Mới đây, Gruzia đã lên tiếng thừa nhận quốc gia này cũng sẽ được hưởng lợi khi Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và bởi vậy Gruzia sẽ không cản trở Nga gia nhập tổ chức này. Lời tuyên bố của Tbilisi dường như đã gỡ được một vật cản lớn trên con đường để Moscow trở thành thành viên chính thức của WTO.
|
Moscow đã gỡ được một vật cản lớn trên con đường để trở thành thành viên chính thức của WTO. (Ảnh minh hoạ) |
Diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Nga – Gruzia xuất phát từ khi xảy ra cuộc chiến chớp nhoáng hồi tháng 8/2008 và việc Moscow công nhận độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia. Cũng từ cuộc chiến đó mà cho đến nay hai bên chưa khai thông được một số bất đồng, đặc biệt là bất đồng xung quanh việc Gruzia muốn Nga chấp nhận kiểm soát hải quan tại biên giới giữa hai nước được quốc tế công nhận, trong đó có biên giới với hai khu vực nằm trong lãnh thổ Gruzia hiện do lực lượng nổi dậy kiểm soát.
Trước đó, từ cuối tháng 4/2008, Gruzia đã từng rút khỏi tiến trình đàm phán về việc Nga gia nhập WTO để phản đối quyết định của Tổng thống Nga khi đó đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Abkhazia và Nam Ossetia, hai vùng lãnh thổ thuộc Gruzia đã tuyên bố độc lập. Chính từ những bất đồng đó mà việc Nga từng nộp đơn gia nhập WTO từ tháng 6/1993 gặp trở ngại lớn và đến nay vẫn chưa thể hoàn thành tiến trình đàm phán để hội nhập tổ chức thương mại lớn nhất thế giới với 153 thành viên này.
Tuy nhiên, bước sang năm nay, nhiều động thái quan trọng diễn ra đã mang lại hy vọng Nga có thể gia nhập WTO vào cuối năm. Chính Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy mới đây cũng lên tiếng về triển vọng này và nhận định rằng, với những chuyển biến tích cực thời gian gần đây, Moscow có thể thực hiện kế hoạch này vào cuối năm nay, khi WTO tổ chức hội nghị Bộ trưởng Thương mại vào tháng 12. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cũng đã bày tỏ sự ủng hộ to lớn của EC đối với đối tác thương mại lớn là Nga trong tiến trình gia nhập WTO.
Về phần mình, với những nỗ lực to lớn, Moscow đã đạt thỏa thuận về quy mô các khoản trợ cấp nông nghiệp và một số vấn đề cần tiếp tục đàm phán khác cũng có nhiều dấu hiệu thuận lợi. Đó là các vấn đề như hạn ngạch nhập khẩu thịt, các quy định về lắp ráp ô tô cũng như các quy định về an toàn nhập khẩu thực phẩm, rau quả và thịt sống.
Những bất đồng đã dần được tháo gỡ và việc một nền kinh tế với tổng trị giá 1.500 tỷ USD trở thành một thành viên nữa của WTO chắc chắn sẽ góp phần quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại chung. Nhiều nhà phân tích kinh tế đã khẳng định rằng, việc Nga trở thành thành viên chính thức của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này sẽ thúc đẩy hoạt động giao thương trong khu vực và toàn cầu phát triển. Những mối lợi đó là dành cho tất cả các nước thành viên, trong đó nhất định là có cả Gruzia. Điều này, chính Tbilisi cũng nhận thấy và có lẽ đó là lý do thôi thúc quốc gia này nhanh chóng giải quyết những bất đồng với Moscow để Nga gia nhập WTO vào cuối năm nay. Có lẽ cũng bởi vậy mà gác lại không ít bất đồng, các nhà đàm phán Gruzia và Nga mới đây đã có cuộc gặp tại Geneva để chuẩn bị cho vòng đàm phán kỹ thuật sắp tới.
Bước “tiến triển” lớn là vậy, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, giữa Nga và Gruzia sẽ còn không ít khó khăn bởi tồn tại lớn nhất trong tiến trình đàm phán vẫn là Gruzia thì kiên quyết lập trường là sẽ không có bất cứ thỏa thuận cuối cùng nào đạt được nếu Moscow không triển khai quan sát viên quốc tế tại các trạm kiểm soát dọc biên giới Abkhazia và Nam Ossetia, hai nước cộng hòa li khai trực thuộc Gruzia, còn Nga thì không dễ dàng chấp nhận.
Thế nhưng, vì lợi ích của mỗi quốc gia và vì lợi ích chung, dư luận hy vọng những tiến triển có lợi đang diễn ra sẽ giúp đưa hai quốc gia láng giềng gần này xích lại gần nhau hơn; căng thẳng sẽ sớm được giải toả và mục tiêu xa hơn không chỉ là việc Nga gia nhập WTO mà là thiết lập lại mối quan hệ láng giềng Nga - Gruzia./.