Nạn nhân của trừng phạt

Thứ sáu, 13/04/2012 19:27
(ĐCSVN) - Báo cáo tổng kết "Beige Book" mới nhất về hoạt động quốc gia do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa công bố hôm 11/4 cho thấy, giá năng lượng tăng cao có thể sẽ phủ bóng đen lên các dấu hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ.
 
Trong khi chi tiêu hộ gia đình đang có triển vọng ngắn hạn đáng khích lệ thì các đầu mối giao dịch ở một số bang đang lo ngại giá gas tăng có thể hạn chế chi tiêu của dân Mỹ trong những tháng tới.

 

 Iran là quốc gia đứng thứ hai về sản lượng khai thác dầu thô trong OPEC
(Ảnh Presstv.ir)


Giá xăng nhập khẩu của Mỹ trong tháng Ba đã tăng 1,3%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4 năm 2011 do ảnh hưởng từ đợt tăng giá xăng bán lẻ thêm 4,3% vừa qua. Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định rằng, hiện có rất nhiều dấu hiệu cho thấy giá xăng dầu cao hơn là một gánh nặng đối với nền kinh tế Mỹ vốn đang phải chịu sức ép từ tỷ lệ thất nghiệp cao và khu vực bất động sản yếu kém do suy thoái thời kỳ 2007 – 2009. Theo báo cáo tuần trước của chính phủ Mỹ, chỉ có 120.000 việc làm được tạo ra trong tháng Ba – mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Những ngày gần đây, “câu chuyện” xăng tăng giá “ăn mòn” thu nhập của người Mỹ và đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế đã khiến ông chủ Nhà Trắng Barack Obama đứng ngồi không yên, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần và Cory Gardner, Nghị sĩ phe Cộng hòa, mới đây chỉ trích: “Giá xăng dầu cao là bằng chứng cho thấy chính sách kích thích kinh tế của ông Obama đã thất bại”.
 
Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến của Hãng tin ABC và tờ Bưu điện Washington vừa qua cũng cho thấy, tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Obama đã giảm xuống dưới 50%, do tình trạng giá xăng dầu không ngừng tăng. Có tới 65% số người được hỏi không tán thành cách xử lý của Tổng thống đối với vấn đề xăng dầu.

 

Biếm hoạ của  về lệnh cấm vận dầu mỏ của EU và Mỹ  đối với Iran
 (Ảnh Gulfnews.com)


Ông Obama vừa phải đi thăm 04 tiểu bang để quảng bá những nỗ lực phát triển năng lượng sạch, giúp Hoa Kỳ bớt phụ thuộc nguồn cung dầu từ nước ngoài. Đồng thời, kêu gọi Quốc hội dành sự hỗ trợ cho việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế; xây dựng nhanh một phần đường ống dẫn dầu đến Vịnh Mexico nhằm giải phóng “một sự tắc nghẽn cổ chai về dầu mỏ”…

Tuy nhiên, điều đáng nói là vấn đề giá xăng không “nằm trong lòng nước Mỹ”, mà chủ yếu phụ thuộc vào thái độ hiếu chiến của Mỹ với Iran, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới. Tổng thống Obama mới đây đã cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, có hiệu lực từ ngày 28/6, nhằm vào ngành dầu mỏ của Iran. Trong khi đó, Iran nhiều lần lên tiếng cảnh báo sẽ đóng cửa eo biển Hormuz - nơi trung chuyển 20% lượng dầu mỏ của toàn cầu. Theo đó, thời gian gần đây, mỗi khi nguy cơ nổ ra cuộc chiến Iran tăng, giá dầu lại bị đẩy tăng cao bởi nguy cơ giảm nguồn cung. Như vậy, khi trừng phạt Iran, nước Mỹ cũng lâm cảnh “gậy ông đập lưng ông”. Kinh tế Mỹ và ngay cả Tổng thống Mỹ cũng là “nạn nhân của trừng phạt”.

Không chỉ có vậy, khi Mỹ “ra đòn” với Iran, các đồng minh của Mỹ và nhiều nước khác cũng “dính đòn”. Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italy đều là những khách hàng lớn nhập dầu của Iran, nay đang đối mặt nguy cơ thiếu dầu do không thể nhập khẩu dầu từ nước này. Kinh tế toàn cầu cũng có nguy cơ chịu cảnh “cháy thành vạ lây”. Bà Christine Largade, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã cảnh báo về một “cú sốc lớn” với kinh tế thế giới, nếu nguồn cung dầu lớn từ Iran bị gián đoạn, đẩy giá dầu Brent Biển Bắc tăng 30%. Trong bối cảnh kinh tế các nước EU vẫn ảm đạm như hiện nay, “cú sốc” giá dầu có thể đẩy thêm nhiều quốc gia xuống vực thẳm khủng hoảng nợ công, gây thảm cảnh “Trạng chết, Chúa cũng băng hà”.

Dù khi quyết định trừng phạt Iran, ông Obama đã cố trấn an dư luận rằng, “các thị trường thế giới có đủ dầu để đảm bảo động thái này” và “lệnh trừng phạt sẽ không tác động đến người tiêu dùng Mỹ”. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy, Mỹ khó có thể ngăn giá dầu tăng trong trung và ngắn hạn, bởi các giải pháp hạn chế nhập khẩu dầu bằng phát triển nguồn năng lượng thay thế đều cần thời gian dài để thực hiện.

Như vậy, khi Hoa Kỳ ra đòn trừng phạt Iran khiến giá dầu tăng tức là họ đang tự “mua dây buộc mình”, bởi “nạn nhân” của lệnh trừng phạt không chỉ có mình Iran.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực