Ngày quốc tế hòa bình (21/9/2013): “Giáo dục vì hòa bình”

Thứ bảy, 21/09/2013 13:51

Ngày quốc tế hòa bình được kỷ niệm vào ngày 21/9 hàng năm (Ảnh: UN)

(ĐCSVN) –
Hòa bình là một mục tiêu cao cả và quan trọng nhất cần nỗ lực hướng tới ở cả bình diện quốc gia và quốc tế. Cùng hành động và hợp tác vì mục tiêu này sẽ đem lại cho nhân loại một cuộc sống an toàn, thịnh vượng và bền vững.

Ngày quốc tế hòa bình được Liên hợp quốc khởi xướng vào năm 1981 theo Nghị quyết 36/67 và lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 9/1982. Tới năm 2002, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức tuyên bố lấy ngày 21/9 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế hòa bình.

Hòa bình – mục tiêu cao cả của toàn nhân loại

Hòa bình và xây dựng một nền hòa bình lâu dài, hướng tới phát triển bền vững chính là khát vọng, là mục tiêu cao cả của toàn nhân loại. Vào thời điểm trên thế giới liên tục xuất hiện các “điểm nóng” với xung đột và chiến tranh đe dọa sự sống của hàng triệu người dân thì giá trị của an ninh và hòa bình, hơn lúc nào hết, càng cần được củng cố.

Ngày kỷ niệm này cũng là dịp để Liên hợp quốc kêu gọi các bên tham chiến trên toàn thế giới cùng từ bỏ vũ khí và đưa ra một cơ hội hòa bình. Ngày quốc tế hòa bình đem lại cơ hội cho thế giới cùng dừng lại và xem xét cách thức tốt nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của xung đột và bạo lực.

Kỷ niệm Ngày quốc tế hòa bình, Liên hợp quốc mong muốn thể hiện sự cống hiến cho hòa bình thế giới và khuyến khích toàn nhân loại cùng hành động và hợp tác vì mục tiêu này. Ngày quốc tế hòa bình được dành để kỷ niệm và củng cố các lý tưởng hòa bình giữa tất cả các quốc gia và các dân tộc... Ngày kỷ niệm này cũng là lời nhắn nhủ tới mọi người dân trên thế giới về vai trò của Liên hợp quốc trong nỗ lực xây dựng hòa bình, đồng thời cũng là tiếng chuông liên tục nhắc nhở tổ chức này về nghĩa vụ thực hiện các cam kết lâu dài để giành lấy hòa bình cho nhân loại.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, “Ngày quốc tế hòa bình là thời điểm để cùng suy nghĩ – một ngày để chúng ta tái khẳng định niềm tin về một thế giới không bạo động và một lệnh ngừng bắn trên toàn cầu".

Trong thông điệp được gửi đi nhân ngày kỷ niệm này, Tổng Thư ký Ban “yêu cầu người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới dành một phút im lặng, vào 12h00 (giờ địa phương), để tôn vinh những người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột và những người còn sống sót hiện hàng ngày đang phải sống với chấn thương và đau đớn”.

Phát biểu tại buổi lễ rung chuông cầu nguyện hòa bình (Lễ Chuông Hòa bình) ở New York (Mỹ) ngày 18/9 vừa qua, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc John W. Ashe cũng nêu rõ: “Chúng ta bắt đầu kỳ họp năm nay của Đại hội đồng – kỳ họp thứ 68 – như những việc chúng ta đã làm hàng năm kể từ năm 1981, bằng một lời kêu gọi, củng cố hòa bình (...) Lễ Chuông Hòa bình hàng năm là một lời nhắc nhở sâu sắc về mục tiêu bao quát toàn bộ công việc của chúng ta để bảo đảm một thế giới hòa bình hơn”.

“Tiếng chuông rung lên vì hòa bình tại một thời điểm khi còn nhiều người dân trên khắp thế giới đang phải đấu tranh để được sống, bắt đầu và kết thúc một ngày của họ trong bóng tối, đói khổ và sợ hãi, phải đối mặt với nỗi kinh hoàng vào ngày mai. Tiếng chuông rung lên vì hòa bình tại thời điểm khi vẫn còn xung đột và đổ máu ở nhiều nơi trên thế giới, nơi có những căng thẳng và bạo lực nẩy sinh từ các vấn đề truyền thống bắt nguồn từ lâu, hoặc xuất phát từ sự khác biệt về sắc tộc và tôn giáo”, ông John W. Ashe nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngay khi chúng ta nghe chuông chuông này, chúng ta hãy nhớ rằng tiếng chuông đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc dùng để đánh dấu Ngày quốc tế hòa bình trong một nỗ lực kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên công nhận và suy nghĩ về các giá trị của hòa bình trên thế giới thay cho các hành động đổ máu, bạo lực và chiến tranh đang diễn ra hàng ngày. Ngày quốc tế hòa bình cũng là thời điểm để bất kỳ quốc gia nào tham gia vào xung đột sẽ có một ngày ngừng bắn, nơi chúng ta sẽ một phút im lặng để tưởng nhớ và tôn vinh các nạn nhân của chiến tranh và xung độtbất cứ nơi nào trên thế giới, và chúng ta nỗ lực hết mình để cùng nhau hành động nhằm thúc đẩy hòa bình.

“Giáo dục vì hòa bình”

Năm 2013, Ngày quốc tế hòa bình được Liên hợp quốc tổ chức kỷ niệm với chủ đề “Giáo dục vì hòa bình”. Thông qua chủ đề này, Liên hợp quốc một lần nữa nhấn mạnh tới vai trò của giáo dục trong việc đào tạo và giáo dục các công dân của thế giới. Trẻ em không chỉ cần học cách đọc, viết và tính toán, mà các em còn cần được dạy về cách tôn trọng những người khác, tôn trọng thế giới mà chúng ta đang sống và do đó, thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ của xã hội theo hướng công bằng hơn, rộng mở hơn và hài hòa hơn.

Theo Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc John W. Ashe, “điều làm cho Ngày quốc tế hòa bình năm 2013 này trở nên độc đáo chính là lần đầu tiên, ngày kỷ niệm này đã được Tổng Thư ký Liên hợp quốc dành riêng cho giáo dục hòa bình. Chúng ta hãy nhớ rằng giáo dục là con đường dẫn đến sự tăng trưởng và phát triển cho người dân và xã hội, và giáo dục các giá trị của hòa bình là một phương tiện quan trọng giúp ngăn ngừa và giảm thiểu xung đột và chiến tranh”.

Ông Nelson Mandela, một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng của thế giới đã từng nói: "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới". Và hoàn toàn có lý khi thế giới cùng nhìn nhận vai trò của giáo dục là một trong những nền tảng quan trọng xây dựng hòa bình. Giáo dục giúp xóa tan “bóng đen ngu dốt” che phủ tầm mắt của mọi người, dẫn chúng ta đi đến con đường đúng đắn, biết tôn trọng, khoan dung và tương trợ lẫn nhau trong gia đình, trong cộng đồng và giữa mọi người dân trên toàn thế giới, không phân biệt xuất xứ, tôn giáo hay sắc tộc.

Tổng Thư ký LHQ: Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc rèn luyện tư cách công dân toàn cầu. (Ảnh minh họa. Nguồn: news.go.vn)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết: “Năm nay chúng ta đề cao giáo dục hòa bình. Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc rèn luyện tư cách công dân toàn cầu xây dựng các xã hội hòa bình. Tháng 6 vừa qua, Malala Yousafzai, một nữ sinh Pakistan từng là mục tiêu ám sát của Taliban vì em đã đấu tranh đòi quyền được đi học, đã tới Liên hợp quốc. Malala cho biết: "Một giáo viên, một cuốn sách, một cây bút, có thể thay đổi thế giới". Đó là những vũ khí mạnh nhất của chúng ta”.

Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, “tất cả các cô gái tất cả các cậu bé xứng đáng nhận được một nền giáo dụcchất lượng và được học các giá trị sẽ giúp các em cảm thấy mình là một phần của cộng đồng thế giới. Chính phủ và các đối tác phát triển đang nỗ lực hành động để có thể đưa tất cả trẻ em tới trường và học tập tốt nhằm trang bị cho các em bước vào cuộc sống ở thế kỷ 21. (...) Nhưng chúng ta phải làm nhiều hơn nữa nhiều hơn nữa. 57 triệu trẻ em trên thế vẫn chưa được tiếp cận với giáo dục. Hàng triệu em khác cần được học tập tốt hơn”.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng cho biết một thực tế khó khăn hiện nay là nguồn viện trợ cho giáo dụcđã giảm lần đầu tiên trong một thập kỷ”. Chính vì vậy, “chúng ta phải đảo ngược sự suy giảm này, tạo các quan hệ đối tác mới, thu hút thêm chú ý đến chất lượng giáo dục”.

Trong Ngày quốc tế hòa bình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng “cam kết giáo dục cho trẻ em giá trị của lòng khoan dung và tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta hãy đầu tư cho các trường học và các giáo viên để xây dựng một thế giới công bằng và đa dạng hơn. Chúng ta hãy đấu tranh cho hòa bình và bảo vệ hòa bình với tất cả sức mạnh của mình”.

Tiếng chuông hòa bình vang lên đánh dấu Ngày quốc tế hòa bình một lần nữa nhắc nhở người dân trên toàn thế giới về các giá trị cao cả của hòa bình. Mỗi người dân, dù ở nơi nào trên trái đất, đều có quyền và có nghĩa vụ xây dựng hòa bình, hướng tới sự phát triển công bằng, thịnh vượng và bền vững. Hòa bình không thể đến ngẫu nhiên, mà nó là sản phẩm của ý thức, của thiện chí và mong muốn của mỗi người; cũng như là sản phẩm của một quá trình nỗ lực cùng nhau xây dựng và gìn giữ vì lợi ích chung của toàn nhân loại./.

 Hải Lê

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực