Nhiều nhà phân tích cho rằng, dù Nga có là thành viên của WTO thì vẫn còn đó những khúc mắc trong mối quan hệ với “láng giềng” Gruzia.
Sau 18 năm thương thảo, Nga đã gỡ bỏ được chướng ngại vật cuối cùng để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bằng một Thoả ước ký với Gruzia tại Geneva ngày 9/11.
Tuy nhiên, theo dõi diễn biến của quá trình Nga gia nhập WTO, dư luận không khỏi đặt câu hỏi, liệu đây đã là đoạn kết cho những “khúc mắc” trên con đường Nga gia nhập WTO? Đặc biệt quan hệ hai quốc gia láng giềng Nga - Gruzia rồi đây sẽ ra sao?
Nước Nga bắt đầu quá trình phấn đấu trở thành thành viên của WTO từ năm 1995, ngay khi WTO vừa thành lập. Tuy nhiên trên thực tế, từ trước đó 2 năm, tức là vào năm 1993, Nga đã nộp đơn xin gia nhập tổ chức tiền thân của WTO là GATT (Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch). Thế nhưng do không ít bất đồng, lúc thì giữa Nga với Mỹ, giữa Nga với Ủy ban Châu Âu (EC) rồi lại giữa Nga với quốc gia láng giềng Gruzia mà cho đến nay, Nga vẫn là nền kinh tế lớn và là nước duy nhất trong khối G20 chưa phải là thành viên của WTO.
Theo nguyên tắc, để đủ tiêu chuẩn gia nhập WTO, Nga phải đạt được sự đồng ý của tất cả 153 nước thành viên của tổ chức này và nếu chỉ vì những lý do bất kỳ như sự căng thẳng trong quan hệ song phương dẫn tới thái độ kiên quyết phản đối của Gruzia thì cánh cửa WTO cũng sẽ không bao giờ được hé mở. Tuy nhiên, với những lợi thế không nhỏ của nền kinh tế Nga, cộng đồng quốc tế đã phải “xuống thang” mà “gây sức ép” với Gruzia để một Thoả ước cuối cùng được ký kết.
Thế nhưng, cái gọi là “Thoả ước” do Thụy Sĩ làm trung gian sẽ bao gồm việc giám sát độc lập tất cả những trao đổi thương mại giữa Nga và Gruzia trong đó có vùng Abkhazia và Nam Ossetia. Đây vốn là vướng mắc để hai bên không thể nhân nhượng nhau thời gian qua. Gruzia đòi Nga phải cho tiếp cận những thông tin về mậu dịch trong hai vùng ly khai này, trong khi Nga luôn kiên quyết phản đối.
Với Thoả ước vừa được ký kết giữa Nga và Gruzia, vào trung tuần tháng 12, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại WTO sẽ nhóm họp tại Geneve (Thuỵ Sĩ) để xem xét và thông qua “gói tài liệu” của Nga tham gia tổ chức này. Như vậy, việc Nga chính thức trở thành thành viên thứ 154 của WTO chỉ còn mang tính thủ tục và nó sẽ diễn ra vào đầu năm sau.
Theo các nhà phân tích, việc Nga - một trong những quốc gia rộng lớn nhất và quyền lực nhất thế giới chính thức trở thành thành viên của WTO mang lại nhiều hứa hẹn trong bối cảnh ảm đảm của nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như WTO nói riêng. WTO cần Nga để nâng cao uy thế chính trị đồng thời sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga nhìn chung sẽ kích thích sự phát triển của cả nền kinh tế thế giới.
Về phần mình, Nga cũng có những lợi ích nhất định: kinh tế và thương mại của Nga có thể tiếp cận các thị trường tiêu dùng nước ngoài, đồng thời việc trở thành thành viên WTO sẽ kích thích Moscow tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và ngược lại. Nga cũng sẽ thêm công cụ bảo vệ các lợi ích kinh tế của họ nhờ được tham gia vào các cuộc đàm phán liên quan đến các hiệp định thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi lại cho rằng, tư cách thành viên của WTO hầu như chẳng tác động gì nhiều đến hiệu suất của nền kinh tế Nga trong tương lai gần và ngược lại thị trường Nga cũng không hứa hẹn gì nhiều cho các nền kinh tế khác cũng là thành viên của WTO. Chính những sự yếu kém về tính cạnh tranh của hàng hóa Nga, rồi các chính sách kinh tế - xã hội Nga chưa phù hợp với các cơ chế của tổ chức này… là nguyên nhân của những ý kiến trái ngược về việc Nga gia nhập WTO.
Còn việc Nga - Gruzia đã cùng ký Thoả ước để Nga trở thành thành viên của WTO thì là người lạc quan nhất cũng không dám tin rằng, nó sẽ góp phần giải tỏa mối bất hòa giữa hai nước. Bởi vẫn còn đó những bất đồng nghiêm trọng xung quanh việc ly khai của hai nước cộng hòa vốn thuộc Gruzia là Abkhazia và Nam Ossetia mà Nga là quốc gia duy nhất công nhận. Và những điều khoản nêu trong Thoả ước cũng vẫn sẽ là những “khúc mắc” trong quan hệ song phương tương lai.
Và như vậy, đây chưa thể coi là “đoạn kết” cho những khó khăn trong quan hệ Nga - Gruzia./.