Nga và Trung Quốc chỉ trích phản ứng của phương Tây

Thứ sáu, 10/02/2012 19:18

Nga và Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích phản ứng “quá khích” của các nước phương Tây và A-rập khi các nước này đồng loạt thể hiện thái độ “tức tối” do nghị quyết mới của HĐBA LHQ về vấn đề Xy-ri bị Nga và Trung Quốc phủ quyết đêm 4-2.

Người dân Xy-ri xuống đường ủng hộ chính phủ ngày 5-2. Ảnh: AFP

Văn kiện mới không công khai kêu gọi Tổng thống Át-xát (Assad) từ chức hoặc đề cập đến một lệnh cấm vận vũ khí hay các biện pháp trừng phạt, nhưng lại "hoàn toàn ủng hộ" kế hoạch của Liên đoàn A-rập (AL) nhằm tạo thuận lợi cho cái gọi là “quá trình chuyển tiếp dân chủ” tại Xy-ri, nơi được cho là "đang chìm trong bạo lực". Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng vài ngày, Nga và Trung Quốc dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn sự dồn ép của phương Tây đối với Xy-ri.

Ngoại trưởng Nga X.La-vrốp (S.Lavrov) đã chỉ trích phương Tây phản ứng "quá khích" về việc Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ. Trả lời báo giới tại Mát-xcơ-va, ông La-vrốp nêu rõ: "Tôi cho rằng, một số bình luận của phương Tây về việc bỏ phiếu tại HĐBA là khiếm nhã và gần như quá khích. Các bình luận quá khích như vậy là nhằm lấp liếm những gì đang thực sự diễn ra". Ông La-vrốp còn nói rằng, việc thông qua dự thảo trên đồng nghĩa với việc chọn phe phái trong một cuộc nội chiến. Theo ông, bản dự thảo này đưa ra nhiều đòi hỏi đối với các lực lượng của chính phủ Xy-ri mà gần như không đề cập gì tới những yếu tố bạo lực của phe đối lập.

Trung Quốc cùng ngày đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ cho rằng, Bắc Kinh và Mát-xcơ-va đang bảo vệ chế độ cầm quyền Xy-ri. Trả lời báo giới, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói: "Trung Quốc không chấp nhận các cáo buộc của Mỹ về việc phủ quyết nghị quyết về Xy-ri... Chúng tôi không bảo vệ ai cả". Tờ "Nhân dân Nhật báo" ra ngày 6-2 có bài viết về vấn đề này, trong đó nhấn mạnh “chỉ ủng hộ một bên và gây sức ép đối với bên còn lại dường như không phải là cách đem lại chiều hướng tốt đẹp hơn, mà thực tế nó còn là gốc rễ cho một thảm họa mới”.

Quyết định của Nga và Trung Quốc đã khiến phương Tây, Liên đoàn A-rập và phe đối lập tại Xy-ri vô cùng tức tối. Hàng loạt phát biểu mang tính chỉ trích, thậm chí vượt cả ra ngoài những nguyên tắc ngoại giao cơ bản, đã được một số nhà lãnh đạo phương Tây tuyên bố một cách thẳng thừng với Mát-xcơ-va và Bắc Kinh. Các cuộc biểu tình và tấn công đại sứ quán Xy-ri cũng đã diễn ra tại nhiều nước như Ô-xtrây-li-a, Hy Lạp, Anh, Đức, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Cô-oét.

Ngoại trưởng Mỹ H.Clin-tơn (H.Clinton) đã gọi hành động dùng quyền phủ quyết của Nga và Trung Quốc là “một trò hề”. Về phần mình, Ngoại trưởng Anh U.Ha-gơ (W.Hague) cho rằng, Mát-xcơ-va và Bắc Kinh đã quay lưng lại với thế giới A-rập. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp A.Giuýp-pê (A.Juppe) chỉ trích Nga và Trung Quốc “đã thực hiện một trách nhiệm khủng khiếp trong con mắt của thế giới và người dân Xy-ri”.

Bực tức trước quyết định của Nga, Trung Quốc, Ngoại trưởng Hi-la-ri tuyên bố đầy thách thức rằng, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các nước khác để thắt chặt “các biện pháp trừng phạt mang tính quốc gia và khu vực” đối với chính quyền của Tổng thống Át-xát, “làm cạn kiệt nguồn tài chính và chặn đứng các nguồn cung cấp vũ khí để bộ máy chiến tranh của chính quyền Xy-ri không thể hoạt động”. “Chúng tôi sẽ bắt tay với các bạn bè của một nước Xy-ri dân chủ trên khắp thế giới để ủng hộ kế hoạch thay đổi chính trị hòa bình của phe đối lập”, bà Hi-la-ri nhấn mạnh. Ngoài các nước phương Tây, một số nước A-rập cũng lên tiếng chỉ trích Nga và Trung Quốc. Ông B.Ga-li-un (B.Ghalioun), người đứng đầu phe đối lập Xy-ri, kêu gọi các quốc gia ủng hộ phe đối lập nên thành lập một liên minh để "giúp đỡ" nhân dân Xy-ri tiến hành cách mạng thông qua sự hỗ trợ về chính trị và kinh tế.

Trong khi các nước phương Tây tức tối thì I-ran ngày 6-2 đã hoan nghênh việc Nga và Trung Quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết lên án Xy-ri. Ngoại trưởng I-ran Xa-lê-hi (Salehi) nhận định "đây là một hành động đúng đắn", đồng thời nhấn mạnh "HĐBA LHQ không có thẩm quyền can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia". Trong một động thái có liên quan, AL cho biết sẽ tiếp tục các nỗ lực chấm dứt bạo lực chính trị tại Xy-ri nhằm ngăn chặn sự can thiệp quân sự từ bên ngoài. Dự kiến, AL sẽ nhóm họp vào ngày 11-2 tới tại Cai-rô để đánh giá lại sứ mệnh của phái bộ quan sát viên AL tại Xy-ri.

Một chuyên gia phân tích chính trị tại Xy-ri, ông Gioóc-giơ Ga-bua (George Gabbour) nhận định lá phiếu phủ quyết của Nga và Trung Quốc là lời kêu gọi tất cả các bên ở Xy-ri tiến hành đối thoại, vốn là giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông cho rằng: "Những ai từ chối đối thoại tức là muốn bạo lực và đổ máu". Trong khi đó, chuyên gia phân tích Ta-lép I-bra-him (Taleb Ibrahim) cũng cho biết, lá phiếu phủ quyết kép trên sẽ giúp lập lại hòa bình và ổn định tại Xy-ri, đồng thời cứu được tính mạng của nhiều người dân vô tội nước này.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực