(ĐCSVN) - Hơn một năm trước, cuộc “Cách mạng Hoa nhài” nổ ra từ Tunisia rồi lan đến Lybia, đã được cho là thắng lợi khi nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ và tiêu diệt, chính phủ lâm thời được lập ra với nòng cốt là Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Lybia (NTC). Phương Tây đã hoan hỷ khi tung hô các phong trào nổi dậy với kỳ vọng những “Mùa xuân Arập” dưới “ánh sáng dân chủ” của họ sẽ “đơm hoa kết trái” khắp trung Đông, Bắc Phi và nhiều nước khác.
Còn nhớ, ngày ông Gaddafi bị giết hại, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã vui mừng ca ngợi đây là "bước tiến" trong quá trình chuyển tiếp sang nền dân chủ ở đất nước Bắc Phi này. Tuy nhiên, sau khi những ồn ào về một “tương lai tốt đẹp” mà “những người bạn” của Lybia cam kết với nước này qua đi; những cuộc “chia bánh” dầu mỏ tại quốc gia này cơ bản ngã ngũ, ở thời điểm này, chúng ta thấy gì khi nhìn vào “thành quả cách mạng Hoa nhài” thông qua “khung cửa Lybia”? Có thể nói “mùa xuân” của ấm no, hạnh phúc, công bằng và dân chủ vẫn còn rất xa với với những người dân Lybia, khi cuộc sống hằng ngày vẫn thiếu thốn, bất an; những vết thương chiến tranh vẫn rỉ máu; bất đồng, xung đột vẫn tiếp diễn và nguy cơ nội chiến luôn hiện hữu.
Hòa hợp dân tộc đang là thách thức lớn của Lybia và chính quyền mới ở đây đang phải đương đầu với tình trạng vô chính phủ, vũ khí tràn lan, các cuộc xung đột bộ tộc và phe phái.... Cách đây ít lâu, Đại sứ Mỹ ở Libya – ông Gene Cretz ước tính số người thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Libya năm 2011 vào khoảng 30.000, nhiều hơn số người chết do sóng thần, động đất ở Nhật Bản. Tuy nhiên, con số này đang tiếp tục tăng khi mà “làn sóng” bạo lực ở Lybia vẫn chưa hề lắng xuống, máu của dân thường vẫn đổ. Tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Lybia, ông Yussef al-Mangush vừa cho biết, chính phủ nước này đã phải điều động quân đội tới thành phố sa mạc Kufra, miền Đông Nam Lybia, để giải quyết cuộc xung đột đẫm máu giữa bộ tộc Toubu và bộ tộc Zwai kéo dài nhiều ngày qua làm hàng trăm người thiệt mạng.
“Tiến trình dân chủ” tại Lybia cũng đang đặt ra những câu hỏi lớn và nhiều chuyên gia phương Tây gần đây phải chua chát thừa nhận là “còn xa vời” khi đề cập vấn đề này. Những bất đồng liên quan tới việc bầu cử, chủ trương thành lập chế độ liên bang… cũng đang khoét sâu mâu thuẫn trong lòng Lybia. Hai tuần trước, hàng nghìn người biểu tình đã đổ ra khắp các đường phố ở thủ đô Tripoli và Benghazi để phản đối chủ trương thành lập chế độ liên bang do Ahmed Zubair al-Senussi - người đứng đầu Hội đồng khu vực tự trị mới thành lập Cyrenaica ở miền Đông Lybia đề xuất. Các cuộc biểu tình đã dẫn đến bạo lực làm một người chết và nhiều cửa hiệu bị đốt cháy.
Ở thời điểm này, nhiều chuyên gia phương Tây cũng đã tỏ ra nghi ngờ: Liệu dân chủ có thật sự được thực thi với những người làm nên “Mùa xuân Arập” ở Lybia? Hơn một năm trước, khi làn sóng bạo loạn và lật đổ được sự cổ súy của Mỹ và phương Tây lan ra khắp Trung Đông, Bắc Phi và nhấn chìm Lybia, giới học giả phương Tây nói nhiều đến cuốn sách Dictatorship to Democracy (tạm dịch: Từ độc tài tới dân chủ), do giáo sư Gên Sharp viết cho phong trào dân chủ Myanmar vào năm 1993. Gene Sharp đã được nhiều người tung hô là “tác giả chiến lược” hướng dẫn lật đổ với cuốn “cẩm nang” này. Và người “cha đẻ” của chiến lược lật đổ nói trên từng tự tin tuyên bố rằng: “Một chế độ độc tài chấm dứt thì mọi vấn đề khác cũng sẽ biến mất” và “sự sụp đổ của một chế độ cai trị mở ra con đường để xây dựng những mối quan hệ chính trị, kinh tế, và xã hội công bằng hơn, xóa đi những hình thức bất công và áp bức”. Đây cũng chính là lý tưởng mà phương Tây ca ngợi và cổ súy cho những cuộc nổi dậy ở Trung Đông, Bắc Phi vừa qua nói chung và Lybia nói riêng. Song, ở thời điểm này, nếu ngắm “Hoa nhài” qua “khung cửa” của Lybia, hay nhìn vào cảnh tan hoang của một số nước khác sau “Mùa xuân Arập”, người ta không hề thấy tự do, dân chủ “đơm hoa kết trái”, mà chỉ thấy nghèo đói, bất công, xung đột bạo loạn chưa biết khi nào chấm dứt mà thôi./.