(ĐCSVN) – Theo Liên hợp quốc, năm 2013, số người di cư trên thế giới đã lên tới 232 triệu người. Di cư có thể mang lại những lợi ích đáng kể nhưng cũng để lại nhiều hệ quả tiêu cực. Các nền kinh tế phát triển và đang phát triển đều cần người di cư để đáp ứng nhu cầu về lao động có trình độ kỹ năng khác nhau.
|
Năm 2013, có 232 triệu người di cư quốc tế trên thế giới. (Ảnh: Reuters) |
Rất nhiều người di cư để sống và làm việc một cách an toàn và được tôn trọng. Tuy nhiên, cũng có nhiều người phải di cư vì đã sống trong cảnh đói nghèo, thiếu việc làm bền vững, bị vi phạm nhân quyền, xung đột vũ trang, khủng bố và suy thoái môi trường. Trong trường hợp không có cơ hội để di cư theo cách thông thường, họ sẽ tiến hành hoạt động này theo các kênh bất hợp pháp. Tại những nơi ở mới, nhiều người di cư phải đối mặt với tình trạng bị lạm dụng, phân biệt đối xử, trong khi đóng góp của họ cho xã hội sở tại luôn bị “làm ngơ”.
Xuất phát từ thực tế đó, ngày 4/12/2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định chọn ngày 18/12 hàng năm để kỷ niệm Ngày Di cư quốc tế (Nghị quyết A/RES/55/93), đánh dấu ngày thông qua Công ước quốc tế về bảo vệ các quyền của tất cả lao động di cư và thành viên gia đình của họ. Ngày Di cư quốc tế là cơ hội để giảm kỳ thị và nâng cao nhận thức về những đóng góp của người di cư trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội cho nước xuất xứ và nước di cư đến.
Tại Đối thoại cấp cao về di cư quốc tế và phát triển (ngày 3 – 4/10/2013), các chính phủ thành viên Liên hợp quốc đã thống nhất thông qua một tuyên bố kêu gọi tôn trọng các quyền con người và các chuẩn mực quốc tế về lao động; đồng thời tái khẳng định cam kết đấu tranh chống buôn bán người và lên án mạnh mẽ những biểu hiện của phân biệt chủng tộc và sự cố chấp.
Di cư - Mối liên hệ giữa văn hóa, kinh tế và xã hội
Nhờ cuộc cách mạng trong thông tin liên lạc và giao thông vận tải, hiện nay, những người di cư quốc tế có thể xây dựng được một liên kết con người năng động giữa các nền văn hóa, các nền kinh tế và các xã hội.
Hiện chỉ mất vài giây để chuyển tiền của những người di cư trở về các vùng sâu vùng xa của các nước đang phát triển, nơi mà những nguồn vốn của người di cư có thể được sử dụng để mua thức ăn và quần áo, nhà ở, đóng học phí, chăm sóc sức khỏe và đôi khi để giảm bớt các khoản nợ.
Thêm vào đó, internet và các công nghệ vệ tinh cũng giúp trao đổi liên tục các thông tin giữa những người di cư với nước xuất xứ của họ. Và với giá vé máy bay phải chăng như hiện nay, những người di cư cũng có thể về thăm quê hương thường xuyên hơn. Điều này giúp thúc đẩy sự phát triển và giao thoa giữa các nền văn hóa, kinh tế và các xã hội.
Di cư và phát triển
Không thể phủ nhận những đóng góp của người di cư đối với quá trình phát triển của thế giới, ở cả hai bình diện, đối với nước xuất xứ và nước di cư đến.
Tài sản của những người di cư không chỉ đơn giản được đo bằng tiền. Các kỹ năng và bí quyết mà họ tích lũy được cũng đóng vai trò quyết định trong việc chuyển giao công nghệ và kiến thức.
Ngoài ra, người di cư cũng truyền bá những cách suy nghĩ mới cả về mặt xã hội và chính trị. Chúng ta có thể thấy các minh chứng thực tế rõ rệt như lĩnh vực phần mềm ở Ấn Độ đã phát triển mạnh mẽ chủ yếu nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ được thiết lập giữa những người bản địa, người di cư trở về Ấn Độ và lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ trong và ngoài nước. Những người Albania làm việc tại Hy Lạp quay trở lại đất nước với kỹ năng canh tác mới để cải thiện sản xuất…
Thông qua việc thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm và đóng góp vào việc thành lập các quan hệ đối tác, cộng đồng quốc tế rất có thể tăng cường đáng kể và mở rộng các ảnh hưởng tích cực của di cư đến phát triển.
Bảo vệ những người di cư
Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu càng làm trầm trọng thêm các tổn thương mà những người di cư vốn đã phải gánh chịu. Những người di cư, ở cả hai giới, đều có nguy cơ bị khai thác và lạm dụng nhiều hơn, cũng như trở thành nạn nhân của những kẻ buôn lậu và buôn người, và đôi khi còn bị mất đi sự sống. Rất nhiều người di cư bị phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc bắt nguồn từ tình trạng căng thẳng về văn hóa và tôn giáo ở một số xã hội gia tăng.
Những người lao động nhập cư cũng đặc biệt dễ bị tổn thương. Họ phải gánh chịu bạo lực và trải qua nhiều hành vi vi phạm nhân quyền ở từng giai đoạn của chu kỳ di cư. Hành động bạo lực này thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như bạo lực thể chất, tình dục, tâm lý và tình cảm... Những người lao động nhập cư không có giấy tờ dễ bị tổn thương nhất trước các hành vi bạo lực, khai thác và phân biệt đối xử.
Chính vì vậy, tăng cường bảo vệ những người di cư là việc làm cấp bách và quan trọng, không chỉ giúp bảo đảm các quyền lợi cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội mà còn giúp hài hòa và tối đa hóa những lợi ích mà người di cư có thể đem lại cho cả nước xuất xứ và nước nhập cư cũng như hạn chế các hành động bất hợp pháp bắt nguồn từ làn sóng di cư quốc tế./.