“Người hùng” WikiLeaks trong vòng lao lý
Thứ ba, 08/11/2011 16:31 (GMT+7)
Ông chủ WikiLeaks Giu-li-an Át-xan-giơ (Julian Assange) vừa thất bại trong cuộc chiến pháp lý chống lại việc bị dẫn độ sang Thụy Điển để đối mặt với các cáo buộc cưỡng bức tình dục. Nhưng điều mà Át-xan-giơ lo ngại nhất không phải là việc phải chịu tội ở Thụy Điển mà là nguy cơ sẽ bị đưa sang Mỹ và đối đầu với các cáo buộc liên quan tới hoạt động tiết lộ bí mật của WikiLeaks.
|
Át-xát-giơ trong vòng vây báo chí sau khi tòa thượng thẩm Anh ra phán quyết. Ảnh: AP |
Cho đến nay, kể từ sau khi trang mạng WikiLeaks tiết lộ những bức điện tín tuyệt mật khiến một số chính phủ, bao gồm cả Mỹ đau đầu, “người hùng” Át-xan-giơ vẫn chưa “hề hấn” gì vì đã làm việc táo bạo này. Nhưng Át-xan-giơ vẫn bị đẩy vào cuộc chiến pháp lý do bị cáo buộc cưỡng hiếp và tấn công tình dục phụ nữ trong hai vụ việc riêng rẽ ở Stốc-khôm (Thụy Điển) hồi năm ngoái. Tòa thượng thẩm ở Anh, nơi Át-xan-giơ đang bị giam lỏng, vừa quyết định sẽ giữ nguyên phán quyết của tòa sơ thẩm. Theo đó, ông chủ WikiLeaks sẽ bị dẫn độ sang Thụy Điển để xét xử.
Mẹ đẻ của Át-xan-giơ cùng các luật sư của ông đã kêu gọi Chính phủ Ô-xtrây-li-a can thiệp để bảo đảm Át-xan-giơ, một công dân của nước này, được xét xử công bằng ở Thụy Điển. Nhưng quan trọng nhất là bảo đảm để Át-xan-giơ không bị dẫn độ tới Mỹ. Át-xan-giơ sợ rằng ông sẽ bị chuyển tới Mỹ để đối mặt với “các cáo buộc không rõ ràng” liên quan tới hoạt động gián điệp. Tại Mỹ đã có những lời kêu gọi bắt giữ Át-xan-giơ vì các lý do an ninh quốc gia sau khi WikiLeaks công bố hàng nghìn bức điện tín ngoại giao rò rỉ của Mỹ. Thậm chí có những dự đoán cho rằng, Mỹ sẽ tìm cách để đưa Át-xan-giơ một cách hợp pháp tới Mỹ, nơi ông thực sự có nguy cơ bị giam giữ tại Vịnh Goan-ta-na-mô hoặc bất kỳ nơi nào khác. Thậm chí, ở Mỹ, Át-xan-giơ có thể phải đối mặt với án tử hình.
Sau khi WikiLeaks tiết lộ các tin tức gây “sốc” hồi năm ngoái, Át-xan-giơ từng cho biết, ông đang là đối tượng điều tra ráo riết của các giới chức Mỹ. Và có khả năng họ sẽ truy tố ông theo Đạo luật Gián điệp năm 1917 và một số đạo luật khác về bí mật an ninh quốc gia. Tổng trưởng lý Mỹ Ê-rích Hâu-đơ (Eric Holder) từng cho biết, Mỹ đang xem xét việc sử dụng Đạo luật Gián điệp năm 1917 để kết tội những người có được thông tin quốc phòng một cách bất hợp pháp phục vụ cho các mục đích làm tổn hại đến an ninh nước Mỹ và một số đạo luật khác, nhằm truy tố việc WikiLeaks công bố những thông tin nhạy cảm của chính phủ Mỹ.
Vụ dẫn độ ông chủ WikiLeaks không hề liên quan tới công việc của ông ở trang mạng này. Wikileaks tạo điều kiện cho những người không muốn “xuất đầu lộ diện” có thể tiết lộ những thông tin tối mật. Chính vai trò là nhà sáng lập và quản trị trang mạng của Át-xan-giơ đã đặt ông vào thế đối đầu với Oa-sinh-tơn. Nhất là sau khi WikiLeaks công bố khoảng 250 nghìn tài liệu ngoại giao của Mỹ khiến nhiều chính phủ phải bối rối. WikiLeaks còn công bố hàng trăm nghìn tài liệu của Mỹ liên quan tới cuộc chiến I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Do đó, Át-xan-giơ đã phủ nhận các cáo buộc liên quan tới cưỡng bức tình dục đối với mình và cho rằng đây là một âm mưu nhằm bôi nhọ ông và mang động cơ chính trị liên quan tới các hoạt động tiết lộ tin mật của WikiLeaks.
Át-xan-giơ có 14 ngày, kể từ khi tòa thượng thẩm Anh ra phán quyết như trên, để kháng án lên tòa án tối cao của Anh, nhưng với điều kiện tòa thượng thẩm phải cho phép ông làm việc này. Tòa thượng thẩm sẽ tiếp tục một phiên điều trần vào cuối tháng 11-2011 để xác định xem ông chủ WikiLeaks có thể tiếp tục kháng cáo hay không.
Tuy nhiên, tình thế của ông Át-xan-giơ có vẻ bất lợi nhiều hơn. Khả năng Át-xan-giơ được chính phủ Ô-xtrây-li-a bảo vệ là rất khó khăn. Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Giu-li-a Gi-lát (Julia Gillard) trước đây từng chỉ trích WikiLeaks là “vô chính phủ”, vô trách nhiệm. Bà đã phớt lờ tất cả các lời yêu cầu giúp đỡ mà Át-xan-giơ từng đưa ra. Bà Gi-lát đã từ chối nói về vấn đề này khi đang ở Can (Pháp) dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và chỉ cho biết Ô-xtrây-li-a sẽ có tuyên bố về việc này sau.
Nếu bị dẫn độ tới Thụy Điển, Át-xan-giơ khó tránh khỏi cảnh tù đày vì Thụy Điển không cho phép người nước ngoài được quyền nộp tiền bảo lãnh. Luật sư Gi-o-phrây Rô-bớt-xơn (Geoffrey Robertson) của Át-xan-giơ lo ngại khả năng thân chủ của mình sẽ không được xét xử công bằng tại Thụy Điển vì nhiều lý do. Thậm chí, ông còn e rằng thân chủ của mình sẽ bị xét xử trong bí mật. Hiện ở Anh, Át-xan-giơ đã được tại ngoại sau một thời gian bị giam giữ. Nhưng Át-xan-giơ phải đeo khóa điện tử ở chân và bị giám sát chặt chẽ.
Mẹ của Át-xan-giơ, bà Crít-xtin Át-xan-giơ (Christine Assange) cho biết, con trai bà đã bị “mất tinh thần” vì quyết định của tòa án Anh. Bà nói với báo chí Ô-xtrây-li-a rằng, con trai bà sẽ không chống lại quyết định dẫn độ tới Thụy Điển nếu Chính phủ Ô-xtrây-li-a bảo đảm con trai bà sau đó sẽ không bị dẫn độ sang Mỹ.