lực nhằm cải thiện tình hình ở Nam Sudan đó là “Kế hoạch bảo vệ 3 góc”. Theo đó, “3 góc” là chính trị, an ninh và xây dựng năng lực rất cần được hỗ trợ bởi Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.
|
Việc nối lại hoạt động xuất khẩu dầu giữa Sudan và Nam Sudan đã góp phần cải thiện tình hình an ninh, chính trị và kinh tế của Nam Sudan. (Ảnh: UN) |
Theo đó, quan chức Liên hợp quốc sẽ làm việc với các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan Liên hợp quốc khác và chính phủ Nam Sudan để tạo một môi trường an toàn. Ông Lanzer đã nêu một số ví dụ về việc giúp người dân xây dựng năng lực, hướng tới sự phát triển bền vững và ổn định về an ninh chính trị.
Ông nói: “Chúng ta có những người tị nạn đã từng là giáo viên. Chúng ta có họ để bắt đầu làm việc trong những trường học tạm và nhận số trẻ em quay trở lại để học tập và các em sẽ có một cuộc sống như bình thường, thoát khỏi những ám ảnh về cuộc khủng hoảng. Một khi mọi thứ ổn định và cuộc khủng hoảng đã được khắc phục, người dân tham gia cùng với cộng đồng địa phương. Bởi vậy, tôi đã nói với chính phủ Nam Sudan rằng, tôi rất hoan nghênh điều này và người tị nạn đã sống khá tốt cùng với cộng đồng địa phương”.
Bên cạnh đó, khi nói về tình hình an ninh chính trị ở Nam Sudan, không thể không nói đến mối quan hệ với người láng giềng Sudan. Có một thực tế là, đa số những thách thức mà Nam Sudan đang gặp phải dù ít dù nhiều đều có liên quan đến Sudan. Kể từ khi tách ra là một quốc gia độc lập, quan hệ giữa Nam Sudan và người láng giềng phương bắc liên tục gặp trục trặc. Những tranh chấp về biên giới lãnh thổ, khu vực giàu dầu mỏ Abyei, những bất đồng về chi phí vận chuyển.... đã khiến cho mâu thuẫn giữa hai nước trở nên căng thẳng.
Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho rằng, khủng hoảng kinh tế dần hiện ra sau khi hoạt động sản xuất dầu ngưng trệ và làm thiệt hại đến 98% thu nhập của nước này; vấn đề an ninh và những bất đồng trong tranh chấp biên giới với Sudan, căng thẳng trong quan hệ hai nước và hoạt động của các lực lượng nổi dậy.
Tuy vậy, tương lai giải quyết những bất đồng trên đã sáng sủa hơn sau khi xảy ra nhiều bước thăng trầm. Vào đầu tháng 9 này, hai nước đã cùng ký vào một bản thỏa thuận hợp tác. Theo đó, dầu mỏ của Nam Sudan sẽ tiếp tục chảy qua hệ thống đường ống của Sudan. Như vậy, không chỉ tình hình an ninh, chính trị được cải thiện mà cả vấn đề kinh tế của Nam Sudan cũng sẽ sôi động hơn nhờ sự tiếp tục trong hoạt động xuất khẩu dầu.
Rõ ràng, bên cạnh những nỗ lực nội tại của chính phủ và nhân dân Nam Sudan, sự hỗ trợ và chung tay góp sức của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế là rất cần thiết. Sự chung tay đó sẽ khiến con đường đi đến một tương lai tươi sáng hơn, hòa bình và ổn định hơn của Nam Sudan sẽ bớt xa hơn./.