(ĐCSVN) – Sau hơn một thập kỷ theo đuổi cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, song nỗi lo về an ninh vẫn tiếp tục đeo đuổi nước Mỹ. Các nhà chức trách nước này vẫn chưa tìm ra được câu trả lời chắc chắc cho câu hỏi: Liệu nước Mỹ đã thực sự an toàn hay chưa?
|
Sự kiện 11/9 gây chấn động nước Mỹ và toàn thế giới (Ảnh: Reuters) |
Hôm nay, nước Mỹ tưởng niệm 11 năm ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng 11/9 ở thành phố New York. Đó là một sự kiện buồn, một vụ tấn công khủng bố đánh dấu sự khởi đầu của thế kỷ và đánh dấu một chuỗi tác động tới quốc gia vốn được xem là hùng mạnh nhất thế giới.
Sáng ngày 11/9/2001, các chuyến bay định mệnh American Airlines 11, United Airlines 175 đâm sập Tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới cao 110 tầng ở thành phố New York; American Airlines 77 đâm nổ tung phần sườn phía Tây Lầu Năm Góc gần thủ đô Washington; United Airlines 93 đâm xuống ngoại ô thành phố Shanksville, bang Pensylvania. Vụ tấn công đẫm máu đã khiến 2.996 người thuộc 70 quốc gia bị thiệt mạng.
11 năm sau, ngày kỷ niệm sự kiện này không còn diễn ra một cách rầm rộ với các sự kiện công cộng lớn. Thay vào đó, năm nay, lễ kỷ niệm diễn ra theo cách “cá nhân” hơn rất nhiều. Như thường lệ, những người Mỹ sẽ dành một phút mặc niệm bắt đầu từ 8h46 (giờ Washington, DC). Những lá cờ Mỹ sẽ được treo rủ để tưởng nhớ cái chết của hàng nghìn người dân trong vụ tấn công khủng bố. Các buổi lễ kỷ niệm, ở cấp thành phố, cấp quận, ... cũng sẽ được tổ chức trên khắp nước Mỹ.
Trong bài diễn văn kỷ niệm nhân sự kiện này, Tổng thống Mỹ Barack Obama vinh danh những người đã hy sinh vì sự an toàn của nước Mỹ và khẳng định các cuộc tấn công khủng bố không làm cho người Mỹ nhụt chí mà càng làm cho nước Mỹ mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, đối thủ của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống, ông Mitt Romney chỉ có bài phát biểu – không được công khai – trước lực lượng bảo vệ quốc gia.
Cả hai ứng cử viên cho cương vị người đứng đầu nước Mỹ đều không có bất kỳ một biểu hiện nào dùng sự kiện này làm công cụ vận động tranh cử. Năm nay, thời khắc kỷ niệm sự kiện đáng buồn này chỉ dành để hồi tưởng và diễn ra trong đồng thuận. Theo chuyên gia chính trị của Mỹ, ông Soufian Alsabbagh, “đây là dịp để cùng tập hợp hướng về các chủ đề mang tính toàn cầu như là sự lớn mạnh của quốc gia”. Hay như nhà sử học Thomas Snégaroff: “Nước Mỹ mong muốn vượt qua để tiến đến một cái khác. Hơn nữa, sẽ rất tệ nếu chứng kiến một trong hai ứng cử viên khai thác sự kiện này”.
Hơn một thập kỷ, vẫn chưa hết bàng hoàng
Trải qua 11 năm, cuộc chiến chống khủng bố không những không làm thay đổi diện mạo an ninh cho nước Mỹ và thế giới, mà thậm chí còn khiến tình hình bất ổn ngày càng lan rộng. Vụ khủng bố 11/9 đã kéo Mỹ vào hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, cuộc chiến chống khủng bố trên quy mô toàn cầu kèm theo những khoản chi phí khổng lồ cho quân sự. Hơn 40 quốc gia trên thế giới đã bị cuốn vào cuộc chiến do chính quyền Bush phát động vào năm 2001. Và số người chết trong cuộc chiến mang tên chống khủng bố ấy có lẽ đã cao hơn nhiều số người thiệt mạng vì vụ khủng bố năm 2001.
Ngay tại nước Mỹ, không ít lần Bộ Quốc phòng phải đặt các căn cứ quân sự trên toàn quốc ở mức báo động cao nhất. Đặc biệt, nước Mỹ tiếp tục phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng do sa lầy tại hai chiến trường Afghanistan và Iraq. Hơn 6.000 lính Mỹ thiệt mạng và 45.000 người bị thương cùng với hàng nghìn tỷ USD từ ngân sách bị tiêu tốn. Thêm vào đó, những vụ bê bối liên quan tới việc áp dụng các biện pháp giam cầm, tra tấn, ngược đãi tù nhân đã khiến nước Mỹ không ít lần vấp phải ý kiến phản đối từ phía cộng đồng thế giới. Đó chỉ là những hậu quả nhãn tiền mà nước Mỹ buộc phải gánh chịu sau hai cuộc chiến mang danh chống khủng bố. Và không sai khi nói rằng chính các hậu quả này đã tiếp tục khiến nền kinh tế tiếp tục trì trệ, làm gia tăng sự bất mãn trong người dân và là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ các vụ bạo lực tại Mỹ.
Còn trên thế giới, các cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố, đem lại hòa bình cho người dân theo như lời Washington hứa hẹn không những không đem lại một môi trường an ninh ổn định mà thậm chí còn gây ra những tàn phá nặng nề. Chiến tranh làm hàng trăm nghìn dân thường Afghanistan và Iraq thiệt mạng, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và sống cảnh tị nạn, kèm theo những tổn thất nặng nề về kinh tế. Cuộc chiến mà theo Mỹ là chống khủng bố đã đẩy hai quốc gia Afghanistan và Iraq luôn trở thành “điểm nóng” về bất ổn trên thế giới.
Những tia sáng hiếm hoi chưa đủ át đi bóng đen khủng bố
Gần đây nhất, ngày 31/7 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố bản báo cáo hàng năm về kết quả cuộc chiến chống khủng bố cho biết, vụ trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt đã góp phần biến năm 2011 trở thành năm có số vụ tấn công khủng bố thấp nhất trong 7 năm qua.
|
Người dân Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ về sự kiện 11/9/2001 (Ảnh: Reuters) |
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đánh giá, năm 2011 là “năm cột mốc” đánh dấu kết quả của cuộc chiến chống khủng bố kéo dài hơn một thập kỷ qua, với việc các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ tiêu diệt Osama bin Laden vào đêm 1/5, sau đó lần lượt tiêu diệt hai thủ lĩnh chóp bu khác của nhóm khủng bố quốc tế Al-Qaeda là Atiyah Abd al-Rahman và Anwar al-Awlak), kẻ cầm đầu chi nhánh Al Qaeda tại Yemen. Theo bản báo cáo này, “cái chết của Osama bin Laden và những thủ lĩnh quan trọng này đã đẩy mạng lưới khủng bố Al Qaeda vào tình trạng suy tàn tới mức khó phục hồi trở lại”.
Theo bản báo cáo, trong năm 2011, trên toàn thế giới chỉ xảy ra 10.283 vụ tấn công khủng bố, giảm so với 11.641 vụ năm 2010. Số nạn nhân bị thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố năm ngoái là 12.533 so với 13.193 người của năm 2010. Năm 2011 được ghi nhận là năm có số vụ khủng bố và số người bị thiệt mạng do khủng bố thấp nhất kể từ năm 2005 - năm có hơn 11.000 vụ khủng bố khiến hơn 14.000 người thiệt mạng.
Hơn một thập kỷ đã đi qua, song nước Mỹ vẫn chưa thôi “giật mình” khi nhắc tới sự kiện 11/9 kèm theo những lo ngại chưa bao giờ nguôi ngoai về mối đe dọa khủng bố. Dù thể hiện quyết tâm và nhiều nỗ lực trong cuộc đấu tranh chống khủng bố, song nguy cơ để xảy ra các sự vụ tương tự như vụ 11/9 vẫn còn đó và đe dọa người dân cũng như giới chức nước này.
Tờ The Technology Review số ra gần đây đăng tải kết quả nghiên cứu do hai nhà thống kê Aaron Clauset (Viện Nghiên cứu Santa Fe – Mỹ) và Ryan Woodward (Viện Công nghệ Liên bang – Zurich, Thụy Sỹ) cho thấy, nguy cơ tái diễn sự kiện tương tự như 11/9 hiện là 50%.
Hai nhà nghiên cứu xem xét kỹ lưỡng hơn 13.000 vụ tấn công khủng bố xảy ra trong giai đoạn 1968 - 2007, bằng cách sử dụng các phương pháp tính toán tương tự cho công tác phòng chống thiên tai. Theo đó, trong vòng 40 năm vừa qua, một vụ tấn công tương tự như 11/9 đã có 11-35% nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào. Dự báo này trong 10 năm tới vẫn còn rất đáng lo ngại, bởi vì theo hai nhà nghiên cứu đánh giá, một vụ 11/9 mới sẽ có thể có từ 20-50% nguy cơ tái diễn./.