Nếu Hy Lạp rời Eurozone...

Thứ sáu, 15/06/2012 11:33

(ĐCSVN)Những mối quan tâm về cuộc khủng hoảng tại châu Âu hiện đang đổ dồn về Hy Lạp – khi mà chỉ còn 2 ngày nữa sẽ chính thức diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 2 tại quốc gia này. Đây không chỉ là sự kiện mang tính quyết định đối với tương lai của Hy Lạp trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) mà còn được xem là một “liều thuốc thử” đối với nền kinh tế châu Âu và toàn thế giới.

 

Nguy cơ Hy Lạp buộc phải rời khỏi Eurozone đang ngày càng trở nên
hiện hữu (Ảnh: IT)


Cho dù vào thời điểm hiện tại, phần lớn dư luận đang trông đợi tương lai Hy Lạp sẽ ở lại khu vực Eurozone. Song theo nhận định của các nhà phân tích, khả năng này vẫn còn rất bấp bênh và tương lai Hy Lạp buộc phải rời khỏi Eurozone đang ngày càng trở nên hiện hữu, nhất là khi mà cuộc khủng hoảng về kinh tế và chính trị tại quốc gia này được đánh giá là “phức tạp và khó đoán định”. Theo nhận định của giới phân tích, việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone sẽ không chỉ để lại những tác động “khó lường” đối với nền kinh tế châu Âu mà còn tạo ra nhiều “thử thách mới” đối với nền kinh tế thế giới.

Ở lại hay ra đi? – câu hỏi lớn cho tương lai Hy Lạp

Hy Lạp đang tiến gần tới cuộc tuyển cử ngày chủ nhật tới đây với việc kết quả của cuộc bầu cử này sẽ quyết định liệu Athens sẽ tiếp tục ở lại hay ra khỏi trong khu vực đồng Euro. Sau cuộc bầu cử ngày 6/5, các đảng cánh tả đã không thiết lập được chính phủ và một cuộc bầu cử vòng hai sẽ được tổ chức vào ngày 17/6.

Theo kết quả trưng cầu dân ý vừa được công bố, đảng Dân chủ Mới (ND) với quan điểm nghiêng về gói cứu trợ hiện đang có mức ủng hộ tương đương với đảng phản đối gói cứu trợ là Liên minh cánh tả Syriza. Tuy nhiên, cho dù đảng nào giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 17/6 tới đây cũng sẽ đặt tương lai Hy Lạp vào những tình thế khó khăn nhất định.

Giới phân tích cho rằng, ngay cả khi ND giành được chiến thắng, đảng này vẫn phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là hình thành chính phủ liên minh và điều hành một quốc gia với nền kinh tế đổ vỡ và những xung đột xã hội gia tăng. Còn nếu chiến thắng thuộc về đảng phản đối gói cứu trợ thì quốc gia này sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi Eurozone-một kịch bản thậm chí  sẽ khiến đồng ơ-rô sụp đổ.

Phát biểu trước báo giới, ngày 12/6, lãnh đạo đảng Syriza, ông Alexis Tsipras cảnh báo, nếu đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 17/6 thì các thỏa thuận cứu trợ mà EU dành cho chính quyền Athens sẽ bị “loại bỏ ngay lập tức”. Nếu khả năng này diễn ra thì tất nhiên, tương lai Hy Lạp buộc phải rời khỏi Eurozone như lo ngại của nhiều người là không thể tránh khỏi.

Thậm chí Ngân hàng quốc gia Hy Lạp (NBG) vừa đưa ra dự báo về một “kịch bản tồi tệ” cho nền kinh tế nước nhà nếu như Athens rời khỏi Eurozone sẽ là: nền kinh tế bị sụt giảm 22%; tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 34%; thu nhập bình quân đầu người giảm 55% và tỷ lệ lạm phát tăng lên mức 30%.

Tuy nhiên, trái với những lo ngại trên, ông Martin Feldstein, giáo sư trường đại học Harvard (Mỹ) lại  cho rằng, người dân Hy Lạp nên chọn con đường rời khỏi Eurozone, đồng thời xem đây chính là con đường duy nhất để vực dậy nền kinh tế đang điêu đứng của nước này. Theo lý giải của ông Feldstein, Hy Lạp có thể tận dụng những lợi thế của việc phá giá đồng tiền nhằm khôi phục đà tăng trưởng kinh tế sau một thời gian ngắn “bị hỗn loạn và mất phương hướng” do quyết định rời khỏi Eurozone mang lại.

Trong khi đó, ông Shin Hyun Song, giáo sư đại học Princeton (Mỹ) cũng cho rằng, tương lai Hy Lạp rời khỏi Eurozone chỉ còn là vấn đề của thời gian và người dân Hy Lạp sẽ không còn phải tiếp tục “phân vân” trước quyết định này. Theo lập luận của ông Song, nếu như sự ra đi của Hy Lạp diễn ra “theo trình tự” thì ảnh hưởng của việc rời khỏi Eurozone đối với nền kinh tế này sẽ là không quá lớn.

Rõ ràng rằng, trong tình cảnh hiện nay, những người dân Hy Lạp – vốn đã mệt mỏi sau những thay đổi trong vòng 2 năm trở lại đây về chính sách cắt giảm tiền lương và phúc lợi; tăng thuế thu nhập; tình trạng mất công ăn việc làm và mất ổn định kéo dài lại đang phải đối mặt với một quyết định đầy khó khăn. Thậm chí, nhiều người còn tỏ ra khá bi quan khi cho rằng, họ đang phải cân nhắc giữa hai kịch bản vốn được dự báo là sẽ đẩy họ vào một giai đoạn bất ổn và khó khăn hơn cho dù Hy Lạp ở lại hay rời khỏi Eurozone.

Hy Lạp rời khỏi Eurozone – liều "thuốc thử" đối với nền kinh tế châu Âu và thế giới

Theo tính toán từ cố vấn kinh tế của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, ông Andre Sapir thì “chi phí trực tiếp” cho việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone sẽ lên tới 400 tỷ ơ-rô, trong khi đó, “chi phí gián tiếp” cho kịch bản này thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Ông Sapir cho rằng, sự rút lui của Hy Lạp khỏi Eurozone sẽ khiến cho gánh nặng tài chính của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Ireland và một số nước khác thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu gia tăng một cách đáng kể và rất có thể một hoặc hai trong số các nước kể trên sẽ đi theo “vết xe đổ” của Athens. Tình huống này, nếu xảy ra, thậm chí còn được dự báo là sẽ vượt xa cả khả năng đáp ứng từ các quỹ cứu trợ của châu Âu.

Hiện nay, các ngân hàng Eurozone đang nắm giữ một lượng lớn trái phiếu chính phủ của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Ireland và nguy cơ 1 trong số các nước này rời khỏi Eurozone được dự báo là sẽ gây nên “một cơn địa chấn mạnh” đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng của Eurozone.

Theo đánh giá hiện nay của tập đoàn Goldman Sachs, kịch bản Hy Lạp rời khỏi Eurozone sẽ khiến cho nền kinh tế của toàn bộ khu vực châu Âu phải đối mặt với nguy cơ bị thâm hụt từ mức 1 đến 2%. Và, nếu như kịch bản Eurozone bị sụp đổ trở thành hiện thực thì mức thâm hụt này sẽ tăng lên mức xấp xỉ hai con số.

Trong khi đó, một nhà kinh tế thuộc tập đoàn JP Morgan, ông Joseph Lupton vừa đưa ra dự báo rằng, việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone sẽ để lại tác động nặng nề đối với nền kinh tế thế giới. Cụ thể, kịch bản này sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động ngoại thương, tài chính và chỉ số lòng tin trên toàn thế giới và dẫn tới kinh tế toàn cầu sụt giảm khoảng 0,5%. Theo tính toán của ông Lupton, những nạn nhân đầu tiên sau quyết định khai trừ Hy Lạp khỏi Eurozone sẽ là các nước láng giềng ở châu Âu vốn có mối quan hệ kinh tế gần gũi với Eurozone gồm Hungary và CH Séc. Ông Lupton cho rằng, Nga và một số nước khác thuộc khu vực Trung Đông – vốn phụ thuộc phần lớn vào các hoạt động sản xuất dầu mỏ, cùng Australia và Brazil – hai nước xuất khẩu quặng sắt lớn trên thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu như kịch bản Hy Lạp rời khỏi Eurozone trở thành hiện thực.

Trong khi đó, theo dự báo của Tập đoàn vốn quốc tế Trung Quốc (CICC) thì nền kinh tế thuộc top đầu trên thế giới này cũng sẽ đối mặt với nguy cơ bị sụt giảm 3,9% trong năm 2012 nếu Hy Lạp rời khỏi Eurozone./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực