(ĐCSVN) – Có thể thấy rằng chưa bao giờ thế giới chứng kiến một số lượng người phải di dời do khủng hoảng lớn như hiện nay – gần 60 triệu người theo số liệu mới nhất của Liên hợp quốc. Ngày Dân số Thế giới năm nay (11/7/2015), vì vậy, dành sự quan tâm đặc biệt tới phần dân số dễ bị tổn thương trong các trường hợp khẩn cấp, đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng thiết lập mục tiêu táo bạo, sẽ làm cho 2015 trở thành năm của hành động toàn cầu, xây dựng một thế giới mạnh mẽ, thanh bình và thịnh vượng cho các thế hệ tương lai.
Cách đây 28 năm, vào ngày 11/7/1987, cậu bé người Nam Tư Matej Gašpar ra đời tại thành phố Zagreb (nay là thủ đô của Croatia) và đây cũng là công dân thứ 5 tỷ của thế giới. Đứng trước sự gia tăng dân số quá nhanh, vấn đề dân số làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng dân số, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã tổ chức Hội nghị quốc tế về dân số ở thủ đô Hà Lan vào tháng 11/1989. Tại diễn đàn này, đã quyết định lấy ngày sinh của bé Matej Gašpar (11/7) để kỷ niệm "Ngày Dân số Thế giới".
Ngày kỷ niệm này nhằm nhắc nhở các quốc gia và mỗi người dân sống trên trái đất về nguy cơ dân số tǎng quá nhanh, con người không đủ điều kiện sống với đầy đủ quyền chính đáng như: Quyền học hành, có việc làm, đủ dinh dưỡng, nhà ở, bảo vệ sức khỏe… Từ đó, mỗi quốc gia, mỗi cá nhân tự liên hệ với dân số của địa phương mình để có suy nghĩ và hành động hợp lý trong hành vi dân số, đồng thời tìm mọi biện pháp tích cực, góp phần giảm sự gia tăng dân số, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân trí và cải tạo môi trường sinh thái.
Thêm vào đó, Ngày Dân số Thế giới cũng là dịp để các quốc gia cùng nhìn lại quá trình kiểm soát sự phát triển dân số, từ đó tiếp tục đề xuất những chính sách, giải pháp hữu hiệu để thực hiện ngày càng tốt hơn mục tiêu dân số và phát triển trong chiến lược phát triển chung về kinh tế – xã hội. Đây cũng là dịp để thu hút sự chú ý của cộng đồng đến tính cấp bách và tầm quan trọng của vấn đề dân số.
|
Dân số thế giới được dự báo sẽ lên tới 9,1 tỷ người vào năm 2050. (Ảnh: Reuters) |
Dân số và phát triển
Theo các chuyên gia, các nhà khoa học, lịch sử phát triển nhân loại cho thấy, trong mọi hình thái kinh tế – xã hội, dân số là động lực, là trung tâm của sự phát triển. Những biến đổi về quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số chính là yếu tố quan trọng liên quan đến phát triển. Các nhà lãnh đạo và quản lý của nhiều quốc gia đã ngày càng nhận thức sâu sắc về sự ổn định quy mô dân số với sự gia tăng hợp lý. Điều đó sẽ giúp đất nước giảm bớt những căng thẳng về nguồn tài nguyên cạn kiệt, suy thoái môi trường, quá tải dân cư đô thị..., từ đó tăng các nguồn lực đầu tư phát triển dài hạn, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho người dân.
Tính toán của các nhà nhân khẩu học kinh tế cho thấy, giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ phát triển dân số có mối tương quan chặt chẽ theo tỉ lệ nghịch. Như vậy, theo mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế – xã hội thì mỗi quốc gia phải xác định và khống chế tốc độ dân số ở mức hợp lý để đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, đảm bảo khả năng tích lũy.
Theo thống kê của UNFPA:
- Mỗi phút lại có 1 người phụ nữ tử vong khi mang thai hoặc sinh con.
- Mỗi năm, 70.000 phụ nữ tử vong do phá thai trong điều kiện không an toàn.
- Hơn 300 triệu phụ nữ bị biến chứng khi mang thai và sinh con. |
Theo ước tính, dân số thế giới sẽ đạt 9,1 tỷ người vào năm 2050 và dân số của 50 quốc gia nghèo nhất sẽ tăng gấp đôi, lên 1,7 tỷ người. Hầu hết sự gia tăng này sẽ diễn ra trong các khu vực đô thị của các nước đang phát triển.
Thực tế cũng đã cho thấy, các xu hướng nhân khẩu học có ảnh hưởng quyết định trong cuộc chiến chống đói nghèo và thúc đẩy phát triển. Làm chậm tốc độ tăng trưởng dân số và tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV, giáo dục, nâng cao vị thế của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới chính là những biện pháp thiết yếu góp phần xóa đói giảm nghèo.
Các quyền về sức khỏe sinh sản chính là nền tảng cho việc sinh con khỏe mạnh, các mối quan hệ thân thiết và các gia đình hạnh phúc. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi đứa trẻ đều được sinh ra theo ý muốn, đều được sinh ra an toàn, các thanh niên khỏe mạnh, phụ nữ và trẻ em gái được đối xử tôn trọng và bảo toàn nhân phẩm.
Hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương trong các trường hợp khẩn cấp
Ngày Dân số Thế giới được kỷ niệm hằng năm vào ngày 11/7 nhằm mục đích thu hút sự chú ý đến sự cấp bách và tầm quan trọng của vấn đề dân số. Trong năm 2015, Ngày Dân số Thế giới được dành cho phần dân số dễ bị tổn thương trong các tình huống khẩn cấp.
Trong thông điệp đưa ra nhân ngày kỷ niệm này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết: Số người buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ trên thế giới chưa bao giờ cao hơn kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II. Gần 60 triệu người phải chạy trốn khỏi xung đột hoặc thiên tai, và trong đó số, phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. Họ đang là mục tiêu của các nhóm vũ trang và cực đoan bạo lực, trong đó có các hình thức lạm dụng khủng khiếp để lại những hậu quả là chấn thương, có thai ngoài ý muốn, lây nhiễm HIV và các bệnh khác. Các thủ phạm gây ra những hành vi đáng xấu hổ, hèn nhát nhằm vào các nạn nhân vô tội, phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, những người phụ nữ này không chỉ là nạn nhân đơn thuần. Họ nuôi dưỡng hy vọng, có nhiều kế hoạch và có thể đóng góp rất nhiều cho tương lai chung của chúng ta. Chúng ta phải đặt mình là một ưu tiên trong khuôn khổ các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, kiên quyết bảo vệ sức khỏe của phụ nữ, bao gồm cả sức khỏe tình dục và sinh sản, cũng như đáp ứng nhu cầu của họ. Đồng thời, chúng ta phải không ngừng thúc đẩy quyền con người của phụ nữ, trong những lúc khó khăn và trong thời bình, để họ có thể đóng góp vào việc ngăn ngừa xung đột.
Nhân Ngày Dân số Thế giới năm nay, Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi các quốc gia cùng thiết lập mục tiêu táo bạo, sẽ làm cho 2015 trở thành năm của hành động toàn cầu, đưa phần dân số dễ bị tổn thương vào kế hoạch đầu tiên để họ có thể xây dựng một thế giới mạnh mẽ, thanh bình và thịnh vượng cho các thế hệ tương lai.
|
Phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng dễ bị tổn thương và ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột (Ảnh: Khánh Linh) |
Ngoài ra, Giám đốc của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) Babatunde Osotimehin cũng nhấn mạnh rằng: Một báo cáo gần đây của Liên hợp quốc lưu ý rằng số người phải di dời do bạo lực cao chưa từng có – gần 60 triệu người vào cuối năm 2014. Trong số này, hầu hết phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với mối nguy hiểm đặc biệt do thiếu các dịch vụ y tế và dịch vụ thiết yếu khác cần thiết cho họ. Ngay cả trong điều kiện bình thường, các biến chứng về sức khỏe sinh sản cũng là nguyên nhân chính gây tử vong và bệnh tật ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Trong các trường hợp khẩn cấp về nhân đạo, ước tính rằng trong số 5 phụ nữ hoặc thiếu nữ thì 1 người có thể mang thai. Vì các nữ hộ sinh được đào tạo và các dịch vụ chăm sóc cấp cứu sản khoa thường không có sẵn nên những người phụ nữ và phụ nữ mang thai thường có nhiều khả năng chết hoặc trở nên ốm yếu.
Phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên cũng phải đối mặt với một nguy cơ bị lạm dụng tình dục, bạo lực và cưỡng bức hôn nhân nhiều hơn trong các cuộc xung đột và thiên tai. Ngoài ra, nhiều phụ nữ sống sót sau một cuộc khủng hoảng phải trở thành người đứng đầu của các hộ gia đình, và họ không chỉ có trách nhiệm chăm sóc cho con cái của mình. Họ thường phải vượt qua những trở ngại to lớn để chăm sóc tốt sức khỏe cho trẻ em, người bệnh, người bị thương và người già. Và họ có thể phải chịu đựng gánh nặng cứu trợ và tái thiết. Do đó, những người phụ nữ và trẻ em gái không thể đáp ứng nhu cầu riêng của mình khi phải gánh trách nhiệm chăm sóc cho người khác.
Ngày Dân số Thế giới năm nay được kỷ niệm với chủ đề: "Hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương trong các tình huống khẩn cấp", nhằm mục đích làm nổi bật những nhu cầu đặc biệt của phụ nữ và trẻ em gái trong các cuộc xung đột và thảm họa nhân đạo. Nhân ngày kỷ niệm này, Giám đốc UNFPA kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái. Chúng ta cần để phụ nữ, trẻ em gái vị thành niên và thanh niên có thể tham gia đầy đủ vào các cuộc đàm phán hòa bình, xây dựng hòa bình và phục hồi, tái thiết sau xung đột./.